Social Media Việt Nam: Không chỉ là cuộc dạo chơi!

0
1003

Trong nhiều năm trở lại đây, Social Media Marketing (Marketing bằng truyền thông xã hội) ngày càng phát triển và thành công ở Việt Nam, trở thành một trong những hình thức marketing được các doanh nghiệp lựa chọn.

Hôm nay chúng ta sẽ có một cuộc trò chuyện ngắn với anh Hồ Trung Dũng – giám đốc Mix Digital Marketing Agency về quá trình phát triển của Social Media Marketing tại Việt Nam. Anh Trung Dũng hiện đang phụ trách điều hành các hoạt động tại Mix Digital – một Agency trẻ hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, lập kế hoạch và triển khai các dự án digital marketing cho doanh nghiệp, là đối tác của một số thương hiệu như Canifa, VietinBank, Kichi-Kichi, T&A Ogilvy…

* Chào anh Trung Dũng, trước tiên, anh có thể chia sẻ với GAM7 về Social Media Marketing (khái niệm, đặc trưng, điểm cốt lõi…) ?

Trước khi hiểu về Social media marketing, cần nắm rõ khái niệm về social media mà rất nhiều người nhầm tưởng nó chỉ là mạng xã hội Facebook. Social media là những kênh truyền thông mà trên đó người dùng có khả năng chia sẻ thông tin và cập nhật/phản hồi các thông tin của người khác. Tất cả những nền tảng truyền thông (media) hội tụ đủ các yếu tố như vậy đều được coi là social media. Với quan điểm này, không chỉ các mạng xã hội như Facebook, Twitter, mà những diễn đàn, hay Youtube, Instagram, Zalo, hoặc thậm chí là những news website như VnExpress, Dân Trí… cũng đều được coi là các social media.

Theo đó, social media marketing là những hoạt động truyền thông marketing trên các nền tảng truyền thông xã hội như vậy. Các hoạt động truyền thông này không chỉ tập trung vào việc tiếp cận tới công chúng mục tiêu mà còn khai thác tối đa các tương tác, chia sẻ của người dùng để giúp chuyển tải thông điệp hiệu quả hơn tới công chúng nhằm đạt các mục tiêu marketing đề ra.

* Thời điểm và bối cảnh Social Media Marketing du nhập vào Việt Nam? Theo anh, đâu là những dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của hình thức marketing này tại nước ta?

Social media là những kênh truyền thông mà trên đó người dùng có khả năng chia sẻ thông tin và cập nhật/phản hồi các thông tin của người khác.

Social media marketing luôn xuất hiện song hành với sự phát triển của các social media. Tại Việt Nam, với sự phát triển của Yahoo 360, các diễn đàn – những nền tảng social media đầu tiên, một số thương hiệu đã nhanh chóng tiếp cận để quảng bá hình ảnh của mình. Tuy nhiên social media marketing ở Việt Nam thực sự bắt đầu phải từ giai đoạn 2008-2009, sau sự thành công của chiến dịch Tìm Em Nơi Đâu của nhãn hàng Close-Up, đã mở đường cho các chiến dịch social media của nhiều thương hiệu lớn.

Có thể nói, dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của Social Media Marketing chính là giai đoạn tàn lụi của Yahoo 360 vào 2008-2009 cùng với sự phát triển đột phá của mạng xã hội Facebook bắt đầu từ năm 2011, đầu 2012. Với sự phát triển nhanh chóng về số lượng người sử dụng tại Việt Nam, Facebook nổi lên như một mảnh đất màu mỡ mà các thương hiệu muốn khai thác. Ở giai đoạn đó, chúng ta thấy bắt đầu một xu hướng digital marketing mới gây sốt mang tên social media. Nhà nhà đua nhau lập fan page, người người đua nhau tăng like bằng mọi giá để xây dựng fan base. Trăm hoa đua nở!

* Có thể thấy Social Media Marketing qua từng giai đoạn lại phát triển theo từng xu hướng khác nhau. Theo anh, xu hướng Social Media Marketing nào đáng chú ý nhất tại Việt Nam hiện nay và nó sẽ kéo dài đến bao lâu?

Xu hướng đáng chú ý nhất hiện nay theo tôi đó là di động hóa các hoạt động social marketing. Vốn đã xuất hiện một vài năm trở lại đây trong bối cảnh số lượng người sử dụng các thiết bị di động truy cập Internet tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Người dùng social media sử dụng các thiết bị di động như smartphone, tablets, phablets để truy cập các ứng dụng mạng xã hội ngày một lớn. Do đó các ý tưởng social marketing hiện nay cũng được các khách hàng chú ý nhiều hơn đến yếu tố có tương thích với di động hay không. Ví dụ khi nhãn hàng tổ chức các chương trình tương tác như event, cuộc thi trên các nền tảng social media, họ sẽ lựa chọn web-based app hoặc mobile app thay vì triển khai trên Facebook app như ngày trước với mong muốn là thu hút được cả những người dùng di động tham gia chương trình. Hay như các nội dung chia sẻ qua Facebook, website… đều được chú trọng nhiều hơn đến khả năng hiển thị tốt trên nhiều thiết bị di động khác nhau. Rõ ràng, doanh nghiệp không muốn bỏ qua một lượng lớn khách hàng đang truy cập Internet bằng các thiết bị di động hàng ngày thay vì desktop.

Xu hướng này sẽ không mất đi mà sẽ có nhiều biến đổi phù hợp hơn với các loại hình thiết bị di động mới trong tương lai. Chúng ta sẽ thấy nhiều hơn các thiết bị công nghệ mới ra đời mà con người sử dụng nó khi mang theo bên mình. Trong đó, Google Glass, Apple Watch… là những sản phẩm tiên phong.

* “Hãy dùng social media như một kênh trò chuyện, chứ không phải là một hệ thống phát thanh.”( Scott Monty, Giám đốc Social Media toàn cầu của hãng Ford Motor). Đây có phải là điểm khác biệt của Social Media Marketing so với các hình thức marketing khác? Nhận xét của anh về quan điểm này của Scott Monty?

Hẳn là như vậy! Khả năng “trò chuyện” với công chúng mục tiêu là điểm lợi thế lớn của social media so với các loại hình media truyền thống khác. Nếu như trước đây các thương hiệu chỉ có thể nói với công chúng và không biết công chúng phản hồi lại những thông điệp đó như thế nào thì đối với social media, họ có thể nhận được phản hồi ngay lập tức. Việc tương tác 2 chiều này đưa lại 2 cái lợi: cơ hội để xây dựng mối quan hệ vững bền với khách hàng qua việc “trò chuyện” với họ thường xuyên; cơ hội được lắng nghe những suy nghĩ của khách hàng về mình để kịp thời đưa ra được những điều chỉnh phù hợp (social listening).

Tuy vậy, cái hay trong câu nói của Scott lại nằm ở vế thứ 2: đừng coi social media là hệ thống phát thanh. Lời khuyên này rất phù hợp cho đại đa số các brand tại Việt Nam hiện nay vốn phần lớn coi social media là kênh để quảng bá giới thiệu hết cỡ về chính mình. Không cần biết là công chúng mục tiêu có quan tâm và sẵn sàng tiếp nhận thông tin hay không, các brand vẫn đua nhau đưa ra những nội dung tự khen mình, nôm na là “sặc mùi quảng cáo”. Với social media, thông tin được người dùng tiếp nhận một cách chủ động, họ có thể bỏ qua dễ dàng những nội dung không cần thiết làm họ khó chịu và chỉ dừng lại những nội dung họ cho là thú vị.

đặt công chúng mục tiêu vào trung tâm của nội dung, không phải là thương hiệu. Đồng thời thương hiệu nên tận dụng tối đa cơ hội để trò chuyện với khách hàng.

Đặt công chúng mục tiêu vào trung tâm của nội dung, không phải là thương hiệu. Đồng thời thương hiệu nên tận dụng tối đa cơ hội để trò chuyện với khách hàng.

Lời khuyên ở đây là: đặt công chúng mục tiêu vào trung tâm của nội dung, không phải là thương hiệu. Đồng thời thương hiệu nên tận dụng tối đa cơ hội để trò chuyện với khách hàng.

* “Không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng nên đầu tư vào Social Media Marketing”. Quan điểm của anh về nhận định này? Theo anh, những ngành nào nên tập trung đầu tư vào Social Media Marketing?

Cá nhân tôi không đồng ý nhận định trên, mà theo tôi thì nên là: tùy thuộc vào từng ngành hàng sẽ có mức độ đầu tư về social media marketing khác nhau. Trên thực tế kể cả những doanh nghiệp B2B, khách hàng của họ vẫn là những con người cụ thể, tham gia vào các mạng xã hội. Để duy trì hình ảnh và mối quan hệ với những khách hàng này, doanh nghiệp vẫn sử dụng social media marketing như một công cụ tiếp cận lợi hại. Tuy nhiên đối tượng mục tiêu sẽ ở phạm vi hẹp hơn, mức độ tiếp cận cũng không cần quá cao nên nguồn lực đầu tư có thể ít hơn rất nhiều so với những ngành hàng nhắm đến đối tượng mass.

Tại Việt Nam, với đặc thù người sử dụng Internet ở khoảng tuổi trẻ hơn (phần lớn từ 16-35), các doanh nghiệp B2C có nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu nằm trong nhóm này nên tập trung đầu tư mạnh vào social media: FMCG, automotive, dược phẩm, viễn thông, banking…

* Theo anh, các doanh nghiệp Việt Nam có những lợi thế và khó khăn gì khi thực hiện Social Media Marketing?

Lợi thế lớn nhất là số lượng social media phổ biến ở Việt Nam không nhiều. Người dùng Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu trên một mạng xã hội chính là Facebook, Youtube & các diễn đàn lớn (một phần nhóm tuổi teen sử dụng Zalo như một mạng xã hội thứ hai). Trong khi đó ở nhiều quốc gia khác, việc sử dụng social media bị phân tán trên nhiều nền tảng khác nhau: Facebook, Twitter, Tumblr, Instagram, Pinterest, Google Plus… Do đó ở Việt Nam, việc đầu tư sẽ được tập trung hơn, tiết kiệm được nguồn lực hơn và dễ đo đếm hơn.

Về khó khăn, Digital marketing nói chung và social media marketing nói riêng tại Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn về vấn đề nguồn nhân lực. Đây là ngành tương đối trẻ, chưa có nhiều các digital marketer kinh nghiệm để có thể vận hành những chiến dịch digital marketing cỡ lớn. Điều này không chỉ xuất hiện ở phía các brands mà cả những digital agency tại Việt Nam hiện nay.

* Anh dự đoán thế nào về tình hình sử dụng mạng xã hội để quảng bá của các doanh nghiệp Việt Nam trong 5-10 năm nữa?

Tôi cho rằng sẽ có một số thay đổi căn bản như sau:

– Social media sẽ được các brand sử dụng một cách thông minh hơn. Sự phát triển của công nghệ và khả năng thu thập xử lý big data (dữ liệu lớn) trong những năm tới sẽ giúp các marketer thấu hiểu rõ hơn & tiếp cận chính xác hơn tới các nhóm khách hàng mục tiêu của mình. Chúng ta thấy rằng social media ở Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dừng ở việc phục vụ cho những mục tiêu tiếp cận, quảng bá thương hiệu. Trong 5 năm tới, social media tại Việt Nam được biết đến nhiều hơn trong vai trò nghiên cứu thị trường, giúp cho các thương hiệu lắng nghe được những phản ứng của khách hàng nhằm đưa ra kịp thời những hành động phù hợp. Hoạt động của người dùng trên các nền tảng social media sẽ được lưu lại, theo dõi & xử lý như những nguồn thông tin quý giá đối với thương hiệu. Các rủi ro về khủng hoảng xuất phát từ social media – vốn có khả năng lây lan với tốc độ rất nhanh – sẽ được các doanh nghiệp chú trọng hơn. Chúng ta sẽ thấy nhiều đơn vị agency mở rộng cung cấp các giải pháp về social listening và online reputation management cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

– Xu hướng customer-centric: đặt khách hàng vào trung tâm của nội dung truyền thông. Như ở trên tôi có nhắc đến, hiện nay nhiều brand tại Việt Nam vẫn đang đua nhau nói về mình trên các social media. Tuy nhiên trải qua một thời gian, các brand sẽ nhận ra sự không hiệu quả của việc nói nhiều về mình này bởi người dùng mạng xã hội đang dần tự dựng lên một rào cản thông tin ngày một dày hơn. Họ tiếp nhận những thông tin một cách có chọn lọc, thực sự thấy thú vị với họ. Để vượt qua rào cản thông tin này, doanh nghiệp phải thay đổi trong cách sáng tạo về nội dung cũng như hiểu được ngữ cảnh (context). Nôm na là tạo ra những nội dung người dùng quan tâm và lựa chọn thời gian và điểm tiếp cận phù hợp.

– Xu hướng đa dạng hóa các nền tảng social media: Hiện nay lợi thế cho các hoạt động social marketing ở Việt Nam là việc người dùng Internet tập trung chủ yếu trên Facebook, Youtube & một số diễn đàn lớn. Tuy nhiên các mạng xã hội ngách với nhiều lợi thế khác biệt sẽ xuất hiện & dần thu hút người dùng chuyển qua sử dụng. Chúng ta đã thấy một phần lớn nhóm tuổi teen ngày một xa lánh Facebook vì cho rằng “nó không riêng tư” và chạy qua sử dụng thêm các mạng xã hội dành cho di động như Zalo. Xu hướng này buộc lòng các mạng xã hội phải chia sẻ thời gian sử dụng của người dùng với nhau. Các thương hiệu theo đó cũng cần mở rộng hoạt động truyền thông trên những nền tảng social media mới. Trên thực tế đây cũng là lý do mà cách làm social marketing của Mix Digital không quá phụ thuộc vào một vài công cụ như Facebook. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của social marketing để trở nên linh hoạt hơn trước những chuyển dịch này.

* Nhiều người cho rằng Social Media Marketing chỉ là một cuộc dạo chơi, sớm nở chóng tàn? Nhận xét của anh về quan điểm này?

Tôi thì cho rằng social media marketing là cuộc chơi dài hạn và ngày càng trở nên “chuyên nghiệp” hơn. Thực tế nhu cầu chia sẻ, cập nhật thông tin của con người trong thời đại công nghệ số là tiền đề cho sự xuất hiện của hàng loạt các social media platform khác nhau. Nhu cầu này sẽ ngày càng lớn hơn và phức tạp hơn chứ không mất đi, do đó social media platforms sẽ phát triển và có những chuyển biến để phù hợp với nhu cầu đó. Chừng nào khách hàng còn sử dụng social media, các thương hiệu sẽ không dễ dàng bỏ qua mảnh đất màu mỡ này.

Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị và bổ ích với GAM7 ngày hôm nay. Chúc anh ngày càng thành công hơn, cũng như Mix Digital sẽ ngày càng phát triển hơn trên chặng đường phía trước.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here