Đọc báo Tuổi Trẻ, thấy ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), phát biểu về việc ông muốn ủng hộ việc bán cổ phần Sabeco cho đối tác trong nước, dù với giá thấp hơn, thay vì cho đối tác nước ngoài, dù với giá cao hơn.
Lý do mà ông đưa ra là: “Nếu một hãng bia thương hiệu lớn của thế giới ở phân khúc cao hơn mua được cổ phần chi phối của Bia Sài Gòn thì họ sẽ thúc đẩy thương hiệu của chính họ, hơn là việc phát triển thương hiệu Bia Sài Gòn”.
Ông còn lập luận thêm: “Vì một mặt thương hiệu của họ có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn (giá bán sản phẩm cao hơn), mặt khác họ cũng chẳng dại gì bỏ chi phí để khuếch trương thương hiệu Bia Sài Gòn, vốn có một tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn, để cạnh tranh ngay chính thương hiệu đang mang lại lợi tức cao hơn cho họ”. Và theo ông, nếu rơi vào tay đối tác nước ngoài “thương hiệu Bia Sài Gòn sẽ có nguy cơ mất dần”…
Xin hoan nghênh tinh thần dân tộc rất cao của ông Tuất. Tuy nhiên, hãy thử nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ khác.
Trước hết, việc đem cổ phần của một công ty nhà nước ra bán với mức giá rẻ hơn so với mức giá mà một (hoặc nhiều) đối tác khác chấp nhận mua, cần phải được cân nhắc cẩn trọng. Số tiền thiệt hại cho Nhà nước (do chênh lệch giá) ai sẽ chịu trách nhiệm và chịu như thế nào?
Nhiều người cho rằng, một thương hiệu toàn cầu thực sự không cần một “quốc tịch” cứng nhắc. Ảnh minh họa SGTT.
Thứ hai, giả sử có một đối tác trong nước nào đó được ưu ái mua cổ phần Sabeco với giá rẻ, sau đó một thời gian, họ đem bán lại cho một đối tác nước ngoài với giá cao hơn để lấy lời thì có cấm họ được không? Nếu có, thì có cấm vĩnh viễn được không? Nếu không, thì cuối cùng thương hiệu Sabeco cũng rơi vào tay cổ đông nước ngoài; và người được hưởng lợi từ thương vụ này là ai, đã rõ.
Thứ ba, liệu có thuyết phục khi cho rằng, đối tác nước ngoài bỏ một số tiền (rất lớn) mua thương hiệu Bia Sài Gòn chỉ nhằm mục đích để… giết chết nó? Ở đây, cần lưu ý rằng thương hiệu bia nước ngoài và thương hiệu Bia Sài Gòn đang ở hai phân khúc thị trường hoàn toàn khác nhau, nên chúng không cạnh tranh trực diện với nhau. Vì vậy, mua Bia Sài Gòn, với mức đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ, rồi giết nó chết vì sợ nó cạnh tranh với thương hiệu bia của mình, liệu có hợp lý?
Thứ tư, nhiều người cho rằng, một thương hiệu toàn cầu thực sự không cần một “quốc tịch” cứng nhắc. Không nhất thiết phải khư khư giữ lấy một thương hiệu Việt (với hàm ý chủ sở hữu của nó phải là người Việt) nếu như chính vì lý do này mà nó không phát triển nổi và có nguy cơ ngày càng suy yếu. Một thương hiệu có nguồn gốc Việt (như Bia Sài Gòn), nếu có cơ may được quốc tế hóa và nổi tiếng trên toàn thế giới, đem lại lợi ích (hữu hình và vô hình) cho quốc gia thì việc cổ đông của nó mang quốc tịch nào không phải là vấn đề mang tính nguyên tắc.
Cuối cùng, nếu đối tác trong nước nào có tầm nhìn xa, và thực sự muốn giữ lại “quốc tịch” Việt cho Bia Sài Gòn thì hãy chấp nhận đấu giá sòng phẳng với các hãng bia nước ngoài để giành lấy thương hiệu này (và phát triển nó) thay vì cứ kêu gọi “tinh thần dân tộc” để tìm cách “thâu tóm” nó với giá hời!