Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam tiếp tục thành công trên con đường hội nhập kinh tế thế giới khi tham gia đàm phán thành công TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Điều này đã mở ra không ít cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhưng cùng với đó là không ít thách thức.
Không khó để nhận ra Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế chậm phát triển nhất trong số các thành viên TPP. Điều đó đã đặt ra cho DN Việt Nam những thách thức không hề nhỏ khi hội nhập vào một trong những thị trường lớn và “khó tính” nhất thế giới hiện nay.
Tham gia TPP, DN Việt Nam có cơ hội đưa sản phẩm, dịch vụ của mình ra thế giới. Tuy nhiên, DN Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức lớn là làm thế nào để cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập ngay tại “sân nhà” trước khi bước ra cạnh tranh ở những thị trường khác.
Vẫn hiểu nôm na rằng, để trở thành người khổng lồ, đơn giản là hãy đứng trên vai của một người khổng lồ thực thụ… Và TPP đã mở ra cơ hội để DN Việt Nam trỗi dậy, song làm thế nào và bằng cách nào để đáp ứng những yêu cầu của TPP?
TPP đã mở ra cơ hội không chỉ cho DN Việt Nam mà còn cho người tiêu dùng Việt Nam, giúp họ tiếp cận những sản phẩm chất lượng cao, được sản xuất ở các quốc gia phát triển với chi phí hợp lý, giàu tính cạnh tranh.
Điều đó sẽ đặt ra một câu hỏi lớn cho DN Việt Nam: Động lực cạnh tranh của mình ở đâu? Liệu giá rẻ có còn là yếu tố cạnh tranh khi mà “chuẩn chất lượng” của hàng hóa đã được xác lập ở một vị trí cao hơn?
Bên cạnh đó, xu hướng của cuộc sống nói chung và của tiêu dùng nói riêng trong bất cứ xã hội nào cũng ngày càng được nâng cao. Điều hiển nhiên ấy cũng là một “vấn đề” của DN Việt Nam khi không biết làm thế nào để nắm bắt được xu hướng, hội nhập và thích nghi với xu hướng phát triển chung của toàn xã hội.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 4 trong các nước TPP, nếu xét dưới góc độ quy mô dân số, nhưng xếp thứ 11 về GDP và đứng thứ 8 về giá trị thương mại; là quốc gia có trình độ phát triển thấp nhất trong 12 quốc gia TPP.
Sáng tạo và cải tiến không ngừng sẽ là nền tảng của giải pháp. Một khi chưa đủ nguồn lực để tạo ra xu hướng mới thì việc làm khôn ngoan là phải thích nghi với xu hướng hiện tại một cách sáng tạo.
Có vẻ như chân lý ấy đang là chọn lựa tối ưu cho các DN Việt Nam trong “bối cảnh TPP”. Việc tái lập một thương hiệu có nền tảng bền vững thông qua các mô hình kinh doanh giàu sức sáng tạo, tiếp cận nhanh xu hướng của thị trường sẽ giúp DN đứng vững ngay tại “sân nhà”.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 4 trong các nước TPP, nếu xét dưới góc độ quy mô dân số, nhưng xếp thứ 11 về GDP và đứng thứ 8 về giá trị thương mại; là quốc gia có trình độ phát triển thấp nhất trong 12 quốc gia TPP.
Cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong xu thế TPP sẽ là điều tất yếu. Ngoài những việc chuẩn hóa về chất lượng, công nghệ, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tính sở hữu trí tuệ,… DN cần phải chiếm được “cảm tình tự nguyện” của người tiêu dùng, khi đó, những động lực cạnh tranh hữu hình mới trở nên hữu ích.
Ở góc độ nào đó, thương hiệu chính là cả quá trình vận hành kinh doanh. Do vậy, nó đòi hỏi DN cần phải có sự thích nghi tốt nhất với thị trường, cả tính năng lẫn hình thức của sản phẩm phải gần gũi với người tiêu dùng, có như vậy DN mới “giữ chân” người tiêu dùng được.
Đầu tư cho thương hiệu là đầu tư cho sự bền vững. Hẳn người ta không quên những tên tuổi như Apple, BP, FedEx, GM, GE… đều đã trải qua những thăng trầm trong quá trình tồn tại và phát triển. Sau mỗi đợt khủng hoảng, họ đều hồi phục mạnh mẽ. Ngoài những yếu tố về nguồn lực, thương hiệu đóng vai trò không nhỏ trong cuộc trường sinh của họ. Liệu có bao nhiêu DN Việt Nam sẽ có cơ hội như vậy?
Gia nhập TPP đồng nghĩa với gia nhập một thị trường mở, ở đấy, sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn nhiều. Để nắm bắt được cơ hội này, DN Việt ngoài phải cải tổ toàn diện hệ thống, từ công nghệ, quy trình quản lý, tư duy kinh doanh… còn cần phải chú trọng xây dựng nền tảng thương hiệu bền vững. Thương hiệu luôn là điểm khởi đầu và không bao giờ có điểm kết thúc.