Ngày Satya Nadella trở thành CEO của tập đoàn Microsoft, ông đã mời đến hơn 10 thành viên điều hành đến bữa sáng và điềm tĩnh hỏi: “Làm thế nào để chúng ta có thể tiến bộ hơn không?”.
Khác với phong cách hoang dã của Steve Ballmer hay những cuộc đối thoại sắc như dao cạo của Bill Gates, cách tiếp cận của Nadella điềm tĩnh nhưng tập trung và chắc chắn, như tính cách của một CEO bước ra từ phòng nghiên cứu.
Tiếp quản Microsoft từ tay Steve Ballmer vào tháng 2/2014, Nadella phải đối diện với hàng loạt vấn đề đang tồn đọng của Microsoft khi các sản phẩm máy tính bảng và điện thoại thông minh Windows đang bị sụt giảm doanh số, trong khi đó ngành công nghiệp PC vẫn đang gặp khó khăn.
Một mặt, Nadella thay đổi chiến lược kinh doanh tập trung mạnh vào khai thác phần mềm và điện toán đám mây, mặt khác Nadella tiến hành tái cấu trúc toàn bộ quy trình làm việc hiện tại của Microsoft.
Một trong những điểm nóng gần nhất trong chính sách của Nadella là quyết định cắt giảm 18.000 nhân sự. Giới chuyên gia cho rằng quyết định này được đưa ra nhằm tiết kiệm chi phí cho kế hoạch tích hợp các thiết bị cầm tay Nokia Oyj, dự kiến sẽ tiêu tốn từ 1,1 tỷ USD đến 1,6 tỷ USD trong vào bốn quý tới.
Tuy nhiên ở góc nhìn của Nadella thì hoàn toàn khác. Vị CEO mới này đã nhận thấy mục tiêu chính của Microsoft hiện tại là gia tăng năng suất và phát triển các nền tảng cho công nghệ mới. Mục tiêu này được cụ thể hóa thành hai định hướng chính: một là tập trung vào thực hiện gói Office cho e-mail, ứng dụng xử lý tài liệu; hai là tiếp tục phát triển các phần mềm thuộc hệ điều hành Windows, thương hiệu của Microsoft.
Hoài bão của Nadella cho cả hai mục tiêu này là làm cách nào để có thể cung ứng những loại sản phẩm phần mềm cho cả điện thoại thông minh lần các dịch vụ điện toán đám mây hơn là chỉ dừng lại với mảng PC. Và theo quan điểm của Nadella, mục tiêu này chỉ đạt được khi các kỹ sư thiết kế của Microsoft làm việc với khát khao thách thức khả năng của bản thân nhiều hơn là chỉ đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo.
“Chúng ta sẽ dẫn đầu cuộc cách mạng sáng tạo với tư duy của những người khát khao thách thức.”
Do đó, quyết định cắt giảm nhân sự hay tái cấu trúc bộ máy quản lý của Nadella không đơn thuần chỉ để tiết kiệm chi phí, đó còn là minh chứng cho việc thay đổi về văn hóa trong môi trường làm việc của Microsoft.
Điều đầu tiên Nadella muốn thay đổi chính là gia tăng tốc độ ra quyết định trong việc sản xuất và phát triển sản phẩm. “Tôi muốn quá trình xử lý các quyết định của công ty phải nhanh hơn hiện tại”, Nadella cho biết trong cuộc phỏng vấn vào ngày 10/7 với Bloomberg, “Vì vậy tôi chọn cách trao quyền tự quyết định nhiều hơn cho các kỹ sư và nhân viên bán hàng trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Mục đích là để các quyết định cải tiến được nhanh chóng đưa ra mà không phải đi lòng vòng qua nhiều cấp duyệt như trước”.
Tại hội nghị dành cho các kỹ sư phát triển phần mềm, Nadella cũng nhấn mạnh với các nhân viên của mình rằng: “Chúng ta sẽ dẫn đầu cuộc cách mạng sáng tạo với tư duy của những người khát khao thách thức”.
Nadella một mặt yêu cầu nhóm Office tập trung vào thiết kế các ứng dụng có thể chạy trên tất cả các hệ điều hành hiện có trên thị trường, trọng tâm là hệ thống iOS của Apple, Android của Google. Dự kiến các sản phẩm này sẽ ra mắt vào cuối năm nay.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu của Microsoft tại Cortana (Mỹ) đang tiến hành cải tổ công cụ tìm kiếm Bing. Hiện Bing đang chạy trên nền tảng của Window Phone và Nadella muốn nó có thể chạy cả hai hệ điều hành iOS và Android.
Nhóm nghiên cứu cũng được yêu cầu mở rộng khả năng của Bing với tính năng như giúp các nhân viên bán hàng có thể theo dõi mức độ gắn kết của khách hàng với nhãn hiệu của mình. Microsoft cũng đang cân nhắc về việc tích hợp tính năng tìm kiếm giọng nói cho Bing.
Để củng cố cho quan điểm khuyến khích nhân viên sáng tạo, Nadella đã quyết định thay thế cuộc họp thường niên với nhóm sản xuất của công ty bằng một chương trình hackathon nội bộ kéo dài một tuần diễn ra vào cuối tháng 7. Tại đây, các kỹ sư của Microsoft phải thách thức bản thân dưới áp lực cao nhằm hoàn thành một sản phẩm phần mềm trong thời gian ngắn. Điều này sẽ giúp người dự thi không chỉ thu thập thêm nhiều kiến thức mà còn có thể khám phá, thử thách các giới hạn của bản thân khi tạo ra một sản phẩm mà bình thường phải mất vài tuần để hoàn tất.
Nadella cũng đã mạnh tay xử lý sớm những dự án dở dang tiếp quản từ người tiền nhiệm hoặc do bản thân khởi phát khi ông không nắm rõ nhiệm vụ cốt lõi của Microsoft. Tháng 5 vừa qua, ông đã ra chỉ thị thu hồi lại kế hoạch phát triển phiên bản nhỏ cho dòng máy tính bảng Surface của Microsoft. Đến tháng 6, ông lại tiếp tục thông báo hủy kế hoạch phát triển chương trình truyền hình đầy tham vọng cho Xbox.
Không có chỗ cho nền văn hóa thụ động tại Microsoft dưới thời của Nadella.
Đối với thương hiệu Nokia vừa được sáp nhập vào Microsoft, Nadella bày tỏ rất rõ quan điểm tại Microsoft, tất cả các thiết bị kỹ thuật số chỉ là phương tiện mang các sản phẩm phần mềm của công ty đến với khách hàng. Quan điểm này là chiến lược kinh doanh cốt lõi đã tạo nên giá trị cho thương hiệu Microsoft từ ngày đầu thành lập đến nay. Vì vậy, trong số 18.000 nhân sự bị cắt giảm vào tháng 6 vừa qua, có 12.500 nhân viên của Nokia trước đây.
Nokia, sau khi sáp nhập, mục tiêu chính của thương hiệu điện thoại nổi tiếng này không còn là doanh số. Microsoft không cố gắng bán càng nhiều điện thoại càng tốt để nâng tỷ suất lợi nhuận lên mà chỉ xem nokia như là phương tiện để đưa các ứng dụng của công ty đến thị trường. Đây là điều Nadella đã nói với Giám đốc phụ trách mảng thiết bị công nghệ Stephen Elop.
Đối mặt với những thách thức trong chiến lược phát triển hiện tại, Nadella đã mạnh dạn cắt giảm hàng loạt bộ phận, dự án không có triển vọng phát triển của công ty. Tuy nhiên có một điều ông luôn luôn nhấn mạnh: “Tôi muốn tạo nhiều điều kiện hơn cho mọi người thoải mái đặt ra những câu hỏi về bất cứ vấn đề hiện tại nào cần phải xử lý để Microsoft lớn mạnh. Tôi muốn chúng tôi trăn trở nhiều hơn, hơn hết là mạnh dạn thử nghiệm và dám thay đổi “.
Có thể nói, không có chỗ cho nền văn hóa thụ động tại Microsoft dưới thời của Nadella.