Mặc dù quảng cáo ngoài trời đóng một vai trò nhất định trong các hoạt động truyền thông, nhưng tôi không bao giờ sử dụng quảng cáo ngoài trời theo cách đơn lẻ vì rất khó để có thể kêu gọi người tiêu dùng mua sản phẩm, dịch vụ.
Với vai trò là một phần của chương trình ra mắt thương hiệu, tôi chỉ sử dụng quảng cáo ngoài trời như một công cụ hỗ trợ tương đối và rất thận trọng trong các hoạt động quảng bá. Hoạt động quảng cáo có quy luật 3 giây, có nghĩa một thông điệp quảng cáo chỉ có 3 giây để một người trên xe đạp, xe hơi, xe buýt đi lướt qua và tiếp thu được thông điệp quảng cáo đó.
Cụ thể, ở Việt Nam, tôi cho rằng, chi trả cho những không gian quảng cáo ngoài trời hoặc cho những không gian quảng bá dọc đường có thể sẽ không đem lại hiệu quả mà nguyên nhân là sự thiếu trật tự trong thị trường kinh doanh quảng cáo ngoài trời (đặc biệt là những quảng cáo trên đường phố).
Những quảng cáo ngoài trời phải trả tiền rất khó nổi bật lên giữa quá nhiều hoạt động, sự náo nhiệt và thông điệp tại từng ngóc ngách của những con đường. Nên đặt quảng cáo vào TV, vào các thiết bị kỹ thuật số (tùy thuộc vào đối tượng và mục tiêu của quảng cáo) và chúng ta sẽ thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm hay dịch vụ.
Nhiều năm trước, theo Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, doanh số ngành quảng cáo ngoài trời chiếm gần 20% doanh số chung của ngành quảng cáo. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM, dù không thống kê doanh thu nhưng có thể thấy năm qua là năm khó khăn với các công ty quảng cáo ngoài trời.
Kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp cắt quảng cáo ngoài trời. Tùy địa điểm nhưng có nơi trong nội thành bảng quảng cáo có giá gần 300 triệu đồng, này đã giảm so với trước (khoảng hơn 400 triệu một năm) nhưng tình trạng không có khách vẫn tiếp diễn.
Quảng cáo ngoài trời đang đi theo xu hướng buộc phải sáng tạo hơn để tồn tại. Quảng cáo ngoài trời hiện nay được hiểu là “out of home” (OOH), tức tất cả các loại hình quảng cáo tác động đến người tiêu dùng khi họ bước ra bên ngoài ngôi nhà đang sống.
Theo khái niệm này, nhiều loại hình quảng cáo dù là “indoor” nhưng vẫn được xếp vào “outdoor”, ví dụ quảng cáo trong thang máy, trong siêu thị, trong buồng điện thoại công cộng, rạp chiếu phim, sảnh của các tòa nhà.