Sinh viên Việt phân tích nghịch lý hạt gạo Việt

0
857

Theo GS.TS.Võ Tòng Xuân, chủ đề “Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam” của Young Marketers mùa 3 là một bài toán hay, mang tính thời sự và cuộc thi là một sân chơi rất hữu ích cho sinh viên.

Trong khuôn khổ vòng chung khảo cuộc thi, GS.TS.Võ Tòng Xuân – Chuyên gia Nông nghiệp Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm về thực trạng trồng trọt và mua bán gạo ở VN trước nhiều thắc mắc của sinh viên.

Gạo Việt cần truyền thông

* Thưa Giáo sư, tại thị trường nội địa, người Việt Nam vẫn ăn những loại gạo trôi nổi, không rõ xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm – gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Giáo sư nghĩ đâu là nguyên nhân?

Đây cũng là một trong những trăn trở của những chuyên gia nông nghiệp. Người dân mình còn nghèo, mà nhu cầu lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế nên cứ thấy rẻ thì ăn, không đòi hỏi nhiều ở chất lượng gạo về mặt dinh dưỡng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Với cả họ cũng tin vào hạt gạo mình, dù gì cũng là nước xuất khẩu gạo nổi tiếng, lại có truyền thống trồng lúa nước lâu đời nên cứ thế mà ăn, chẳng lo nghĩ gì.

Ngoài ra, ở đây còn phải kể tới người nông dân cũng là đối tượng chịu thiệt hại không ít. Ở nước ngoài, người có học mới đi làm nông dân. Nhìn lại nước mình thấy nông dân còn chưa có trình độ cũng như ý thức. Chính vì vậy mà những phương pháp trồng trọt của họ ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị hạt gạo họ bán ra – tức ảnh hưởng tới kinh tế gia đình, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe khi áp dụng những phương pháp canh tác không đúng cách như dùng thuốc trừ sâu, phân bón vô tội vạ, và không bảo đảm an toàn lao động…

Như vậy, cũng chính vì thiếu kiến thức và ý thức mà không ai bảo vệ được quyền lợi của mình: nông dân nhắm mắt trồng, người dân nhắm mắt mua.

* Vậy đâu là giải pháp cho thực trạng này, thưa giáo sư?

Cần truyền thông, cần nói ra, và phải nói mạnh hơn nữa để người dân có thêm kiến thức và ý thức.

Bài toán hay cho sinh viên

* Thưa giáo sư, chúng em đã thấy rõ vai trò của Nhà nông, Nhà nước, Nhà doanh nghiệp. Riêng Nhà khoa học cũng cần tìm những giống lúa thích hợp vì giống lúa chính là nền tảng cho tên tuổi cũng như chất lượng hạt gạo, vậy liệu đây có phải là yếu tố quan trọng giải quyết thực trạng gạo Việt Nam còn kém chất lượng?

Thật ra giống lúa quan trọng nhưng trong bối cảnh này thì không tiên quyết, mà quan trọng nhất vẫn là công tác truyền thông, và tái phân bổ lại vai trò của nhiều bên liên quan nhằm tạo nên những mắc xích hiệu quả nhất.

Nếu nói về giống lúa, thì ở Việt Nam có tới trên 4000 giống, rất đa dạng. Nên chọn giống nào để canh tác còn phụ thuộc vào nhu cầu người tiêu dùng. Hiện giờ, do chưa có bất cứ khảo sát diện rộng nào để xác định nhu cầu nên chưa thể khẳng định đâu là giống lúa nên trồng đại trà cho tiêu dùng nội địa, trở thành giống lúa tạo nên thương hiệu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, có thể lưu ý những giống như OM 4900 và MTL 480 vốn có đặc tính dẻo, hơi thơm và đặc biệt là dễ canh tác.

* Có phải Giáo sư nhận lời làm Giám khảo Danh dự của vòng chung kết Young Marketers mùa 3 với bài toán “Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam” vì thấy tầm quan trọng của thương hiệu?

Nếu chưa nói đến đề tài, thì đây là một sân chơi rất hữu ích cho sinh viên. Không chỉ tập cho sinh viên cách quan tâm đến kinh tế Việt Nam, từ đó dùng những kiến thức, kỹ năng học được trên trường lớp để cải tiến xã hội thông qua việc phát triển doanh nghiệp/thương hiệu giả định. Mà khi ra trường, có khả năng các bạn sẽ thực hiện chính những ý tưởng này, trở thành những doanh nghiệp mới và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người khác, đóng góp tích cực cho kinh tế đất nước.

Riêng về đề tài, đây là một bài toán rất hay, rất thích hợp vì tính thời sự của nó. Khi đất nước đang cần giải nghịch lý hạt gạo Việt: Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng sao dân ta vẫn còn nghèo? Và thay đổi cách làm truyền thống, xây dựng thương hiệu là một hướng đi đúng đắn.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here