Thay đổi hay là chết?

0
785

Ngày 06/02 vừa qua, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã đưa vụ kiện “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” ra xét xử sơ thẩm theo đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt (gọi tắt là Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (gọi tắt là Grab Taxi).

Phía công ty Vinasun khởi kiện và yêu cầu Grab Taxi bồi thường hơn 41 tỉ đồng với lý do Grab Taxi có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho Vinasun. Theo đại diện Vinasun, hoat động của Grab Taxi đã vi phạm Quyết định số 24 về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24), vi phạm Luật Thương mại và Luật Giao dịch điện tử.

Câu chuyện này một lần nữa không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận đối với vấn đề cạnh tranh giữa mô hình kinh doanh truyền thống và công nghệ mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về sự cần thiết phải có những đổi mới mang tính đột phá trong doanh nghiệp khi tình hình kinh doanh có nhiều thay đổi.

Chúng ta có thể thấy rất nhiều công ty kinh doanh theo kiểu truyền thống là những doanh nghiệp vừa và lớn với lịch sử vài chục cho tới cả trăm năm. Đó là những cái tên như Blackberry, Nokia, Microsoft, Yahoo, Kodak hay Barnes & Noble. Họ có thể mạnh về nguồn lực, về tài chính và là những doanh nghiệp nắm phần lớn thị phần. Tại sao những công ty này lại gặp khó khăn trong hoạt động đổi mới và sáng tạo?

Cách đây hơn 10 năm, thời điểm trước khi iPhone ra mắt, Blackberry là hãng điện thoại thông dụng nhất trên thị trường điện thoại di động được giới doanh nhân tin dùng. Nhưng từ khi iPhone ra đời, cùng với công nghệ màn hình chạm lần đầu tiên trên thế giới, Blackberry đã dần dần trở nên lỗi thời.

Thay vì có những đổi mới mang tính đột phá, Blackberry lại tin rằng loại điện thoại với bàn phím bấm vẫn được các doanh nhân và chuyên gia quan tâm sử dụng. Kết quả là đến năm 2013, doanh thu quý của Blackberry sụt giảm tới 50% và cùng với kết quả thảm hại này, hơn 4.500 công nhân đã phải nghỉ việc.

Câu hỏi đặt ra là tại sao hoạt động đổi mới mang tính đột phá lại trở thành nhiệm vụ khó khăn lớn như vậy đối với các công ty truyền thống? Sự thật là tất cả các công ty truyền thống đều có bộ phận nghiên cứu phát triển (R&D) hoặc phòng sáng tạo cùng một đội ngũ chuyên gia giỏi.

Một trong nguyên nhân chính giải đáp cho sự thất bại của các công ty này là họ đã quá chậm chạp trong việc thích ứng với một môi trường luôn thay đổi và đang thay đổi nhanh chóng.

Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đã có thị phần lớn hoặc chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì sự thay đổi càng chậm. Đa số chỉ tập trung vào việc duy trì sự tăng trưởng đang có hơn là tập trung vào những sáng tạo mang tính đột phá trên thị trường.

Chúng ta đã nói về Blackberry thì chúng ta cũng nên nói đến Nokia. Họ cũng đã từng là công ty dẫn đầu trên thế giới về sản xuất điện thoại di động. Tuy nhiên đến năm 2013, Nokia cũng phải bán mình cho Microsoft với giá 5.4 tỉ Euro. Lúc đó thị phần trên thế giới của họ chỉ chiếm vẻn vẹn 3% thị phần điện thoại thông minh trên toàn cầu.

Nguyên nhân chính giải đáp cho sự thất bại của các công ty này là họ đã quá chậm chạp trong việc thích ứng với một môi trường luôn thay đổi và đang thay đổi nhanh chóng.

Thực ra Nokia có công nghệ và thừa khả năng để sản xuất một chiếc điện thoại thông minh như iPhone nhưng họ đã không làm điều đó. Nguyên nhân chính là họ thiếu một văn hóa sáng tạo mang tính đột phá và một tinh thần dám làm điều mới. Ngoài ra, Nokia cũng đã chủ quan khi đánh giá quá thấp các đối thủ bởi họ tin rằng Nokia là người dẫn đầu và không thể bị đánh bại.

Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của vị CEO Nokia khi kết thúc buổi họp báo công bố việc Microsoft mua lại Nokia: “Chúng ta đã không làm điều gì sai nhưng, vì một lý do nào đó, chúng ta đã thất bại” (Nguyên văn: “We didn’t do anything wrong, but somehow we lost”).

Ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy nhiều công ty lớn khác cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi không thay đổi mô hình kinh doanh bắt kịp với sự thay đổi của môi trường. Giữa tháng 1/2018, ông Hồ Huy, chủ tịch công ty Mai Linh đã có đơn kêu cứu gửi Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đề nghị miễn lãi, phạt nợ bảo hiểm xã hội.

Trước đó, giữa tháng 11/2017, công ty Mai Linh vừa ra mắt dịch vụ xe ôm, đồng thời tuyên bố sẵn sàng cạnh tranh với bất cứ thương hiệu xe ôm công nghệ nào hiện nay. Tuy nhiên thực tế đang cho thấy một điều ngược lại vì dịch vụ xe ôm của Mai Linh ra mắt thời điểm này là quá muộn.

Ngoài Vinasun hay Mai Linh, công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam, đơn vị sở hữu hệ thống Nhà sách Phương Nam vừa trải qua một năm kinh doanh ảm đạm khi lần đầu tiên lỗ ròng tới 66 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi được thành lập.

Với sự phát triển của internet và thương mại điện tử như hiện nay, liệu Phương Nam có trở thành một Barnes & Noble của Việt Nam?

Tôi nhớ cách đây vài tháng, một người sếp vùng của công ty tôi chia sẻ câu chuyện về sự thay đổi. Anh ấy kể rằng đã từng được giao trách nhiệm phát triển mảng kinh doanh bao cao su tại thị trường Trung Quốc. Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều trong các hoạt động marketing và bán hàng nhưng doanh số càng ngày càng giảm.

Như các bạn đều biệt, văn hóa truyền thống Trung Quốc từ nhiều thế kỷ chịu ảnh hưởng bởi Nho Giáo. Vì vậy hoạt động marketing, quảng bá sản phẩm bao cao su cũng chịu nhiều ảnh hưởng bới những yếu tố văn hóa truyền thống này.

Đến một ngày, anh ấy gọi tất cả nhân viên vào và nói: “Chúng ta đã cố gắng mà doanh số không hề tăng trong thời gian qua. Đằng nào thì tôi cũng sẽ mất việc, tại sao chúng ta không nghĩ ra một cách gì bán hàng một cách vui nhộn và trẻ trung để chúng ta cùng vui vẻ nốt thời gian còn lại?”.

Một ý tưởng marketing mới được các nhân viên đưa ra và thống nhất thực hiện. Đây là một ý tưởng rất táo bạo và khác hoàn toàn với những cách họ đã làm trước đây. Ý tưởng này cuối cùng lại thành công rực rỡ ngoài sự tưởng tượng của tất cả mọi người. Sau đó công ty đã đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường đồng thời định vị một hình ảnh mới với sự trẻ trung, táo bạo trong tâm trí khách hàng.

Tôi tin rằng điều duy nhất không thay đổi là luôn sẽ có sự thay đổi. Nếu không có sự thay đổi cùng với tư duy sáng tạo đột phá trong các doanh nghiệp thì những câu chuyện như Vinasun, Mai Linh, Phương Nam sẽ được lặp lại ở nhiều công ty khác.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here