Thương hiệu Việt có trở lại con đường tơ lụa thế giới?

0
608

“Chúng tôi là những người sản xuất lụa tơ tằm Việt Nam. Khách người Việt thường lo ngại hỏi: Có trộn lụa Trung Quốc vào không? Xin đừng hỏi như thế, dù chúng tôi hiểu bạn là người tự hào về hàng Việt. Và chúng tôi đang cố gắng đưa lụa Việt Nam có mặt trở lại trên bản đồ của con đường tơ lụa thế giới”, một nghệ nhân làm lụa tơ tằm ở Hội An tâm sự.

Những nguyên tắc vàng về tơ lụa thế giới

Trong những chuyến đi liên tục tới Thái Lan và Trung Quốc, nơi các nhà làm lụa nổi tiếng trên thế giới nhóm họp tại Diễn đàn Tơ lụa Thế giới 2015 và thành lập Hiệp hội Tơ lụa Thế giới, lần đầu tiên những người làm lụa Việt Nam thừa nhận có dịp cọ xát và hiểu rõ hơn cục diện trên bản đồ tơ lụa thế giới. Nếu không có những cuộc gặp gỡ này, thì khó có cái nhìn tổng thể về tơ lụa hướng đến giá trị nào.

Ông Guido Tettamanti – Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa Ý, đã vẽ ra một đồ thị đi xuống của ngành lụa Ý rất nổi tiếng với 90% hàng xuất đi châu Âu, Mỹ, Nhật và Trung Quốc, nhưng sản lượng năm 2014 chỉ còn 80% so với năm 2008. Ông Yoshida Kobayashi – Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản cho biết, mỗi năm, sản lượng tơ sản xuất của Nhật giảm 10 ngàn tấn, và cứ thế giảm gần 10 năm nay.

Ngành sản xuất lụa tơ tằm rơi vào tay ai thì đã rõ. Người Trung Quốc đang làm chủ, từ cung cấp tơ thô đến hàng tơ lụa cao cấp nhất thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng kêu ca người tiêu dùng đang quay lưng với lụa vì giá cao, khó thích nghi với đời sống hiện đại.

Ở Việt Nam, ngành tơ lụa chỉ trông vào xuất khẩu, nhưng các vùng nguyên liệu bị thu hẹp dần trong quá trình đô thị hóa, phụ thuộc nguyên liệu tơ nhập từ Trung Quốc, thiết kế không có định hướng nên các nhà máy đình đám nhất ở vùng Bảo Lộc cũng phải thu hẹp 60% quy mô sản xuất so với 10 năm trước.

Muốn thành công phải hiểu rõ bản chất của những quy định tiêu dùng hiện đại. Ông Guido Tettamanti than phiền về hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật do thị trường khổng lồ Trung Quốc áp đặt rất khó khăn, vượt qua các quy định nổi tiếng ngặt nghèo của châu Âu. Có thể hiểu Trung Quốc cần bảo hộ hàng nội địa, cũng như chỉ cho phép nhập khẩu những loại hàng cao cấp nhất của thế giới. Với bối cảnh này, con đường xuất khẩu tơ lụa của Việt Nam gần như bế tắc.

Tất cả các thị trường tiêu thụ lụa tơ tằm thiên nhiên 100% đều đề cao yếu tố bảo vệ môi trường như một tối hậu thư cho nhà sản xuất, đó là nguyên tắc vàng. Nguyên tắc này đòi hỏi hàng loạt dây chuyền công nghệ áp dụng cho khâu sản xuất nguyên liệu tơ tằm không hại đến môi trường và loại bỏ hoàn toàn hóa chất. Thế nên giá lụa sẽ ngày càng đắt, kén người dùng hơn, và đầu tư cũng tốn gấp bội.

Nguyên tắc vàng thứ hai là tạo con đường cho lụa chuyển tiếp nhẹ nhàng từ truyền thống sang hiện đại. Các nhà làm lụa Ý, Pháp đều thừa nhận Trung Quốc thành công trong việc đưa chiếc áo xường xám may bằng lụa vào đời sống hôm nay, để chiếc áo này vẫn sử dụng tốt trong mọi hoàn cảnh, tạo ra một thị trường lớn để tiêu thụ lụa tơ tằm.

Có mặt tại buổi trình diễn thời trang váy cưới 2017 của các nhà thiết kế trẻ Trung Quốc tại Hàng Châu vào một tối cuối tháng 10/2015, nhận thấy những người trẻ vẫn gắn mọi sáng tạo của họ vào chất liệu tơ tằm và có sự đột phá khi hòa quyện các yếu tố trang phục, họa tiết truyền thống vào hiện đại rất tuyệt vời.

Nhà thiết kế tài danh người Pháp Cédric Brochier – ông chủ thương hiệu tơ lụa Pháp Brochier Soieries nổi tiếng khắp thế giới – đến Hội chợ Tơ lụa Trung Quốc 2015 với các sản phẩm lụa sản xuất tại Pháp nhưng hợp tác với một nhà thiết kế Trung Quốc, và ông nhận định đó là con đường để có chỗ đứng trong thị hiếu của giới trẻ Trung Quốc. Những họa tiết mang màu sắc đặc trưng của Trung Quốc trên nền lụa Pháp đã thu hút rất đông người xem ghé vào gian hàng của Brochier Soieries.

Một nhà thiết kế đủ sức chinh phục thị trường luôn phải có chiều sâu truyền thống văn hóa ở thị trường ấy, đó cũng là một nguyên tắc với chất liệu lụa tơ tằm.

Giá tốt không phải là giá rẻ

Mặc dù đang hiện diện ở một diễn đàn quốc tế nhưng ông Yoshida Kobayashi chỉ nói về dòng lụa “thuần Nhật” cho người Nhật dùng, được hiểu là hàng nội địa của Nhật. Ông nói: “Chúng tôi muốn thoát khỏi khó khăn bằng cách này”.

Và đây cũng là bài học thú vị nếu như các ngành muốn thành lập hiệp hội ngành nghề. Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản đã bàn bạc và thống nhất với các doanh nghiệp cùng đầu tư cho một dòng các loại tơ tằm thiên nhiên sản xuất tại Nhật, từ nguyên liệu, giống dâu tằm đến phương pháp nuôi trồng, và sản xuất đại trà.

Các viện nghiên cứu nông nghiệp nhận đơn đặt hàng về cải tạo giống tằm chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất.

Giải pháp của Hiệp hội là thông tin cho khách hàng biết đây là dòng sản phẩm “Made in Japan” dành cho người tiêu dùng Nhật Bản với những hội chợ, triển lãm ở các trung tâm thương mại lớn. Cả quy trình sản xuất cũng được giới thiệu tỉ mỉ, như tơ Nhật do các tập đoàn sản xuất liên kết với các trang trại để quản lý về chất lượng, quy trình hoàn toàn thiên nhiên và bảo vệ môi trường chặt chẽ.

Lịch sử phát triển nghề tơ lụa của Nhật trải qua hàng nghìn năm, nhưng Hiệp hội chỉ tập trung làm rõ lịch sử vàng son 50 năm gần đây để có điều kiện phục hồi hiện vật, hình ảnh. 210 công ty Nhật Bản đã cùng có mặt để giới thiệu 570 sản phẩm lụa, với các mẫu mã độc đáo nhất để người Nhật hiểu rõ đây là hàng “Made in Japan” và hướng tới người tiêu dùng Nhật. Những nhạc công chơi nhạc dân tộc lừng danh được mời đến để giới thiệu về lụa cao cấp, và người tiêu dùng đã nhanh chóng tiếp nhận dòng sản phẩm mới. Người Nhật coi loại tơ lụa “Made in Japan” là một thương hiệu quốc gia, được dùng trong những dịp trọng đại.

Làm thương hiệu cho lụa như người Nhật có khó không? Rất khó, bởi quan điểm “giá tốt” của người Nhật không giống ở Việt Nam. Ông Lê Thái Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, sau khi nghe những phân tích của Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản, đã ngậm ngùi kết luận: “Chúng ta chưa có khách hàng với phẩm chất như người Nhật, và càng không có nhà sản xuất như người Nhật”.

Cách hiểu của người Nhật về “giá tốt” là bao hàm chất lượng tốt, ứng xử văn minh của con người với mảnh đất mình đang sống dù phải tốn kém, là thái độ yêu quý, tích cực bảo vệ môi trường dù giá thành sản phẩm sẽ cao, và người thợ hoặc công ty sản xuất có tương lai tốt với sản phẩm đó. Giá tốt không phải là giá rẻ! Quan điểm tiêu dùng của thế giới đang thay đổi từng ngày như thế.

Lụa Việt Nam sẽ đứng ở đâu, sẽ xây dựng thương hiệu trên quan điểm nào đều không thể tránh khỏi những nguyên tắc sống văn minh đó. Và không chỉ lụa, tất cả các loại hàng hóa khác đều cùng con đường.

Điều đáng suy nghĩ là nước ta đang vận động người tiêu dùng quay lại với hàng Việt, nhưng liệu đã có chiến lược xây dựng quy chuẩn về chất lượng, văn hóa, văn minh trong hàng Việt để cả người sản xuất và người tiêu dùng hướng vào mà cân đong đo đếm?

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here