Học để quên nhiều lúc cần thiết hơn để nhớ. Cần thiết hơn và khó hơn.
Em đọc nhiều sách về marketing. Em thấy cái gì cũng hay nhưng không biết một số quan điểm khác nhau thế nào vì em thấy nó cứ na ná nhau. Anh phân tích dùm em với.
Anh cho em biết em nên theo quan điểm hay mô hình quản trị thương hiệu của ai? Em tham khảo nhiều, đi tham gia hội nhóm cũng nhiều nhưng khi thực hành cho mình em chẳng biết làm sao.
Tôi cũng không biết trả lời sao cho phải. Các bạn là những người cầu thị ham học. Khi chưa có cơ hội thực hành nhiều, điều tốt nhất cho các bạn là tập trung làm việc để chiêm nghiệm trước.
Thế hệ 7X như tôi ngày xưa khi mới ra trường khổ lắm. Khổ vì chẳng có ai mà hỏi. Khổ vì chẳng có sách hay mà đọc. Khổ vì đã làm gì có anh Gúc đâu mà tìm. Tôi nhớ hồi tôi mới làm nghề, vớ được cuốn tạp chí Marketing Vietnam như vớ được bảo bối. Hồi những năm 90 đây là nguồn kiến thức khá tốt duy nhất tôi có thể tham khảo. Hàng tháng hóng số mới như hóng mẹ đi chợ về. Hồi đó chúng tôi sống trong tời đại khô hạn thông tin. Khổ lắm.
Thế hệ các bạn trẻ ngày nay sướng lắm. Sướng vì quanh bạn đầy chuyên gia giởi để hỏi. Sướng vì muốn tìm đầu sách chuyên môn hay search phát có ngay. Sướng vì cái trên trời dưới biển gì lý bí là có ngay anh Gúc phục vụ tận tình 24/24.
Các bạn đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Sướng lắm.
Nhưng sướng hay khổ còn tuỳ người. Ngập lụt thông tin có thể dẫn đến tình trạng nhiều người dễ chết đuối nếu không biết bơi.Thậm chí trong dòng “nước lụt” bạn phải bơi giỏi mới khỏi bị lũ cuốn trôi.
Thông tin nhiều nhưng không phải thông tin nào cũng có ích. Sách chuyên môn bây giờ nhan nhản nhưng đâu có dễ để tìm đúng sách bạn cần. Kể cả sách chuyên môn có giá trị của các Guru marketing thế giới viết cũng chẳng nên đọc nếu bạn chưa trang bị đủ hiểu biết cơ bản và trải nghiệp nghề nghiệp cần thiết. Bác Gúc thật hào phóng khi bạn hỏi.
Nhưng mỗi lầm hỏi bác ấy cho bạn nhiều thứ quá đến nỗi bạn chẳng biết nên dùng cái nào. Bạn thử đánh “what is brand” xem, gần 900,000 kết quả ngay. Chỉ có một vài định nghĩa chuẩn xác, đúng bản chất và quan trọng nhất là có thể “sử dụng được”. Trong trường hợp này bạn cần có một “bộ lọc” không phải để nhớ nhiều. Để quên đi những định nghĩa không chính xác và sai lệch.
Học là để hành. Muốn hành tốt thì phải học những cái đúng. Học những cái sai thì sẽ hành sai. Ghi vào đầu một thông tin sai lệch còn nguy hiểm hơn không biết gì. Nghe một video clip chia sẻ làm ẩu còn nguy hại hơn không nghe. Đọc một bài báo chuyên môn hay cuốn sách viết hời hợt còn khổ hơn không đọc gì. Khi phải “thanh lý” một cuốn sách in đẹp, cầm nhẹ như bấc vì in bằng giấy xịn và mua những $40 qua Amazon tôi cũng tiếc lắm. Nhưng ngẫm lại thấy nội dung chẳng hữu ích gì cho mình thì quên nó đi còn nhẹ đầu hơn.
Tôi nói học để quên cần thiết hơn học để nhớ vì lý do này:
Nên quên những khái niệm phức tạp chẳng để làm gì. Hiểu quan trọng hơn nhớ. Nhớ vanh vanh một định nghĩa nào đó nhưng chẳng biết định nghĩ đó sinh ra để làm gì cũng chẳng cần thiết. Hãy nói theo ngôn ngữ của bạn. Miễn là bạn hiểu. Bởi vì nhớ chưa chắc đã biết làm. Nhưng khi hiểu chắc chắn sẽ làm tốt.
Đừng làm nô lệ cho list sách dài dằng dặc. Đọc những gì liên quan đến công việc của bạn thôi.
Nên quên những textbook đặc sệt lý thuyết ở trường học. Những textbook hay cũng chỉ là là tài liệu tham khảo. Không nên cho rằng nó đúng cho mọi hoàn cảnh. Khác biệt giữa một marketer giỏi và một marketer bình thường là khả năng ứng dụng thực tế. Không phải số bằng cấp họ có, không phải số sách họ đã đọc. Tất nhiên kiến thức bài bản và hệ thống cực quan trọng. Nhưng nó chỉ mới đảm bảo năm mươi phần trăn thành công thôi.
Còn bây giờ, chúng ta cùng tìm những thứ đáng để quên thôi. Kể cả bài viết này nếu nó không phù hợp với bạn.