Seeding – Nghề “đa nhân cách”

0
1341

Để tạo nên một luồng dư luận theo ý muốn của mình, các seeder phải nhập vai nhiều người khác nhau vừa hỏi vừa trả lời, tranh luận. Nhiều seeder vẫn thường hài hước tự gọi mình là: người đa nhân cách.

Đôi nét về nghề seeding và các seeder

Seeding dịch đúng nghĩa từ tiếng Anh sang là ươm mầm, gieo mầm. Những người forum seeding, online seeding cũng được coi là người gieo mầm. Trên mảnh đất màu mỡ Internet, các seeder gieo mầm thông điệp lên các diễn đàn, các website, blog các mạng xã hội, tạo nên dư luận, lôi kéo nhiều người, từ đó truyền tải được thông điệp có lợi cho thương hiệu của họ.

Seeding đã trở thành một hình thức Marketing Online phổ biến và hiệu quả.Nếu như các nhân viên PR quảng cáo và đưa thông tin về sản phẩm, dịch vụ của họ một cách trực tiếp thì các seeder đưa mọi người tiếp cận với nguồn thông tin một cách vô cùng tự nhiên và khéo léo. Nhiều khi chúng ta đang đón nhận thông tin từ các seeder mà không hề biết, cứ đinh ninh rằng mình đang chủ động tìm hiểu, tiếp cận và sàng lọc nguồn tin theo ý mình.

Trên các diễn đàn việc làm, các thông tin tuyển dụng seeder được đăng tải kèm với mức lương từ 5 đến 8 triệu đồng. Ngoài ra, các công ty còn tuyển seeder làm bán thời gian với mức lương khoảng 700 – 1,5 triệu đồng một tháng, hoặc là trả theo khối lượng công việc.

Có rất nhiều seeder là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng làm thêm để kiếm một khoản thu nhập. Tranh thủ lúc rảnh rang ở văn phòng hoặc vào buổi tối, họ lên các forum, mạng xã hội, bình luận, trò chuyện cùng các cư dân mạng rồi qua đó truyền tải thông điệp.

Nghe có vẻ rất dễ dàng nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Các seeder phải có vốn kiến thức sâu sắc về vấn đề mình muốn truyền tải, có duyên ăn nói, dẫn dắt mọi người một cách tài tình, phải nắm bắt và xử lý vấn đề một cách nhanh nhạy,…

Kẻ giấu mặt, điệp viên, người đa nhân cách…

Đó là những biệt danh mà các seeder vẫn hay hài hước tự gọi mình.

Đa số mọi người ít khi tin vào quảng cáo và cảm thấy mình đang bị lừa khi nghe một nhân viên quảng cáo nói về sản phẩm, dịch vụ của anh/cô ấy. Nhưng chúng ta lại tin sái cổ vào những thông tin được mọi người truyền tai nhau.

Nhiều seeder hài hước tự nhận nghề của mình là nghề đa nhân cách – (Ảnh minh họa)

Trong thời đại của Internet, mỗi khi muốn tìm hiểu một vấn đề, điều đầu tiên bạn làm là lên mạng tìm kiếm. Khi thấy một thông tin được nhiều người bàn luận, xác nhận rằng sản phẩm dịch vụ này họ đã dùng qua và đánh giá tốt, bạn yên tâm là nó tốt và tin tưởng sử dụng.

Có khi nào bạn nghĩ rằng tất cả những lời khen ngợi ấy đều xuất phát từ một người? Rất nhiều seeder sử dụng phương pháp lập nhiều nick ảo khác nhau trên mạng, tạo nên một cuộc trò chuyện ảo để lôi kéo nhiều thành viên khác tham gia và hướng họ theo ý muốn của mình.

H.T, 21 tuổi đang làm seeder bán thời gian ngoài giờ học. Anh chàng tâm sự: “Từ ngày làm nghề này, em biến thành người đa nhân cách.” T. mở một trang topic lên và liệt kê: “Nick này, nick này, cả nick này nữa… đều là của em hết!”.

Cậu chàng tự lập một topic ra điều nghi ngờ, hỏi han về sản phẩm mình đang quảng cáo, sau đó lại lập một vài nick khác vào khen ngợi. Rất cao tay, T. lập 1, 2 nick vào chê bai, tỏ ý nghi ngờ, sau đó lại vào nick khác phản bác lại, giải thích cặn kẽ, lật đổ những nghi ngờ kia. Qua đó, uy tín của sản phẩm tăng cao trong cộng đồng mạng, topic ngày càng có đông người theo dõi.

L.N, chủ của một cửa hàng mỹ phẩm handmade X. cũng tự làm seeding cho mình. Cô nàng lập khá nhiều facebook ảo, vào trang fanpage của cửa hàng viết những lời khen ngợi cho sản phẩm của cửa hàng mình. N. cũng lập hàng loạt topic hướng dẫn làm mỹ phầm handmade, bàn tán về mỹ phẩm handmade trên các forum. Khi mọi người vào chat riêng với N. để hỏi bí quyết, cô luôn trả lời rằng mình học từ chủ của shop X., mỹ phẩm ở đó đảm bảo lắm. Chẳng mấy chốc, danh tiếng của của hàng N. tăng vùn vụt.

Lập khá nhiều facebook ảo, vào trang fanpage của cửa hàng viết những lời khen ngợi cho sản phẩm của cửa hàng mình

B.K, 23 tuổi, một seeder kỳ cựu cho các sản phẩm công nghệ chia sẻ về cách thu hút các cư dân mạng: khi sản phẩm chuẩn bị tung ra thì có bài “Hình ảnh về sản phẩm XYZ bị rò rỉ”, khi sản phẩm ra mắt thì có ngay “So sánh sản phẩm K. với sản phẩm T.”, “Bàn về những chức năng mới của sản phẩm H.”,… Mọi người trong diễn đàn đều nghĩ K. là một chuyên gia về các sản phẩm công nghệ đang đưa ra nhận xét chứ không phải là nhân viên quảng cáo giấu mặt. Họ hào hứng bàn luận và bị K. lái theo hướng anh chàng mong muốn.

Chính tác giả bài viết cũng từng giật mình khi biết mình là “con gà” bị các seeder chăn được. Trong một lần khoe khoang cùng đám bạn là mình mới lùng ra một spa uy tín, được nhiều người trên hai diễn đàn nổi tiếng W. và L. khen ngợi, tác giả được một người bạn khẽ khàng rỉ tai: “Em đừng vội mừng, chị quen một đứa làm truyền thông cho bên ấy. Cả ngày nó chỉ có việc lên mạng, lập cả đống nick vào khen ngợi spa, chăn dắt những “con gà” như em.

Mặt tối của nghề seeding

Tất nhiên, nếu như các sản phẩm, dịch vụ của các seeder tốt như họ nói thì chẳng vấn đề gì. Nhưng một sự thật đáng buồn là có rất nhiều seeder đăng quảng cáo quá mức và dối trá về sản phẩm.

Dạo một vòng qua các diễn đàn, có khá nhiều topic hỏi về sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc con cái,… Đó là mảnh đất màu mỡ cho các seeder hành nghề. Nhiều cư dân mạng tin sái cổ vào những lời phản hồi tốt đẹp về các sản phẩm, dịch vụ rồi lại tiền mất tật mang.

M.Y, một seeder từng làm việc cho spa Z. thú tội: “Cho đến bây giờ em vẫn còn cắn rứt, ân hận về những gì mình từng làm. Thuốc tắm trắng ở spa hoàn toàn là tự trộn từ những nguyên liệu rởm, thế nhưng em phao tin là hàng xịn nhập ngoại, quảng cáo ngất trời. Em biết, không ít người đã bị dị ứng và thậm chí hỏng cả da mặt vì spa đó…”

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here