Chỉ sau một năm ở Việt Nam, Michael Behrens, Tổng giám đốc Công ty Mercedes-Benz Việt Nam, đã khiến nhiều người thích thú vì sự thay đổi của ông. Sự lạnh lùng, khó gần thường thấy ở người Đức được thay bằng vẻ hoạt náo, gần gũi; tính thận trọng thay bằng sự quyết liệt khi ông tuyên bố sẽ ra mắt “kỷ lục” tám mẫu xe mới trong năm nay. Michael Behrens bảo ông đã điều chỉnh bản thân để hòa hợp với cuộc sống ở Việt Nam.
* Gặp ông khi ông mới nhậm chức ở Mercedes-Benz Việt Nam hơn một năm trước, thú thực chúng tôi cảm thấy khá… ái ngại cho ông. Ông có vẻ hơi căng thẳng, khó gần, và nghe nói chỉ mới ở đây một tháng mà ông đã sụt tới vài ký lô? Điều gì đã xảy ra khi ông tới Việt Nam?
– Tôi đã rất vui khi nhận được lời đề nghị đến Việt Nam. Ngoài những lý do về công việc và sự kỳ vọng mà Công ty đặt nơi tôi, còn có cả lý do cá nhân: Gia đình tôi từng có thời gian ở Việt Nam.
Tôi đã nghe nói về Việt Nam từ khi còn rất nhỏ, tôi thực sự thấy thích thú và muốn tìm hiểu đất nước của các bạn.
Trước khi đến đây, tôi đã đọc một số sách viết về Việt Nam của các tác giả nước ngoài và cả sách của tác giả Việt Nam được dịch sang tiếng Anh.
Tôi cũng đã xem qua số liệu kinh doanh của Công ty, trao đổi thông tin với các đồng nghiệp làm việc tại Đức và tìm kiếm các số liệu về kinh tế của Việt Nam trên internet.
Nhưng khi tôi đến Việt Nam làm việc được một tuần (tháng 3/2012) thì nền kinh tế bắt đầu suy thoái. Thời điểm đó, các hãng xe đang giới thiệu ra thị trường các mẫu xe mới và tỏ ra rất lạc quan, nhưng rồi thị trường đi xuống quá nhanh.
Ông Michael Behrens, Tổng giám đốc Công ty Mercedes-Benz Việt Nam – Ảnh: Đình Thịnh
Đó là giai đoạn khó khăn của ngành ô tô Việt Nam, nhiều người đã nghĩ là sẽ chẳng làm được gì nhiều trong những giai đoạn như thế.
Tuy nhiên, thực tế là chúng tôi đã làm nhiều hơn bình thường. Sự khó khăn của thị trường chính là động lực và cơ hội để chúng tôi cùng cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm vượt qua thời điểm khó khăn. Đó là một khởi đầu đầy sóng gió nhưng rất đáng nhớ tại Việt Nam.
* Vậy sau hơn một năm cơ cấu lại, Mercedes-Benz Việt Nam đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
– Chúng tôi đã cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết, rà soát lại các hoạt động và đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả hơn, trong đó có đầu tư cho đào tạo và huấn luyện nhân sự, xây dựng dây chuyền sơn ED Coating và hệ thống xử lý nước thải.
Chúng tôi cũng đa dạng hóa danh mục sản phẩm bằng tám mẫu xe mới sẽ ra mắt trong năm nay, và củng cố thế mạnh của mình là dịch vụ hậu mãi khi tăng thời gian bảo hành phụ tùng lên hai năm, gấp đôi các nhãn hiệu xe hạng sang khác.
* Có vẻ như ông đã biến thành một con người khác: tự tin và hoạt náo hơn nhiều so với trước kia. Hẳn Việt Nam có gì đó đặc biệt khiến ông thay đổi?
– Ngoài quê hương là nước Đức, tôi đã từng làm việc và sinh sống ở nhiều quốc gia như: Mỹ, Nga, Li-băng, Nam Phi, Nhật Bản… Khi đến một môi trường mới, tôi sẽ không vội vàng đưa ra những nhận xét ban đầu và thay đổi bất cứ điều gì một cách nhanh chóng.
Tôi cần thời gian để cảm nhận và quan sát, thậm chí là dấn thân để trải nghiệm và hiểu kỹ hơn, đây cũng là một trong những điều tôi đúc kết được trong thời gian theo nghề báo.
Khi tôi vừa đến Việt Nam, nhiều người đã hỏi: “Chiến lược của ông cho Mercedes-Benz Việt Nam là gì?”, nhưng làm sao tôi có thể vội vàng đưa ra chiến lược khi chưa hiểu rõ đất nước của các bạn?
Trong hơn ba tháng đầu tiên tại Việt Nam, tôi nghĩ mình vẫn là một người khách và cũng không đánh giá bất cứ điều gì ngoài lắng nghe và quan sát.
Dần dần, tôi cảm nhận rõ hơn về nền kinh tế, về con người Việt Nam, và trở nên tự tin hơn. Tôi không bao giờ tỏ ra mình biết tất cả mọi thứ vì rõ ràng đây là một môi trường mới.
Tôi quan tâm đến ý kiến của những người xung quanh. Mỗi ngày đến văn phòng, tôi có rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, tôi vẫn dành khoảng 1/3 thời gian để tiếp nhận những điều mới mẻ từ môi trường xung quanh.
Khi đã học được nhiều điều từ Việt Nam, tôi cảm thấy tự tin để bắt đầu công việc. Đó là lý do tại sao cách đây một năm, các bạn thấy tôi khá trầm tĩnh.
Bắt đầu từ năm nay, tôi đã tự tin hơn. Các bạn thấy đấy, với sự ra mắt của nhiều mẫu xe hoàn toàn mới, đặc biệt là GLK 220 CDI máy dầu, doanh số tháng 5 tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chúng tôi cũng vừa giới thiệu mẫu xe A-Class dành cho những bạn trẻ thành đạt và có đẳng cấp trong một đêm hội âm nhạc đặc sắc. Đến lúc này tôi có thể tự nhủ: “Mình đã làm được!” và cảm thấy tự tin hơn để tiếp tục tiến về phía trước.
* Có nghĩa là công việc đã làm ông thay đổi?
– Công việc không làm tôi thay đổi, mà chính môi trường sống ở Việt Nam, môi trường kinh doanh và nhu cầu của khách hàng ở đây mới làm tôi thay đổi. Có thể nói là tôi thay đổi để thích nghi với cuộc sống mới ở đây.
* So với những môi trường ông từng làm việc trước đây, môi trường kinh doanh ở Việt Nam có gì khác biệt?
– Sự khác biệt rõ rệt nhất là môi trường kinh doanh tại Việt Nam thay đổi rất nhanh, có thể nói là nhanh hơn bất cứ quốc gia nào mà tôi từng có thời gian sinh sống.
Thời điểm tôi mới đến, các chính sách của Chính phủ, đặc biệt là trong ngành ô tô, các loại thuế, phí liên tục được điều chỉnh.
Sự khác biệt thứ hai là ở nhu cầu khách hàng. Có thể nói khách hàng Việt Nam rất sành điệu, hiện đại và cập nhật xu hướng rất nhanh. Bất cứ sản phẩm nào mới được giới thiệu trên thế giới, người Việt Nam đều muốn có.
Ở thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước thử thách lớn về hiệu quả đầu tư, đòi hỏi sự kiên định và một chút liều lĩnh từ phía các nhà sản xuất.
Khác biệt thứ ba là mối quan hệ. Để kinh doanh và làm việc tốt tại Việt Nam, bạn cần phải có những mối quan hệ tốt. Bạn cũng cần biết một số nhân vật quan trọng, những người có ảnh hưởng đến những người khác.
Cuối cùng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam có phần rất cởi mở. Đôi khi bạn có thể ăn tối và thảo luận trực tiếp với đối tác, khách hàng, và điều này làm tôi rất thích thú.
Tôi thường xuyên gặp gỡ khách hàng bất cứ khi nào sắp xếp được thời gian, và thú vị nhất có lẽ là ở Việt Nam tôi không cần phải thắt cà vạt mọi lúc mọi nơi (cười).
* Vậy theo ông, bốn điều khác biệt này có tốt cho những người kinh doanh, đặc biệt là cho các doanh nghiệp FDI như Mercedes-Benz Việt Nam?
– Tôi không đánh giá bốn sự khác biệt này là tốt hay không tốt. Đó là môi trường kinh doanh, là cái mà tôi cần phải thích nghi.
Người Việt Nam có câu “Nhập gia tùy tục”, do đó tôi phải tìm cách để thích nghi và làm việc tốt nhất có thể trong môi trường mới. Văn hóa của Việt Nam, sự khác biệt của môi trường kinh doanh tại Việt Nam là một trong những cơ sở quan trọng để tôi điều hành Công ty.
Tuy nhiên, dù môi trường có thay đổi thế nào đi nữa thì tôi vẫn luôn ý thức được nguồn gốc và bản sắc dân tộc của mình. Và đối với Mercedes-Benz thì đó là tinh thần Đức, tôi và các cộng sự luôn cố gắng để giữ được các giá trị cốt lõi trong văn hóa kinh doanh của người Đức.
* Từ những gì đã nghe về Việt Nam và từ những cuốn sách đã đọc cộng với thực tế trải nghiệm hơn một năm qua, ông thấy Việt Nam như thế nào? Thích nghi với môi trường và cuộc sống ở đây có quá khó với một người Đức như ông?
– Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa đa dạng. Ở một thành phố lớn như TP.HCM, nhịp sống rất nhanh và tất nhiên là áp lực công việc cũng cao hơn.
Tôi rất tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Việt Nam trong những năm tới. Phải công nhận là đất nước của các bạn có rất nhiều danh lam thắng cảnh.
Con người Việt Nam rất hiếu khách và thân thiện, trong công việc, tôi thấy họ rất siêng năng và sáng tạo. Thích nghi với môi trường mới không phải là vấn đề lớn đối với tôi, bởi tôi từng làm việc ở nhiều quốc gia, với nhiều nền văn hóa khác biệt.
Tuy nhiên, do môi trường sống và môi trường kinh doanh tại Việt Nam thay đổi từng ngày, nên tôi phải luôn học hỏi và tiếp nhận những điều mới mẻ.
Sở thích mới của tôi là chơi golf và tập thể dục hằng ngày. Việt Nam đổi mới từng ngày nên chúng ta cũng cần phải khỏe mạnh và nhanh nhẹn để bắt kịp tốc độ thay đổi này (cười).
* Còn ngành ô tô của Việt Nam thì thế nào, thưa ông?
– Theo tôi, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn tương đối non trẻ so với các quốc gia phát triển và một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia. Điều này cũng dễ hiểu bởi các hãng xe lớn chỉ mới tham gia thị trường Việt Nam từ đầu những năm 90, trong khi các quốc gia khác đã phát triển trước Việt Nam hàng chục năm.
Ở thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước thử thách lớn về hiệu quả đầu tư, đòi hỏi sự kiên định và một chút liều lĩnh từ phía các nhà sản xuất.
Riêng với Mercedes-Benz Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa để phát triển dài hạn tại Việt Nam, và minh chứng rõ nhất là xưởng sơn tĩnh điện trị giá gần 10 triệu USD. Chúng tôi sẽ khai trương xưởng này vào tháng 7 năm nay.
* Đầu tư mạnh cho một thị trường còn quá nhỏ, hơn nữa, đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ở khu vực ASEAN bằng 0 thì đó sẽ là khó khăn không nhỏ cho Công ty. Hẳn ông đã có chiến lược chắc chắn cho sự phát triển của Mercedes-Benz Việt Nam?
– Chúng tôi không đầu tư 10 triệu USD cho xưởng sơn tĩnh điện để đóng cửa nhà máy vào năm 2018 (cười). Các bạn đừng quên chúng tôi là hãng xe sang dẫn đầu thị trường về doanh số trong 17 năm vừa qua nhé!
Sự khó khăn của thị trường chính là động lực và cơ hội để chúng tôi cùng cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm vượt qua thời điểm khó khăn.
Chúng tôi tin tưởng vào nhu cầu của khách hàng ở Việt Nam và có chiến lược lâu dài tại đây. Mercedes-Benz còn có dây chuyền lắp ráp xe tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan, nên Tập đoàn sẽ đưa ra một chiến lược tốt nhất để tận dụng sức mạnh của các nhà máy và làm cho các nhà máy này hoạt động nhịp nhàng với nhau.
Hiện tại tôi chưa thể tiết lộ nhiều hơn về chiến lược này. Nhưng trước mắt, các bạn đã có thể thấy các hoạt động mạnh mẽ của Mercedes-Benz tại Việt Nam:
Chúng tôi đa dạng hóa danh mục sản phẩm, lần đầu giới thiệu xe máy dầu với chiếc GLK 220 CDI, đi tiên phong trong phân khúc xe sang cỡ nhỏ với A-Class, và còn rất nhiều mẫu xe mới được chúng tôi giới thiệu trong sáu tháng cuối năm nay. Đây là hành động cụ thể hóa niềm tin của chúng tôi ở Việt Nam.
* Khi mở rộng đầu tư, chắc hẳn ông đã thấy được tiềm năng của thị trường trong tương lai?
– Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thực sự rất có tiềm năng. Chúng tôi tin vào thị trường Việt Nam và tương lai phát triển của nó. Tỷ lệ sở hữu xe cá nhân ở Việt Nam là dưới mức trung bình trong khu vực.
Khoảng 80 – 400 chiếc xe/1.000 dân ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong khi ở Việt Nam chỉ có 18 chiếc/1.000 dân, tương đương với Thái Lan cách đây 15 năm.
Nhu cầu có một chiếc xe hơi sang trọng và an toàn của người Việt Nam chưa bao giờ giảm. Điều này cho thấy thị trường vẫn có tiềm năng phát triển tốt và chúng tôi muốn là một phần trong đó.
* Mặc dù đã đầu tư mạnh mẽ nhưng so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Mercedes-Benz Việt Nam có vẻ như chưa cao?
– Tỷ lệ nội địa hóa tùy thuộc vào từng mẫu xe và không giống nhau giữa các quốc gia tại ASEAN. Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực vì Việt Nam không có sẵn các doanh nghiệp cung ứng linh kiện, phụ tùng đáp ứng yêu cầu của Mercedes-Benz.
Với xe du lịch, chúng tôi chưa thể tiến hành nội địa hóa bởi gần như không có các nhà cung ứng. Các linh kiện và phụ tùng của Mercedes-Benz có yêu cầu về công nghệ và chất lượng rất cao, trong khi số lượng sản xuất còn hạn chế nên chưa doanh nghiệp nào chấp nhận đầu tư.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vẫn đầu tư dài hạn vào Việt Nam dù cho có các nhà cung ứng hay không. Chúng tôi có nhiều “vũ khí” khác để có thể thành công: có danh mục sản phẩm đa dạng, có thương hiệu, có chất lượng hậu mãi xuất sắc và hơn nữa là có được niềm tin của khách hàng.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thực sự rất có tiềm năng. Chúng tôi tin vào thị trường Việt Nam và tương lai phát triển của nó.
Tôi rất vui khi nghe câu nói “Nhất Mẹc” phổ biến ở Việt Nam, chúng tôi cũng vừa nhắc lại thông điệp này trong chiến dịch truyền thông thương hiệu “Phong độ song hành cùng đẳng cấp” để nhấn mạnh những giá trị cốt lõi và đẳng cấp mà Mercedes-Benz mang đến cho khách hàng.
* Với những gì đã trải nghiệm, ông có ý định gắn bó lâu dài với Việt Nam?
– Tôi không ngừng tìm hiểu về đất nước của các bạn. Đối với tôi, mỗi ngày ở đây luôn là một ngày mới. Tôi luôn cố gắng tìm hiểu về những điều bình dị, những thứ nhỏ nhặt nhất có thể giúp tôi hình dung ra bức tranh toàn cảnh về Việt Nam.
Thế nên Tết Quý Tỵ vừa rồi, tôi đã đến Hà Nội, việc cảm nhận Tết tại thủ đô phần nào giúp tôi hiểu thêm về Việt Nam.
Tôi cũng yêu thích các hoạt động văn hóa: đi xem trình diễn nhạc opera, tham gia một lớp nhạc jazz, tham quan bảo tàng, sưu tầm các bức tranh nghệ thuật của Việt Nam. Có rất nhiều người hỏi tôi: “Đã ở đây hơn một năm, vậy ông còn thấy thích Việt Nam không?”.
Tôi trả lời rằng tôi sẽ còn ở đây, vẫn còn hứng thú với văn hóa Việt Nam và sẽ không ngừng tìm hiểu về đất nước của các bạn, như vậy có nghĩa là tôi rất thích Việt Nam và chắc chắn sẽ gắn bó với Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!