Ăn món ăn mới, mặc bộ đồ mới, đổi điện thoại mới… mặc cho chúng ta cố gắng thay đổi để trở nên đẹp đẽ hơn, thú vị hơn mỗi ngày, sự nhàm chán vẫn cứ đeo bám ta. Tuy nhiên trong mắt những người làm sáng tạo, sự tẻ nhạt hoàn toàn có thể thành một thứ thú vị đến mức “không tưởng”.
Nằm trong chuỗi talkshow thuộc khuôn khổ Cannes Lions 2017, buổi nói chuyện có tên “The Power of Boredom: How Ordinary Can Be Extraordinary” của hai tập đoàn quảng cáo và giải trí hàng đầu Hàn Quốc là Cheil Worldwide & CJ Entertainment & Media đã mang đến cho khán giả một góc nhìn khác biệt về sáng tạo.
Khác biệt – bài toán chung của người làm sáng tạo
Yungsuk Nah, “nhạc trưởng” của nhiều chương trình nổi tiếng của CJ E&M đồng thời cũng là một TV Producer nổi tiếng tại Hàn Quốc. Sau khi gặt hái được thành công từ 02 chương trình “làm mưa làm gió″ truyền hình khu vực có tên là “2 Days and 1 Night” và “Grandpas Over Flowers” (được NBC làm lại và được chiếu rộng rãi ở Mỹ), Nah bắt đầu tự hỏi mình về cách để trở nên khác biệt.
Nói về truyền hình thực tế, Hàn Quốc có thể coi là tiên phong cho ý tưởng sáng tạo: độc và ý nghĩa. Từ cơn sốt Family Outing, đến 2 Days and 1 Night rồi Running Man, không bao giờ các nhà sản xuất Hàn Quốc thiếu ý tưởng cho những chương trình thực tế phục vụ gia đình ngày cuối tuần.
Điều bình thường nhất lại chính là điều ý nghĩa nhất
Sự cạnh tranh khốc liệt cùng câu hỏi làm sao để trở nên khác biệt đã đưa Nah tới một ý tưởng táo bạo. Ý tưởng ra đời từ một Insight “sắc bén” khi anh nhận ra rằng con người hiện đại luôn mơ về các kỳ nghỉ bình thường: đến một nơi nào đó gần thiên nhiên, ăn, ngủ, đọc truyện tranh, nghe nhạc,… nhưng họ quá bận rộn để thực hiện chúng. Hơn nữa, việc tìm kiếm một nơi để du lịch cũng không phải dễ dàng. Nhiều người bị stress vì áp lực phải tìm một nơi nghỉ lý tưởng nhưng thực ra, tất cả những gì con người hiện đại cần chỉ là: Một ngày không làm việc. Và TV Show chỉ về hai việc duy nhất ĂN – NGỦ có tên “Three meals a day” ra đời.
Thay vì chối bỏ sự “nhàm chán”, hãy tận hưởng nó!
“Three meals a day” tập trung vào câu chuyện của hai chàng trai thành phố được “thả” về nông thôn sống một cuộc sống “dân giã”. Ban đầu, họ khá bỡ ngỡ và không hứng thú với việc nấu ăn, nhưng dần dần, họ bắt đầu tận hưởng và cho ra đời những bữa ăn cầu kỳ, ngon miệng. Mặc dù chỉ là một chương trình trên kênh địa phương, show đã nhanh chóng trở thành một trong những TV Show có tỷ lệ rating cao tương đương với “siêu phẩm” của đài quốc gia.
Lý giải sự thành công của “Three meals a day”, Yungsuk Nah gói gọn trong hai từ đơn giản – “affordable fantasy”, nói cho dễ hiểu là “giấc mơ có thực”. Khán giả tại Hàn Quốc đã bội thực với các cuộc thi với sự ganh đua mang tính “kịch bản”, những show truyền hình miêu tả cuộc sống trong mơ của các minh tinh Hàn, họ bắt đầu tìm kiếm hình ảnh của chính mình trong những chương trình thực tế, những điều mà họ hoàn toàn có thể làm được.
Phó giám đốc của tập đoàn CJ E&M, Tschaik Lee cũng nhấn mạnh 3 ý nghĩa nằm ẩn sau “Three meals a day”: Sự trân quý công sức bỏ ra để có được bữa ăn, ý nghĩa của thời gian khi ta thực sự dừng lại và cảm nhận, và cuối cùng, khoảnh khắc mà mục tiêu cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản lại như “03 bữa ăn một ngày”.
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Wain Choi, Chief Creative Officer của tập đoàn Cheil Worldwide đã “gói gọn” thông điệp về cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ xung quanh. Rằng thay thì tìm cách đẩy sự nhàm chán đi xa ta, hãy tận dụng nó. Thông điệp được nhấn mạnh hơn nữa bằng TVC của UNIQLO – cách một nhãn hàng đạt được doanh thu đột phá 200% chỉ bằng cách thay đổi góc nhìn về những điều nhỏ nhặt xung quanh.