TGĐ Liên Á: Làm hay chơi, tôi đều không thích nửa vời

0
944

Lâm Ngọc Minh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Liên Á, là người đã đưa Liên Á từ một cơ sở sản xuất nhỏ không được nhiều người tiêu dùng biết đến trở thành một tên tuổi có uy tín trong ngành nệm ngủ tại Việt Nam và trên thế giới, đồng thời là doanh nghiệp chiếm 98% lượng hàng nệm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Trong những buổi giao lưu, chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, Lâm Ngọc Minh luôn gây ấn tượng bởi lối nói chuyện nhiệt tình, cởi mở và phong cách giản dị. Nhưng anh lại là người khá kiệm lời khi có dịp tiếp xúc với giới truyền thông. Tự nhận mình khó tính, thích làm hơn nói, muốn dùng thành quả để chứng minh năng lực kinh doanh, anh nói:

Tôi hay nói đùa rằng mình khó tính và cầu toàn do sinh ra vào năm Mão, giống như một con mèo nhẹ nhàng, nhanh nhạy nhưng luôn có sẵn… móng vuốt! Còn trên thực tế, có lẽ tính cầu toàn của tôi là do ảnh hưởng từ người cha. Ông là một tấm gương về tinh thần ham học hỏi, cầu tiến và đam mê công việc. Tuy chỉ học hết lớp 9, vốn kiến thức không nhiều nhưng ông rành khá nhiều loại máy móc, thiết bị nhờ tự tìm tòi và nghiên cứu qua sách vở. Năm 1982, ông tự tìm hiểu và chế tạo ra chiếc máy làm nước đá để nuôi sống cả gia đình. Hình ảnh ông cặm cụi một mình ngồi sửa máy đến tận 3 giờ sáng để kịp giao đá cho khách hàng vào buổi sớm vẫn còn in đậm trong trí óc tôi cho đến ngày hôm nay. Sáu anh em chúng tôi đã trưởng thành trong sự giáo huấn nghiêm khắc từ ông, nhất là bài học về chữ tín và làm việc đến nơi đến chốn.L

* Và anh đã thực hiện những điều dạy của cha mình như thế nào?

Tôi luôn coi trọng và gìn giữ uy tín không chỉ với người thân, bạn bè, mà với mọi đối tác, đồng nghiệp. Trong cuộc sống, chữ tín đã rất cần thì trong kinh doanh, chữ tín lại càng quan trọng hơn.

Các doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải gây dựng lòng tin đối với các đối tác và khách hàng của mình. Là người đầu tàu, tôi luôn sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách nhưng tuyệt đối không bao giờ mạo hiểm với uy tín của doanh nghiệp mình.

Dù là công việc hay trong những đam mê cá nhân, tôi đều muốn tìm hiểu mọi thứ đến nơi đến chốn, chứ không thích kiểu nửa vời. Khi bắt tay vào kinh doanh, tôi không chỉ học về quản trị doanh nghiệp mà còn học về thương hiệu, bán hàng, thậm chí học giao tiếp và nói trước đám đông. Cũng như niềm đam mê nhiếp ảnh từ thời sinh viên, tôi không chỉ đầu tư cho mình những máy ảnh có chất lượng tốt mà còn nghiên cứu các kỹ thuật chụp ảnh, vận dụng ánh sáng, nắm bắt những khoảnh khắc để cho ra những tấm ảnh đẹp. Chính những điều này đã giúp cho khả năng mỹ thuật của tôi được nâng cao đáng kể.

Tuy vậy, tôi lại không phải là người cầu kỳ trong cách ăn mặc, vì với tôi, tầm nhìn, sự hiểu biết quan trọng hơn vẻ trau chuốt bề ngoài. Ngoài những sự kiện quan trọng như gặp gỡ đối tác hay trong các hội nghị cần trang phục chỉn chu, tôi thích cách ăn mặc thoải mái và trò chuyện cởi mở.

Trong quan hệ ngoại giao để phục vụ việc kinh doanh, tôi đã từng phải học rất nhiều về nguyên tắc giao tiếp, ăn uống, nói năng trong bàn tiệc. Ứng xử có văn hóa là cách thể hiện sự tôn trọng đối tác, cũng là cách “lấy điểm” từ người đối diện.

* Ngày trước, dường như anh không định theo nghiệp của cha nên đã chọn học khoa Hóa của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh?

Khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, tôi chưa định hướng được về nghề nghiệp sau này, tôi chọn học ngành Hóa đơn giản vì nó phù hợp với sở thích khám phá, đam mê khoa học từ nhỏ của mình. May mắn là ngành tôi chọn học lại liên quan đến sản phẩm nệm cao su mà gia đình đang kinh doanh. Hơn nữa, những kiến thức kỹ thuật ở Trường Đại học Bách khoa rèn luyện cho tôi về tư duy logic, kỹ năng phân tích… rất có ích cho công việc hiện tại.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng kinh doanh không chỉ đòi hỏi sự tính toán chặt chẽ, hợp logic, mà còn cần thêm khả năng tưởng tượng kèm theo một chút lãng mạn, thậm chí hơi điên rồ mới tạo được những bước đột phá trên thương trường.

Kinh doanh không chỉ đòi hỏi sự tính toán chặt chẽ, hợp logic, mà còn cần thêm khả năng tưởng tượng kèm theo một chút lãng mạn, thậm chí hơi điên rồ mới tạo được những bước đột phá trên thương trường.

* Vậy những quyết định nào được xem là điên rồ nhất của anh đã mang lại đột phá?

Nhiều người nghĩ rằng sự sáng tạo trong thiết kế các mẫu nội thất rất hạn chế, còn tôi không nghĩ như vậy. Sức sáng tạo của con người là vô hạn và nhà thiết kế nội thất không đơn thuần là người biết các thao tác trên máy tính, mà còn có cái nhìn của một nhà thiết kế thời trang. Do đó, tôi đã quyết định mời một nhà thiết kế thời trang người Pháp để thiết kế các sản phẩm nội thất cho mình.

Chúng tôi cũng gặp những trở ngại ban đầu về văn hóa, về hiểu biết người tiêu dùng tại Việt Nam nhưng sau một thời gian, chúng tôi đã đưa ra những sản phẩm có thiết kế độc đáo, khác biệt, tạo nên nét riêng của thương hiệu mình.

* Thế anh có gặp thất bại chính bởi ý tưởng điên rồ của mình?

Có chứ! Tôi cũng từng thất bại trong lĩnh vực đầu tư sản xuất phụ tùng nhựa cho xe gắn máy. Như giai đoạn năm 2000, khi phong trào lắp ráp xe máy tại Việt Nam nở rộ, lúc đó công ty của gia đình tôi là đơn vị chiếm lĩnh thị trường về sản xuất nệm yên xe gắn máy, tôi đã đề nghị đầu tư máy móc để công ty bắt đầu sản xuất phụ tùng nhựa cho xe máy.

Tôi nghĩ rằng với nguồn khách hàng có sẵn, chúng tôi sẽ thành công với bước đầu tư mạo hiểm mới nhưng khi thâm nhập thị trường thì kết quả lợi nhuận không như mong đợi. Thời gian sau đó, với sự thay đổi trong chính sách của Nhà nước đối với ngành lắp ráp xe máy cùng một số yếu tố khách quan, một loạt đối tác rơi vào tình trạng phá sản và mất khả năng chi trả nên Liên Á đã phải gánh chịu tổn thất khá lớn.

* Tiếp nhận một doanh nghiệp sẵn có từ gia đình phải chăng là một may mắn của anh?

Đó đúng là một may mắn vì tôi đã quen và hiểu được mọi hoạt động kinh doanh từ khi còn nhỏ, ngoài ra còn có thêm thuận lợi là công ty đã có sẵn một nguồn vốn để tôi có thể đầu tư hoặc triển khai các chiến lược kinh doanh. Nhưng việc tiếp nhận một doanh nghiệp “cha truyền con nối” cũng gặp một áp lực vô cùng lớn, trách nhiệm phát triển thương hiệu đã tồn tại qua nhiều thế hệ trên vai tôi là rất nặng nề.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi thấy mình may mắn hơn khi được tập cách sống tự lập từ những ngày còn nhỏ. Tôi không cảm thấy xấu hổ với bạn bè khi vừa đi học vừa phụ gia đình buôn bán.

Năm 14-15 tuổi, tôi đã đủ tự tin một mình đi từ Tiền Giang lên Sài Gòn để mua loại gas sử dụng cho máy làm nước đá. Rồi đến thời sinh viên, tôi cũng tiếp tục tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia đình khi vừa là nhân viên bán hàng kiêm nhân viên lái xe tải đi giao hàng.

Tôi học hỏi mọi thứ không chỉ từ trường lớp, sách vở mà còn từ chính những trải nghiệm ấy. Và bây giờ tôi vẫn tiếp tục học hỏi từ đồng nghiệp, bạn bè, các anh chị doanh nhân đàn anh.

Tôi luôn muốn nhân viên của mình dành thời gian để đọc nhiều sách, trau dồi ngoại ngữ, học cách giao tiếp sau giờ làm việc ở văn phòng. Tôi hay nói với họ là “Làm gì cũng được, nhưng đừng làm… biếng!”. Tôi quan niệm là biết làm việc nhỏ thì mới làm được việc lớn, phải nắm bắt thị trường nội địa chắc thì mới nghĩ đến việc tiến ra nước ngoài.

* Dù vậy, chinh phục thị trường nước ngoài hẳn không phải là điều dễ dàng?

Đúng vậy. Với thị trường quốc tế, hai yếu tố quan trọng nhất là chất lượng và độ an toàn cho sức khỏe người dùng.

Khách hàng nước ngoài rất khó tính, chỉ một lần không đạt chất lượng như mong muốn thì họ sẽ bị mất lòng tin và rất khó thuyết phục họ quay trở lại mua sản phẩm. Nếu không liên tục cải tiến sản xuất và mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại thì chúng ta khó mà trở thành đối tác lâu dài của họ.

Tôi hay ví mình như là một tay thợ săn, luôn tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội để phát triển công ty của mình. Thế giới ngày càng phẳng, nếu không biết nắm bắt ngay cơ hội để phát triển, chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau.

Thế giới ngày càng phẳng, nếu không biết nắm bắt ngay cơ hội để phát triển, chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau.

* Các hiệp định kinh tế và thỏa thuận thương mại tự do đã giúp cho thị trường rộng mở, nhưng nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra lo lắng trước nguy cơ hàng ngoại sẽ tràn lan và hàng nội sẽ gục ngay trên sân nhà. Bản thân anh có lo lắng không?

Chúng tôi đã có những bước chuẩn bị để duy trì và phát triển thương hiệu trong thời gian tới, không chỉ ở thị trường trong nước, mà cả thị trường toàn cầu.

Trong lĩnh vực sản xuất nệm cao su 100% thiên nhiên, chúng tôi đã và đang cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài trên thị trường thế giới, do đó chúng tôi biết được mình đang có những lợi thế gì và cần đầu tư vào đâu để có thể cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ hơn.

Không chỉ hoàn thành dây chuyền sản xuất tự động để đáp ứng nhanh yêu cầu khách hàng, tăng lợi thế về giá cả, chất lượng, đạt sản lượng cao, chúng tôi còn lựa chọn những người giỏi và thật sự tâm huyết với ngành hàng cao su để chuẩn bị cho một doanh nghiệp toàn cầu trong tương lai không xa.

* Vậy là anh đã tìm được đủ đội ngũ vừa giỏi, vừa tâm huyết?

Vấn đề con người vẫn luôn là bài toán khó của doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân sự cấp cao. Tôi cần người có thái độ làm việc tốt, đủ trình độ năng lực, biết suy nghĩ và đặt hiệu quả của công ty lên trên quyền lợi cá nhân.

Khi biết nghĩ đến hiệu quả chung nhiều hơn, họ sẽ luôn trăn trở để tìm cách tinh giản hệ thống, tiết kiệm chi phí và không ngừng cải tiến nhằm đem lại những lợi ích cho công ty. Bất cứ người chủ nào cũng hiểu rằng đầu tư và giữ chân nhân tài là điều tối quan trọng, ai làm việc tốt người ấy ắt sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Tôi đánh giá cao khả năng sáng tạo và “máu làm giàu” của giới trẻ nước mình. Các bạn trẻ rất thông minh, có nhiều ý tưởng khởi nghiệp tốt và cũng sẵn sàng chấp nhận thất bại.

Qua vài năm tham gia làm ban giám khảo của các cuộc thi khởi nghiệp, tôi nhận thấy một số bạn khá lạc quan trong kinh doanh. Để thành công trên thương trường không đơn giản chỉ cần một ý tưởng độc đáo hay một tinh thần mạnh mẽ mà cần có sự chuẩn bị những năng lực cho riêng mình, cần phải có sự tỉnh táo để đánh giá kỹ những rủi ro có thể xảy ra.

Nếu không đủ khả năng quản trị, làm chủ hệ thống thì hãy… bán ý tưởng của mình đi, cũng là một cách kiếm tiền. “Ai cũng làm chủ thì đâu còn ai đi làm thuê”, tôi hay nói đùa với các bạn trẻ khởi nghiệp như vậy.

Khi cộng đồng chung ASEAN hình thành, thị trường lao động mở cửa, nguồn lao động cấp cao đến từ các nước trong khu vực sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn với nguồn nhân lực nước ta, nhất là lao động từ Malaysia, Philippines… với lợi thế về ngoại ngữ và sự va chạm trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đây sẽ là thách thức lớn cho các chuyên viên trẻ của Việt Nam khi cạnh tranh với các đồng nghiệp nước ngoài.

* Theo anh, làm sao để tăng tính cạnh tranh cho nguồn nhân lực nội địa?

Theo tôi, cần phải đầu tư vào ngoại ngữ là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất. Với sự chuẩn bị chu đáo về ngoại ngữ, kiến thức cùng với thái độ lao động chăm chỉ, hết mình, tôi tin là lao động Việt Nam có thể tạo ra cho mình có một công việc tốt hơn và có những cơ hội sang các quốc gia khác làm việc.

Một hoạt động cũng cần thiết không kém là tăng cường luân chuyển nhân sự, tạo cho họ cơ hội làm việc và học hỏi ở nhiều môi trường khác nhau, đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau với những đòi hỏi cụ thể về kết quả thu được.

Tốt hơn nữa là làm việc ở nước ngoài vì môi trường đó vừa giúp họ nâng cao ngoại ngữ, vừa thay đổi tư duy làm việc theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Ngay cả trẻ em, nếu có điều kiện thì cũng nên cho đi du học nước ngoài từ sớm.

Nếu không đủ khả năng quản trị, làm chủ hệ thống thì hãy… bán ý tưởng của mình đi, cũng là một cách kiếm tiền.

* Một người chỉ được học tập, đào tạo trong nước như anh vẫn có thể thành công, vì sao anh vẫn ưu tiên hướng du học ở nước ngoài?

Tôi cho rằng chương trình giáo dục trong nước còn nhiều bất cập. Trẻ em đang phải học một cách thụ động khối kiến thức mà không chắc là có cơ hội ứng dụng về sau. Trong khi đó, đơn giản như kỹ năng sống, kỹ năng thuyết trình trước đám đông vốn rất cần thiết thì các em lại không được học.

Trước khi tham gia Hội Doanh nhân trẻ, tôi cũng rất ngại thể hiện mình trước đám đông. Ở tuổi trưởng thành mới được học kỹ năng này thì thật là thiệt thòi.

Với quan điểm nên có sự thay đổi trong cách truyền thụ kiến thức – kỹ năng sống cho lớp người kế thừa, tôi luôn dành một sự đầu tư xứng đáng cho việc học tập của các thế hệ thành viên trong gia đình mình. Hẳn nhiên, truyền thống của gia đình lúc nào cũng cần được giữ gìn và phát huy.

Những bài học mà cha tôi đã dạy tôi ngày trước tôi cũng sẽ truyền đạt kỹ cho thế hệ sau. Dù không phải là người theo tôn giáo nào, nhưng tôi tin vào luật nhân – quả, quy luật “gieo gió, gặt bão” luôn đúng cả trong cách đối nhân xử thế cũng như trên thương trường.

Nếu hiểu như vậy thì việc cạnh tranh trên thương trường cũng minh bạch và lành mạnh hơn. Sức mạnh cạnh tranh không đến từ những chiêu trò không trung thực hay lợi dụng điểm yếu của đối thủ để triệt hạ họ.

Thay vào đó, để cạnh tranh, doanh nghiệp nên tập trung tạo sản phẩm mới khác biệt để đối thủ không dễ bắt chước, hoặc nếu có muốn làm theo thì cần mất nhiều thời gian. Khi đó, doanh nghiệp tiên phong sẽ nhanh chóng bứt phá để vượt lên đối thủ mà không cần bất cứ thủ đoạn nào. Và đó là con đường mà doanh nghiệp của tôi lựa chọn.

* Xin cảm ơn anh về những điều thú vị đã chia sẻ hôm nay!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here