Nội Dung Chính
Chia sẻ với báo chí, TS Đinh Thế Hiển cho rằng taxi bị chia sẻ thị phần khi Uber, Grab vào Việt Nam cũng giống như câu chuyện Vietlott xuất hiện khiến xổ số truyền thống “đìu hiu”.
* Ông đánh giá thế nào về cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống và ứng dụng gọi xe Grab, Uber hiện nay?
Theo tôi, trước đây, thị phần vận tải thuộc về các hãng taxi. Sau đó là sự xuất hiện của Uber và Grab. Taxi bị chia sẻ thị phần, và hiện nay sự chia sẻ ngày càng nhiều.
Ở bất kỳ lĩnh vực nào, thị phần suy giảm thì đều bị đối thủ phản đối. Cũng giống như Vietlott xuất hiện, xổ số truyền thống ngày càng “đìu hiu”. Đó là quy luật tất yếu của thị trường.
* Sau sự đổ bộ của Grab, Uber, ông đánh giá như thế nào về các ứng dụng này?
Uber và Grab cho thấy một phương thức mới trong vận chuyển dựa trên tiến bộ công nghệ. Đó là công nghệ tạo ra sự tương tác giữa khách hàng và nhà cung cấp rất tiện dụng.
Tiện lợi đầu tiên là không thấy sự di chuyển bắt khách trên đường giúp giảm chi phí vận chuyển. Thứ hai, khách hàng có quyền chọn lựa xe, dịch vụ, địa điểm, biết được xe đó bao giờ tới, bao giờ thì đón họ.
Thứ ba, về giá rẻ tôi đánh giá chỉ tương đối do tính thời điểm.
Giờ cao điểm, thời tiết xấu Uber và Grab vẫn có giá rất cao. Tuy vậy, Uber và Grab vẫn có rất nhiều tiện lợi, đặc biệt thích hợp cho những khách hàng tiến bộ, người nhanh chóng thích ứng với đời sống đô thị, thích ứng với công nghệ…
Taxi truyền thống nên tự trách mình
* Biết rằng quy luật của thị trường dựa trên sự cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, các hãng taxi cho rằng họ thiếu sân chơi công bằng với Uber, Grab. Họ đang phải chịu quá nhiều thuế, phí. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng sự công bằng mang tính tương đối và cần xem xét thêm.
Tất nhiên, taxi tuyền thống có lý của mình. Nhưng nếu nhìn nhận lại một cách khách quan, họ gần như không có sự đầu tư, đổi mới, cải tiến khi Uber và Grab xuất hiện.
Tôi nói cải tiến không có gì sâu xa. Việc ứng dụng smartphone để biết định vị của xe đã xuất hiện hàng chục năm. Một số tài xế đã sử dụng công cụ này. Các hãng taxi lớn của Việt Nam và trên thế giới dư tiềm lực đầu tư nhưng họ không làm.
Taxi vẫn duy trì hệ thống tổng đài cũ kỹ, lại thêm chuyện tranh giành khách cho thấy sự chậm chạp ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển.
Khi Uber, Grab xuất hiện, taxi truyền thống mới chuyển động và ứng dụng theo. Như vậy, taxi truyền thống phải tự trách chính mình.
Trong kinh tế thị trường doanh nghiệp phải luôn làm mới mình, làm tốt hơn đối thủ. Khi có một thách thức mới, đối thủ mới thì mình phải chuyển động, song song đó phải làm tốt mình hơn nữa.
* Việc khởi kiện Uber, Grab đã được một doanh nghiệp tuyên bố thực hiện. Ông có cho rằng họ có đủ cơ sở pháp lý?
Theo tôi, về tính pháp lý thì chưa kết luận được vì mỗi bên lại có một cái lý khác nhau, dựa theo quy định pháp dẫn ra khác nhau. Quy định nào thì chỉ khi ra tòa mới biết được.
Tôi tin rằng Uber khi vào Việt Nam đã phải nghiên cứu rất kỹ thị trường. Họ phải có một đội ngũ luật sư, nghiên cứu pháp lý khi kinh doanh ở Việt Nam. Vì vậy, chắc hẳn họ phải có cơ sở pháp lý rõ ràng trước khi đầu tư, kinh doanh.
Cần nhấn mạnh Uber là một công ty lớn toàn cầu. Chắc hẳn họ đã có kinh nghiệm quản trị. Cổ đông của họ cũng không thể đồng ý làm khi họ sai luật.
Tôi thấy một số doanh nghiệp Việt Nam có kiến thức pháp lý yếu kém. Họ chỉ lo phục vụ quyền lợi của chính mình. Khi ghép chung với quyền lợi của nền kinh tế thì lại không hợp lý.
Về riêng Vinasun, tôi tin họ hoàn toàn có thể khởi kiện. Tuy nhiên, Vinasun nên thông qua hiệp hội taxi để có tiếng nói và sức mạnh hơn. Việc hiệp hội khởi kiện bao giờ cũng có tiếng nói lớn hơn so với một công ty.
Nếu cứ bảo vệ kinh doanh truyền thống, càng tụt hậu trước cách mạng công nghiệp 4.0
* Taxi truyền thống ngày càng “chết dần” có phản ánh quy luật tất yếu cái mới sẽ “nuốt chửng” cãi cũ nếu không có sự thay đổi?
Đúng, tôi cho rằng điều này là hoàn toàn chính xác!
* Có ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần, các doanh nghiệp Việt Nam nếu không thay đổi sẽ rơi vào cảnh như taxi truyền thống. Ông bình luận như thế nào?
Trên thế giới cũng như Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ mất việc làm, ngành ngân hàng lo mất việc bởi hệ thống tự động, công nhân lo mất việc vào robot…
Tôi nghĩ sự lo ngại là có cơ sở nhưng không nên quá bi quan. Dấu hiệu trên là sự cảnh báo cần thiết nhưng chỉ phản ánh một mặt nhỏ trong sự tiến bộ của công nghệ.
Nhớ lại các cuộc cách mạng công nghiệp trước kia, lần nào ai cũng lo mất việc. Cụ thể khi máy hơi nước, máy móc, máy tính xuất hiện… ai cũng lo con người bị chiếm mất việc làm.
Tuy nhiên, càng công nghệ tiến bộ, việc làm càng tăng chứ không giảm. Công nghệ sẽ tạo ra nhiều hình thức cung cấp mới, dịch vụ mới, con người mới. Chưa ai dám chứng minh công nghệ tiến bộ mà việc làm giảm, chỉ có tăng thôi.
Nước nào càng áp dụng nhanh tiến bộ công nghệ thì càng hiệu quả, càng lan tỏa, càng có sự tăng trưởng GDP nhanh. Nếu cản trở, đất nước sẽ lùi về phía sau.
Nếu chúng ta cứ bảo vệ kinh doanh truyền thống, như taxi, chúng ta càng tụt hậu. Công nghệ không chờ mình. Mình không làm sẽ có nước khác làm. Công ty này không làm sẽ có công ty khác làm. Khi mình tụt hậu thì bắt buộc nhập khẩu công nghệ từ nước khác.
“Công nghệ không chờ mình. Mình không làm sẽ có nước khác làm. Công ty này không làm sẽ có công ty khác làm.”
* Vậy Chính phủ cần hỗ trợ gì để các doanh nghiệp có thể bắt kịp công nghệ và vươn lên để không tụt hậu?
Tôi rất mừng khi Chính phủ ngày càng kiến tạo, xây dựng môi trường, khuyến khích thành lập nhiều doanh nghiệp mới. Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được công nghệ, các khoản vay ưu đãi để đổi mới công nghệ. Bất cứ ngành nghề gì muốn ứng dụng công nghệ, Chính phủ đều cần hỗ trợ một phần.
Các ngành kinh tế truyền thống cần phải đối mới để ngày càng tốt lên. Chính phủ cũng không nên nghe theo những ý kiến cản trở cách thức, công nghệ hiện đại. Nếu xây dựng lộ trình từng bước, tôi e nước khác họ không cần làm vậy. Như vậy mình đã chậm chân và tụt hậu.
* Quay lại taxi truyền thống, họ cần làm gì để thay đổi cục diện và “sống sót” vào lúc này?
Tôi cho rằng taxi có những lợi thế nhất định. Họ có chỗ đứng như các bến bãi, vị trí sảnh, tòa nhà mà Uber, Grab không có chỗ đó. Taxi truyền thống có những lợi thế về giá ổn định, dễ dàng bắt rất tiện lợi.
Taxi truyền thống cần nâng cao chất lượng dịch vụ. Tôi lấy ví dụ cần thông báo với khách hàng khi có lịch đặt, phải điều xe một cách nhanh chóng, thông báo với khách hàng về vị trí, giờ đón khách…
Cuối cùng là phải giảm giá thành. Chuyện giảm giá thành thì phải động não. Đó là chuyện của riêng từng doanh nghiệp.
* Xin cảm ơn ông!