Nội Dung Chính
Cùng là quảng cáo nhưng chỉ cần một chút sáng tạo và nghệ thuật, mọi chuyện sẽ rất khác.Cùng là một chai nước khoáng nhưng phim 39 độ yêu đã làm khán giả “ngứa mắt” với hình ảnh Bình Minh quảng cáo sản phẩm lộ liễu.
Còn trong National Treasure, nhân vật do Nicolas Cage thủ vai đã cầm và dùng nó như một thấu kính để soi ra dòng mã bí ẩn trên tờ tiền giấy. Cùng một phương thức nhưng cách thức “cài” sản phẩm trong phim đã thể hiện đẳng cấp của các nhà làm phim Hollywood.
Quảng cáo như không!
Đổ một núi tiền vào các chương trình truyền hình thực tế, dự án phim ảnh, các nhà tài trợ luôn muốn hình ảnh sản phẩm của mình hiện lên trong phim với tần suất cao và ở vị trí nổi bật. Tuy nhiên, họ không biết rằng xuất hiện dày đặc chưa hẳn đã hiệu quả. Ngược lại, những quảng cáo vụng về, lộ liễu đôi khi lại phản tác dụng, khiến khán giả có ác cảm hơn mà thôi.
Nói gì thì nói, một bộ phim hay một chương trình truyền hình thực tế khi lên sóng thì trách nhiệm đầu tiên bao giờ cũng thuộc về nhà sản xuất. Khi bị khán giả, báo chí chỉ trích, các đạo diễn thường thanh minh rằng vì nhận kinh phí từ nhà tài trợ nên họ chịu nhiều áp lực.
Series phim Jame Bonds quảng cáo hàng loạt thương hiệu nhưng vì cách lồng ghép tinh tế nên không gây khó chịu.
Tuy nhiên, họ lại quên mất rằng “quảng bá thương hiệu thành công trên truyền hình phải là sự kết hợp của nhiều yếu tố chứ không phải ép buộc người xem phải thừa nhận về giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm bằng cách cho họ xem, hoặc nghe những lời tiếp thị dài dòng” – ông Steve Allen, chuyên viên mua quảng cáo trên đài truyền hình của tập đoàn Fushion chia sẻ.
Do đó, bạn sẽ không bao giờ thấy các thí sinh của MasterChef nói về việc họ yêu thích một sản phẩm đến mức nào, căn bếp chung của Master Chef chưa từng rơi vào cảnh bị dán chi chít tên của nhà tài trợ. TLogo của nhà tài trợ xuất hiện đúng một lần ở mỗi tập trên túi đựng thức ăn của thí sinh.
Trong khi xem Vietnam’s Next Top Model, khán giả “phát ngấy” với danh sách dài những màn giới thiệu từ các khách sạn, khu du lịch, phương tiện di chuyển…thì ở chương trình của Mỹ, nhờ cách biên tập khéo léo và mượt mà, khán giả không bị khó chịu vì quảng cáo.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một nguyên tắc khá rõ ràng: hạn chế nhắc tên nhà tài trợ, thay vào đó sử dụng ngôn ngữ hình ảnh với số lần hạn chế hết mức có thể. Ngoài ra, nhiều thương hiệu cũng có cách tiếp cận người tiêu dùng khôn khéo hơn.
Thay vì tìm cách đưa logo của mình lên sóng, họ chọn cách cung cấp những quyền lợi đặc biệt cho khán giả. Đơn cử như chiến dịch từ thiện mang tên Idol Giveback của Coke đã được dư luận ủng hộ nhiệt tình vì tính nhân văn sâu sắc của chương trình.
Bằng cách mời những nghệ sĩ nổi tiếng cùng các thí sinh trình diễn và kêu gọi khán giả quyên góp để giúp cho các trẻ em ở châu Phi và người dân Mỹ chịu ảnh hưởng của thiên tai, chương trình này đã gây ra một sức lan tỏa lớn. Và một cách rất tự nhiên, hễ cứ nhắc đến tên chương trình, khán giả mặc định biết nó được thực hiện từ nhãn hàng nào.
Khó mới cần đến sáng tạo
Dù ở đâu, hễ làm phim là phải chấp nhận áp lực từ các nhà tài trợ – những người, đơn vị đã hỗ trợ họ kinh phí giúp họ mặc sức sáng tạo. Các bộ phim có kinh phí đầu tư càng lớn, sức ép ấy lại càng rõ ràng và kinh khủng hơn. Tức là họ không chỉ làm nghệ thuật trên phim mà còn phải làm quảng cáo một cách nghệ thuật.
Doanh thu của hãng kính Rayban tăng vọt nhờ công của Will Smith và Men in black
Điều này thật không dễ chút nào nhưng khó thì mới cần đến khả năng sáng tạo của người đạo diễn, mà đó chính là một trong những sứ mệnh của họ.
Có thể thấy, các đạo diễn Hollywood đã xử lý chuyện “khó nhằn” này rất ngọt. Trong phim Men in Black (1997), không có một lời ca ngợi về sản phẩm nào nhưng hai nhân vật chính là đặc vụ liên bang lúc nào cũng kè kè cặp kính râm Rayban trên mặt. Ngay sau khi phim, ra mắt, doanh số bán kính của Ryban đã tăng gấp 3 lần.
Hoặc đơn giản hơn, trong phim I robot, nhân vật chính do Will Smith thủ vai cứ thi thoảng lại ngồi gác chân lên bàn khoe đôi giày Converse và thế là hãng giầy này thắng to về doanh thu.
Hẳn sẽ rất vô lý nếu có một ngài tỉ phú lại ăn thức ăn nhanh nhưng các nhà làm phim của Iron man đã làm quá tốt với màn quảng cáo cho Burger King.
Ngay sau khi thoát khỏi tay bọn khủng bố trở về Mỹ, ngài tỉ phú thông minh, tài ba dũng mãnh Tony Stark đã đòi ăn Burger King và ngồi bệt xuống đất chén ngon lành trong buổi họp báo. Chi tiết này khiến người xem bật cười và cũng toát lên tính cách riêng của Tony Stark – vốn không sống theo những lề lối thông thường của xã hội.
Với kinh nghiệm, trình độ của các đạo diễn cũng như khả năng tiếp nhận thông tin có phần hạn chế của một bộ phận khán giả Việt Nam, đây thật sự là một thách thức. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được.
Còn nhớ Vũ Ngọc Đãng từng kể về cảnh lồng ghép rất tự nhiên và hợp lý quảng cáo kẹo cao su trong một bộ phim do anh đạo diễn. Để đẩy cảnh quay từ 30 giây lên 4 phút theo yêu cầu của nhà tài trợ, anh đã nghĩ ra cách để cho nhân vật lấy giấy kẹo gấp thành hạc giấy trong khi chờ người yêu.
Kết quả là cảnh quay đạt được hiệu quả như mong muốn và cũng không kém phần lãng mạn. không chỉ là làm cho khán giả cảm thấy bớt khó chịu mà đôi khi nó còn mang lại được tiếng cười, sự thích thú thậm chí cả thăng hoa.
Victor Vũ cũng từng rất khéo léo khi lồng ghép một quảng cáo của nhà tài trợ trong bộ phim Chuyện tình xa xứ và để lại hiệu ứng rất tốt.
Tuy nhiên, đây chỉ là số ít trường hợp cho thấy nghệ thuật quảng cáo trong phim của điện ảnh Việt. Còn lại thì các nhà tài trợ cứ cố nhét vô tội vạ những logo, thương hiệu sản phẩm vào trong phim. Đạo diễn cứ thế bưng nguyên si đặt vào bất cứ chỗ nào có thể. Còn người xem đài, những người đóng thuế để được xem miễn phí các chương trình này hoặc là chấp nhận coi như mất tiền thuế hoặc là tiếp tục chịu tra tấn.