Thử thách mới của tân CEO Intel Việt Nam

0
917

Câu hỏi lớn của Intel hiện nay là tìm kiếm tăng trưởng mới khi mảng kinh doanh truyền thống đã bão hòa.

FPT Retail là đơn vị có chuỗi bán lẻ hàng công nghệ đầu tiên trong nước được Intel Việt Nam chọn làm đối tác chiến lược kể từ tháng 4.2015. Theo đó, các sản phẩm công nghệ có tích hợp thiết bị của Intel sẽ được trưng bày và bán lẻ tại hệ thống FPT Shop, cửa hàng trực thuộc FPT Retail. Và người đảm nhiệm việc xúc tiến chương trình hợp tác này là tân Tổng Giám đốc (CEO) Trần Đức Trung của Intel Việt Nam, người vừa đầu quân cho tập đoàn này hơn 6 tháng.

Xe tăng qua cầu tre

Trước khi đến với Intel Việt Nam, ông Trung đã từng có 6 năm gắn bó với Dell Việt Nam trong vai trò CEO. Có thể nói, đây là nơi mà dấu ấn của ông đã gây tiếng vang trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm công nghệ tại Việt Nam.

Sở dĩ như vậy là trước khi ông Trung đến với Dell, vị trí của tập đoàn này tại thị trường bán lẻ của Việt Nam chỉ là con số 0. Sau 2 năm, Dell Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường laptop (chiếm 20% doanh số thị trường) và liên tục giữ vững danh hiệu này trong 4 năm trở lại đây, theo thống kê của IDC. Ông Trung nhớ lại “năm 2008, chưa có công ty nào phân phối sản phẩm của Dell cả, vì Công ty chỉ bán trực tiếp thông qua đặt hàng trên Internet”.

Khi nhận nhiệm vụ xây dựng hệ thống phân phối truyền thống tại Việt Nam, ban đầu ông Trung cũng gặp không ít khó khăn từ những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Dell chưa bao giờ làm phân phối và vì vậy cũng không có chính sách nào cho hình thức bán hàng này. “Hệ thống tài chính hay cấp tín dụng hoàn toàn chỉ hỗ trợ cho bán hàng trực tiếp”, ông kể. Thêm nữa, các nhà phân phối lúc đó cũng không biết nếu tiếp nhận sản phẩm về có bán được không hay chính sách hỗ trợ thế nào.

“Dell lúc đó như cỗ xe tăng lớn, muốn đưa được qua sông là thị trường tiêu thụ lẻ thì cần phải xây cầu bê tông mất rất nhiều thời gian. Tôi tận dụng nhiều cầu tre và rón rén đi qua”, ông Trung nói. Những chiếc cầu tre mà ông ví von chính là quy trình, chính sách phù hợp cho hệ thống phân phối tại Việt Nam. Luôn thực hiện đúng cam kết và cho rằng “kinh doanh không nên chỉ đứng trên quan điểm của người bán – kẻ mua, mà trên cơ sở là đối tác, cùng sống cùng chết thì sẽ có được niềm tin và sự ủng hộ của nhà phân phối”. Nhờ đó, Dell đã xây dựng được mạng lưới đối tác rộng khắp tại Việt Nam như hiện nay.

Kết quả là doanh số của Dell Việt Nam tăng trưởng mạnh và gấp 10 lần trong vòng 6 năm. Ngoài lợi thế là thương hiệu lớn trên toàn cầu, doanh số vượt trội trên còn đến từ uy tín của vị thuyền trưởng của Dell Việt Nam khi đó.

Thực ra, Dell Việt Nam cũng chưa phải là nơi đầu tiên ông Trung dấn thân vào môi trường kinh doanh công nghệ. Trước Dell, ông đã đầu quân cho Acer và cũng đã từng đưa thương hiệu này vào nhóm có thị phần laptop lớn nhất tại Việt Nam trước năm 2008.

Và dường như niềm đam mê kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ mỗi ngày lại lớn hơn khi mới đây ông lại quyết định đầu quân cho Intel Việt Nam. Ông nói “sức bao trùm trong ngành công nghệ của Intel rộng hơn rất nhiều so với những chỗ làm trước. Acer hay Dell đều là khách hàng của Intel. Ở đây không chỉ có sản phẩm phục vụ cho máy tính cá nhân truyền thống, máy chủ mà còn vô số sản phẩm khác nữa. Đó là sự khác biệt rất lớn và tôi muốn thử sức mình trong một mảng rộng hơn”.

Bài toán ở Intel Việt Nam

Đầu quân cho Intel đã được hơn 2 quý, nhiệm vụ chính của ông là “thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông qua sự hợp tác chiến lược với Chính phủ và các đối tác ở Việt Nam”.

Nhiệm vụ liên quan đến Chính phủ đã được hiện thực hóa ngay trong 90 ngày làm việc đầu tiên. Tân CEO Trần Đức Trung đã tái khởi động việc hợp tác với chính quyền Đà Nẵng trong năm 2015, vốn dĩ chưa được thực hiện kể từ biên bản ghi nhớ được ký kết năm 2011. Theo đó, Intel Security sẽ xây dựng cho Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng phòng thí nghiệm bảo mật để thiết lập một cấu trúc mạng lưới an toàn, bên cạnh việc cung cấp gói giải pháp bảo mật thiết bị đầu cuối.

Cũng trong năm nay, Intel Việt Nam sẽ hợp tác với Chính phủ để thúc đẩy nhận thức về một giải pháp mới cho cơ quan này cũng như hệ thống các doanh nghiệp. Đó là Internet of Things, hiểu đơn giản là các thiết bị thông minh được kết nối với nhau để giúp nắm được hệ thống đang vận hành có hiệu quả hay không và cần khắc phục điểm nào để đạt được kết quả tối ưu.

Còn trong những năm trước đây, Intel Việt Nam đã từng kết hợp với Chính phủ Việt Nam và các ban ngành trong các chương trình giáo dục phổ thông, đại học, đào tạo giáo viên, kỹ sư có trình độ cao…

Quan hệ Chính phủ có thể được xem là một trong những viên gạch nền trong lộ trình đầu tư của Intel. Hãng có lợi thế thương lượng đáng kể nhờ vị thế của một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Chính phủ Việt Nam tỏ ra sốt sắng khi Intel công bố Việt Nam cùng với Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong danh sách ứng viên mà tập đoàn này có kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm nghiệm.

Nhờ đưa ra những ưu đãi đặc biệt nên Việt Nam đã thu hút được nhà đầu tư khổng lồ này. Sự hiện diện của Intel ít nhiều tạo nên hiệu ứng lan tỏa. Tính đến tháng 2.2015, tổng vốn đầu tư cam kết gần 4,2 tỉ USD. Ngoài Intel còn có những tên tuổi lớn như Sonion, Samsung, AirLiquide, GES, QSIC và đặc biệt là dự án mới được cấp phép “Xây dựng và phát triển Khu Sài Gòn Silicon City” để thu hút các doanh nghiệp Việt kiều hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Ngoài tiếp xúc với Chính phủ, ông Trung còn phải làm việc với nhiều đối tác khác. FPT Retail là một trong số đó. Trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại hệ thống FPT Shop (có hơn 200 cửa hàng bán lẻ trên khắp 63 tỉnh thành), Intel Việt Nam kỳ vọng mở rộng thêm thị trường nhằm tăng lượng người sử dụng công nghệ nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Đây có lẽ là bước đi nhằm tìm kiếm sự tăng trưởng mới khi mảng kinh doanh truyền thống bão hòa.

Cụ thể, với vị thế là tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm thị phần trên 80%, còn ở Việt Nam là 90% thì dường như cánh cửa tăng trưởng cho Intel Việt Nam cũng như tập đoàn mẹ ngày càng hẹp dần. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng máy tính cá nhân lại thấp hơn nhiều so với các thiết bị di động khác như máy tính bảng, điện thoại thông minh…

Theo nghiên cứu của Gartner, năm 2013 số lượng máy tính bảng bán ra chiếm đến 90% tổng số thiết bị toàn cầu. Intel cũng dự báo nhu cầu về máy tính bảng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Đó là lý do hãng này quyết định thâm nhập sâu vào thiết bị di động, trong đó chủ lực là máy tính bảng. Tập đoàn này đã cùng với các đối tác đưa ra nhiều loại máy tính bảng hỗ trợ đa hệ điều hành và phát triển các nền tảng ứng dụng mới nhất để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là khu vực châu Á – thị trường có tốc độ gia tăng nhu cầu máy tính bảng cao nhất thế giới.

Ngoài máy tính bảng, Tập đoàn cũng đang đẩy mạnh nhiều sản phẩm mới liên quan đến các giải pháp cho doanh nghiệp, các sản phẩm tính toán, điện thoại thông minh… Và do bước đi trong lĩnh vực thiết bị di động chậm hơn các đối thủ khác, nên Intel chắc hẳn sẽ gặp không ít thách thức khi tiếp cận người tiêu dùng.

Liệu thế mạnh trong việc xây dựng hệ thống phân phối đến tay người tiêu dùng của CEO Trần Đức Trung có giúp Intel tiếp tục tăng trưởng trong sản phẩm mới khi mảng kinh doanh truyền thống đã bão hoà? Với ông Trung, ánh sáng luôn ở phía cuối đường hầm.

Niềm tin này xuất phát từ chính kinh nghiệm của bản thân và thực tiễn của Intel trong suốt 50 năm qua. Cho đến nay, Intel luôn lấy “Định luật Moore” làm kim chỉ nam để cải tiến chất lượng và kích thước của chất bán dẫn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thế giới công nghệ mấy thập kỷ qua. “Điều đó cũng có thể sẽ lặp lại với các sản phẩm khác của Intel trong thời gian tới”, ông nói.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here