Lê Văn Thanh, co-founder Cốc Cốc cho rằng, nếu cứ ngồi so sánh điểm chưa bằng của mình với đối thủ thì đa số các công ty công nghệ trên thế giới đều thất bại trước Google.
Một cái tên dễ nhớ, thuần Việt và mang ý nghĩa mở ra một chân trời mới, Cốc Cốc là trình duyệt của người Việt, dành riêng cho người Việt.
Sản phẩm được tạo nên bởi 3 chàng trai – từng là du học sinh ở Nga được người dùng ưa thích thứ 2 tại Việt Nam. Theo anh Lê Văn Thanh, đồng sáng lập Cốc Cốc, hiện nay, trình duyệt thu hút khoảng 4,6 triệu người dùng/người với khoảng 80.000 lượt tải/ngày.
Ngoài ra, dấu mốc khá ấn tượng khi năm 2015, Cốc Cốc gọi vốn thành công 14 triệu USD từ quỹ đầu tư Đức (Hubert Burda Media). Theo anh Thanh, khi tiếp cận với Hubert Burda Media, trình duyệt đã có thị phần nhất định, phát triển tương đối khác biệt, và có những điểm nhấn và gây ấn tượng khi so sánh với Google.
Trong đó, tính năng sáng tạo riêng cho người Việt chính là điểm nhấn của trình duyệt mà gã khổng lồ Google Chrom không có. “Chính điều này làm người dùng đơn giản hoá việc sử dụng trên Internet và phân biệt Cốc Cốc với bất kỳ trình duyệt nào khác”, anh Thanh cho hay.
Đồng sáng lập Cốc Cốc cho biết, thực chất, khi phát triển sản phẩm, công ty không nhìn vào điểm mà công ty chưa bằng đối thủ của mình, bởi thị trường internet và nhu cầu của người dùng rất đa dạng.
“Nếu cứ làm như thế thì không chỉ Cốc Cốc mà đa số các công ty công nghệ trên thế giới sẽ thất bại khi so sánh với Google”, anh Thanh cho hay.
Lý do co-founder Cốc Cốc đưa ra là Google có nguồn nhân sự quá tốt.
“Trong số những người bạn của tôi có rất nhiều người lập trình rất giỏi, đa số đều làm việc cho Google và Facebook. Như vậy riêng về nhân sự chúng ta đã thua Google rất nhiều, chưa nói đến việc họ sở hữu lượng người dùng, cơ sở dữ liệu và tiềm lực tài chính lớn. Chúng ta cần phải chọn con đường đúng để thực hiện”, anh chia sẻ.
Chính vì thế, vượt qua Google Chrome không phải mục tiêu của Cốc Cốc. Vấn đề của công ty là làm sao tìm đúng được những nhu cầu của người dùng và phát triển những tính năng phù hợp với nhu cầu của người dùng, hơn là so sánh và chạy theo đối thủ.