Ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam, trao đổi với chúng tôi về xu hướng mua sắm của người tiêu dùng qua kênh thương mại điện tử thời gian gần đây.
* Ông đánh giá gì về hành vi mua sắm của người dùng Việt Nam vào mùa cuối năm, khi thương mại điện tử (TMĐT) sôi động nhất?
Không có một doanh nghiệp nào muốn bỏ lỡ mùa mua sắm cuối năm, bởi đây là thời gian người tiêu dùng thường “mở rộng hầu bao” để sắm sửa cho năm mới. Một nghiên cứu thị trường gần đây của eCommerceIQ đưa ra con số thú vị rằng, gần 40% doanh số bán hàng trực tuyến được tạo ra trong ba tháng cuối năm, khi khách hàng chú trọng mua quà tặng và đồ trang trí cho mùa lễ hội. Số lượng người mua lẫn giao dịch đều tăng mạnh trong thời gian này.
Đây cũng là lý do các sàn TMĐT, trong đó có Shopee, đồng loạt tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để khuấy động mùa lễ hội. Tôi cho rằng sẽ có vô số người dùng mới thử mua sắm online trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
* Mặt hàng nào được người tiêu dùng chuộng nhất khi mua sắm online?
3 mặt hàng nhiều tiềm năng nhất chính là sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; đồ chơi và sản phẩm cho trẻ em; đồ điện tử công nghệ. Chúng tôi đưa ra kết luận này dựa trên thực tế số liệu của chương trình 99 Online Shopping Day diễn ra vào ngày 9/9 vừa qua. Riêng với Shopee, lượng người dùng nữ nhiều hơn so với nam nên mặt hàng bán chạy nhất là son môi. Dù vậy thì lượng người mua là nam cũng đang tăng dần nhờ sức hút của ngành hàng điện tử.
* Vậy còn nhóm hàng tiêu dùng nhanh thì sao?
Đây là một phân khúc tiềm năng cho ngành TMĐT mà Shopee cũng đang nhắm đến. Công ty đã hợp tác với Unilever, P&G… để đưa nhiều sản phẩm tiêu dùng nhanh đến Shopee Mall. Sữa bột và tã trẻ em là những mặt hàng khá phổ biến và bán chạy; đồng thời chúng tôi cũng nỗ lực mở rộng danh mục sản phẩm ra nhóm chăm sóc cơ thể, chăm sóc da và tóc. Đây thật sự là một phần rất quan trọng trong hướng đi sắp tới của Shopee.
* Ông có nghĩ rằng người dùng sẽ chịu mua hàng tiêu dùng nhanh qua kênh online hơn là đi đến cửa hàng?
Tôi tin vào điều này. Thị trường hàng tiêu dùng mùa cuối năm sẽ dịch chuyển lên online. Lý do chính nằm ở sự tiện dụng từ khâu mua hàng cho đến vận chuyển. Thử tưởng tượng nếu bạn đến siêu thị và phải mua tã giấy, sữa bột, dầu gội chai lớn và nhiều món đồ khác nữa thì sẽ vừa cồng kềnh, vừa nặng vừa tốn thời gian. Trong khi đó, yếu tố quyết định hành vi mua hàng tiêu dùng nhanh của khách hàng lại nằm ở thương hiệu chứ không tập trung vào khâu trải nghiệm thực tế sản phẩm.
Việc mua sắm online giúp tối ưu hóa vấn đề vận chuyển, đem đến trải nghiệm liền mạch, nhất quán, dễ dàng từ khâu tìm kiếm cho đến thực hiện lệnh mua hàng. Việc người dùng thích ứng với trải nghiệm mua hàng tiêu dùng nhanh trên các trang TMĐT sẽ là tương lai không xa.
* Ông đánh giá thị trường TMĐT năm sau như thế nào?
Nếu chúng ta lập một bảng so sánh tổng hợp, ngành TMĐT của Việt Nam chiếm tỷ lệ 3%. Con số này tính trên toàn cầu là 7%; còn ở Trung Quốc – thị trường dẫn đầu của ngành – chiếm khoảng 14%. Tôi tin đây là cơ hội lớn để ngành TMĐT phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
* Chiến lược kinh doanh của Shopee trong năm tới sẽ như thế nào?
Thực tế là thị trường TMĐT phát triển nhanh và thay đổi cũng rất nhanh. Đối với Shopee, chiến lược của chúng tôi sẽ vẫn như những ngày đầu – phục vụ người tiêu dùng, đem đến trải nghiệm mua sắm thuận tiện và tối ưu nhất. Cụ thể là hướng dẫn người bán sử dụng Shopee hiệu quả hơn, đồng thời đem đến cho người mua sản phẩm chất lượng với mức giá tốt nhất.
* Đây cũng là lý do Shopee liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi cho khách hàng?
Nhìn chung, đội ngũ Shopee cố gắng xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi chúng tôi có thể giới thiệu về TMĐT cho người dùng, thu hút họ trải nghiệm mua sắm trên Shopee, từ đó tạo nên sự gắn kết và tin cậy giữa người dùng với Shopee.
Thách thức lớn nhất của chúng tôi là làm sao để thu hút khách hàng offline chuyển sang mua hàng online. Và hiện tại, Shopee đang sử dụng chiến lược “giá” để cạnh tranh. Giả sử, bạn có thể mua được một chiếc iPhone X chỉ bằng nửa giá thị trường trên kênh online, bạn có mua không? Nhất định là có rồi.
* Có rất nhiều chương trình sales vào thời điểm cuối năm, Shopee sẽ làm gì để chương trình Shopee Super Sale từ ngày 9, 10, 11/11 đến 12/12 diễn ra thành công?
Có hai điều chúng tôi đang nỗ lực thực hiện. Đầu tiên là hợp tác với Sơn Tùng M-TP – đại diện thương hiệu mới của Shopee Việt Nam. Với phong cách trẻ trung, thân thiện, cách trình diễn sáng tạo và sức lôi cuốn mạnh mẽ, Sơn Tùng sở hữu lượng fan đông đảo cùng fanpage có lượng tương tác cực cao. Đồng thời chúng tôi nhận thấy nhóm đối tượng fan này khá tương đồng với nhóm người dùng Shopee. Có đến 80% khách hàng Shopee ở trong độ tuổi 18-34.
Thứ hai, chúng tôi cố gắng đưa ra chính sách mua hàng có lợi cho người dùng. Người dùng đã gặp phải quá nhiều vấn đề về khuyến mại ảo. Còn riêng Shopee, chúng tôi đơn giản là cam kết “Rẻ vô địch” – “Ở đâu rẻ hơn, Shopee hoàn tiền”. Bằng cách tích cực làm việc với người bán, Shopee mong muốn đem đến mức giá tốt nhất cho tất cả sản phẩm.
Nếu người mua tìm thấy một trang TMĐT nào khác bán cùng mặt hàng với mức giá rẻ hơn, chúng tôi sẽ hoàn lại phần tiền chênh lệch. Mùa lễ hội năm nay, với tâm điểm 3 ngày Sấm Sét 9, 10, 11/11, sẽ là những đợt flash sales, bộ sưu tập “Rẻ vô địch”, quà tặng độc quyền từ các thương hiệu nổi tiếng… Đó là những điểm nhấn hấp dẫn, thu hút khách hàng trẻ.
Điểm quan trọng là chúng tôi không xây dựng Shopee như một nơi bán hàng thông thường, mà phải trở thành không gian tương tác thực sự gắn kết với người dùng. Tại cộng đồng mua sắm trực tuyến này, người bán và người mua được trao đổi trực tiếp, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá uy tín và tìm thêm tư vấn; mang đến niềm vui cho mọi người… Điều này rất gần gũi với phong cách mua bán của người Việt Nam.
* Shopee có lo ngại vấn đề Sơn Tùng đang làm đại sứ thương hiệu cho khá nhiều nhãn hàng?
Không chỉ là một ca sĩ, Sơn Tùng là một nhân vật truyền cảm hứng cho giới trẻ. MV gần đây nhất của Tùng đạt 7 triệu lượt xem trong vòng 24 giờ và 100 triệu lượt xem nhanh nhất sau chưa đầy hai tháng. Nhìn từ góc độ marketing, Sơn Tùng sở hữu các giá trị tương đồng với Shopee như trẻ trung, thời trang, thân thiện, nên tôi cho rằng chúng tôi hỗ trợ tốt cho nhau.
* Làm cách nào để Shopee đảm bảo được sản phẩm đó đã được bán với mức giá thấp nhất thị trường TMĐT như tuyên bố của chiến dịch?
Đây thực sự là một chiến dịch được chúng tôi đầu tư tâm huyết nhất trong năm nay. Chúng tôi mất hơn 2 tháng để đưa chiến dịch này đến với khách hàng Việt. Toàn bộ nhân viên phải thuyết phục các đối tác để đưa ra được mức giá tốt nhất và đến nay. Riêng trong chương trình Shopee Super Sale đã có hơn 111.000 mặt hàng đạt được thỏa thuận. Chúng tôi tin rằng Shopee Super Sale sẽ đem đến mức giá “rẻ vô địch” mà người mua có thể tìm được.
* Shopee không chỉ bán hàng hóa của những thương hiệu lớn mà còn cho phép người dùng rao bán sản phẩm của họ. Vậy làm thế nào để ông quản lý giá bán của nhóm này?
Những nhà bán lẻ này không phải mới làm việc với Shopee lần đầu, mà chúng tôi cũng xem họ như các đối tác lâu dài, đã cùng Shopee đồng hành qua nhiều chiến dịch. Tuy nhiên, ngoài Shopee, họ cũng tham gia nhiều sàn TMĐT khác. Vì vậy, khi chúng tôi biết rằng họ có thể đưa ra mức giá thấp hơn ở nơi khác, chúng tôi cũng sẽ đề nghị họ hợp tác với Shopee ở cùng mức giá này; đồng thời hỗ trợ họ tối ưu hóa khả năng bán hàng.
Qua đó, Shopee nỗ lực tạo sự tin tưởng giữa người bán và sàn TMĐT. Từ mối quan hệ này, chúng tôi đảm bảo rằng bất kỳ sản phẩm nào Shopee đem đến cho khách hàng, nó đã ở mức giá tốt nhất mà chúng tôi có thể có được.
* Liên tục đưa ra những chương trình giảm giá, Shopee có lo ngại bị người dùng đánh giá thấp về chất lượng?
Tôi không lo lắng lắm về điều này vì chúng tôi đưa ra 2 lựa chọn: Shopee hoặc Shopee Mall. Trong Shopee Mall, chúng tôi có những thương hiệu lớn từ Unilever, P&G, OPPO, SamSung, Dove… Nếu bạn là người mua và bạn muốn tìm giao dịch rẻ và có lợi nhất, bạn có thể lựa chọn Shopee. Nếu bạn không có nhiều thời gian và muốn mua hàng chính hãng của những thương hiệu lớn, bạn có thể đến Shopee Mall.