Nội Dung Chính
Dù không còn là “ông lớn” trên thị trường smartphone, Sony vẫn có đủ tố chất để lật ngược tình thế trong thời đại của Samsung, Huawei, Apple.
Không lâu trước, cuộc chiến tranh ngôi vương smartphone là của những cái tên Nokia, Motorola, Sony Ericsson thay vì Samsung, Apple, Huawei. Không như Nokia, Motorola, Sony không chỉ tập trung sản xuất và tiếp thị điện thoại. Tập đoàn của Nhật Bản thành lập năm 1946, kết hợp cùng gã khổng lồ viễn thông và mạng Ericsson năm 2001 vào thời điểm doanh số di động toàn cầu vừa vượt ngưỡng 400 triệu máy.
Liên minh Sony Ericsson đạt đỉnh năm 2007 khi xuất xưởng hơn 100 triệu thiết bị trên toàn cầu, nổi bật ở camera xuất sắc và âm thanh tiên tiến, lấy cảm hứng từ dòng máy nghe nhạc Walkman huyền thoại. Song, chính năm này iPhone ra đời, xáo trộn ngành di động. Sony nằm trong số những cái tên không theo kịp Apple và sau này là Samsung về đổi mới và tiếp thị. Phần còn lại chính là lịch sử, nhưng Sony vẫn chưa hết hi vọng.
Mọi thứ đang tệ đến đâu?
Trong năm tài khóa kết thúc ngày 31/3/2018, Sony gặt hái lợi nhuận 6,6 tỷ USD trên 78 tỷ USD doanh thu. Bao nhiêu trong số này đến từ mảng di động? Số không! Tệ hơn nữa, smartphone Xperia còn khiến Sony lỗ 250 triệu USD sau khi chỉ bán được 13,5 triệu máy. Đây không phải năm đầu tiên mảng di động của Sony lỗ. Để so sánh rõ hơn, Huawei bán được 54 triệu smartphone chỉ riêng quý II/2018 còn Oppo tiêu thụ 29 triệu máy.
Dường như Sony ngày càng không liên quan đến thế giới smartphone, khiến người ta phải hoài nghi: tại sao Sony chưa từ bỏ, chuyển hướng sang các bộ phận tiềm năng hơn như phim ảnh, nhạc, thiết bị chơi game, phần mềm, giải trí gia đình, cảm biến ảnh, bán dẫn? Câu trả lời có lẽ nằm ở công nghệ 5G mà công ty hi vọng phần nào thay đổi tình thế hiện tại. Kể cả khi nguyên nhân không phải 5G, Sony là thương hiệu smartphone xứng đáng được tồn tại vì nhiều lý do.
Sony: Kẻ ưa mạo hiểm, kẻ tạo xu hướng
Ngày nay, thiết kế smartphone của Sony lặp lại và nhàm chán, không như trước đây. Xperia Z là một trong các thiết bị chống nước đầu tiên tại Mỹ và Tây Âu, còn Xperia Z Ultra dùng màn hình 6.4 inch khá lớn vào thời điểm năm 2013, Xperia Z5 Premium năm 2015 lại “dám” sử dụng màn hình 4K mà không thiết bị di động nào có thể. Xperia XZ2 Premium dùng màn hình 4K, nét hơn cả Galaxy Note 9 hay nhiều điện thoại cao cấp khác.
Nó cho thấy Sony không ngại thử nghiệm. Công ty sẵn sàng mạo hiểm để hái quả ngọt sau này. Dù vậy, một điều mỉa mai là hãng điện tử Nhật Bản lại chối bỏ thiết kế đặc trưng mà các hãng như Motorola hay Meizu bây giờ mới theo đuổi, đó chính là cảm biến vân tay đặt ở cạnh bên.
Trở lại cuộc chơi
Điện thoại cỡ nhỏ không hề lạc hậu. Nếu điện thoại phím cứng như BlackBerry Key2 còn được chào đón, chắc chắn vẫn còn thị trường cho thiết bị cỡ nhỏ. Xperia XZ2 Compact, XZ1 Compact hay X Compact, Z5 Compact – 4 mẫu này của Sony đều nhỏ gọn và cấu hình khá mạnh, chứng minh nhà sản xuất không cần phải đánh đổi kích cỡ lấy hiệu suất.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần Sony phát hành bản cập nhật phần mềm trong thời gian hợp lý.
Một điều thú vị khác là Sony sản xuất cả bán dẫn và linh kiện điện tử như bộ xử lý ảnh, cảm biến ảnh, đi-ốt laser, tấm nền OLED… Không phải ngẫu nhiên mà năm 2017, Sony ra mắt smartphone đầu tiên trên thế giới có khả năng quay phim Super slow motion HD 960 khung hình/giây, tiếp đến là tính năng tương tự hỗ trợ Full HD năm 2018. Sony không thua kém về công nghệ, cảm biến camera Exmor vẫn được xem là một trong số tốt nhất ngày nay. Chúng tốt đến mức Samsung cũng phải dùng đến ngoài Isocell “của nhà trồng được” trên Galaxy S. Có phải Sony đang lãng phí tài nguyên của mình khi dâng hiến những linh kiện hiện đại nhất cho công ty khác?
Cuối cùng, Sony nên sửa chữa chiến lược giá với dòng Xperia cao cấp. Không có gì sai nếu một doanh nghiệp muốn nâng giá bán cao và tăng biên lợi nhuận song hiện tại, doanh số di động Sony đang khá thấp và không mang về lợi nhuận.
Sony hãy là chính mình, duy trì những bước đi hiệu quả, chấp nhận thử thách, phát minh sáng kiến mới. Không sớm thì muộn, tương lai sẽ tươi sáng hơn.