Chi 900.000 USD để sở hữu thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, ông Phạm Đình Nguyên muốn dùng nơi đây để quảng bá các sản phẩm của Việt Nam và trước tiên là cà phê.
– Tại sao ông quyết định mua lại Buford và kinh doanh cà phê tại đây?
– Buford là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ nhưng đã tạo ra một cơn địa chấn truyền thông kỷ lục. Theo công bố, cuộc đấu giá thị trấn tháng 4 năm rồi đã tạo ra hơn 1.200 bài viết, tiếp cận trên 1,3 tỷ lượt người xem. Do đó, tôi muốn sử dụng danh tiếng thị trấn này cho việc kinh doanh.
Đúng là lúc mua, tôi hoàn toàn chưa có một kế hoạch kinh doanh cụ thể nào. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là một “thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ” chắc chắn sẽ được nhiều người quan tâm. Và thực tế là đúng như vậy. Sau đó, tôi suy nghĩ và quyết định phát triển một số sản phẩm mang tính “quốc hồn quốc tuý” của Việt Nam rồi nhắm đến thị trường Mỹ. Cà phê là chọn lựa đầu tiên. Mỹ là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Cuối cùng, tôi muốn Buford là thánh địa cà phê Việt, dù là chỉ mang tính biểu tượng mà thôi.
– Ông đã chuẩn bị thế nào cho công việc kinh doanh tại Buford?
– Kinh doanh ở một thị trường nước ngoài nói chung là rất khó khăn, nhưng với PhinDeli tôi lại cảm thấy rất thuận lợi vì có đối tác, anh em bạn bè và có sự hỗ trợ từ chính quyền bang Wyoming. Thị trưởng cũ là Don Sammons được mời trở lại cùng cộng tác để phát triển thị trấn dù ông sống tại thành phố Loveland (bang Colorado). Chính Don đã chuẩn bị một cách hoàn hảo mọi công việc tại đây và từ giờ sẽ lo quản lý toàn bộ từ việc xin giấy phép kinh doanh đến mua bảo hiểm, thuê lao động.
Ngoài ra còn 2 phụ nữ sống tại Cheyenne làm việc toàn thời gian ở PhinDeli. Bên cạnh sự hỗ trợ từ bạn bè, các đơn vị truyền thông cũng giúp ích rất nhiều khi đưa tên tuổi của Buford và PhinDeli vượt ra ngoài nước Mỹ.
– Khi ông đổi tên Buford thành PhinDeli, cộng đồng dân cư Mỹ và Việt đón nhận chuyện này ra sao?
– Như tôi đã nói, chúng tôi cần một cú hích cho PhinDeli để nhảy vào thị trường Mỹ. Để làm được việc này cần tạo ra một câu chuyện hay, hấp dẫn nên chúng tôi quyết định đổi tên thị trấn. PhinDeli có nghĩa “ly cà phê ngon”, được lồng ghép để cả người Việt và người nước ngoài đều đọc và dễ hiểu. Phin là công cụ pha độc đáo của cà phê Việt. Deli là viết tắt của Delicious, có nghĩa là ngon.
Việc đổi tên làm cho báo chí Mỹ rất quan tâm, một điều luôn được coi là không dễ dàng. Đối với cộng đồng, họ chào đón chúng tôi gia nhập họ, nhiều người đã đến tham dự buổi lễ khai trương PhinDeli, có người không đến được thì tặng quà. Tôi nghĩ, có lẽ người Việt ở Mỹ đón nhận sự kiện này hào hứng hơn cả. Tôi đã tiếp 4 gia đình người Việt đến Buford trước buổi lễ một ngày, có cặp còn lái xe hơn 2 tiếng đồng hồ đến chơi sau khi đọc thông tin trên báo.
– Ông kỳ vọng gì về việc kinh doanh cũng như những dự định trong tương lai?
– Mọi việc vẫn còn ở phía trước, chưa thể nói được gì nhiều nhưng lúc này đây tôi cảm thấy tự tin hơn nhiều sau buổi lễ ra mắt thị trấn PhinDeli. Tôi cho rằng người Mỹ phải thay đổi cách nhìn về doanh nhân Việt qua sự kiện này. Rất nhiều người tỏ ra tâm đắc, khen ngợi logo, bao bì, bức tranh trên tường… vì họ không nghĩ Việt Nam có thể làm được như vậy. Tôi cũng muốn tranh thủ qua đây giới thiệu thêm những nét đặc sắc của Việt Nam cùng những sản phẩm mang tính “quốc hồn quốc túy” như gốm sứ Minh Long, nước mắm Phú Quốc Thuận Phát, một số món ăn Việt…