Nội Dung Chính
Bấy lâu nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng luôn xuất hiện một số cụm từ quen thuộc, đó là “Chiêu thức PR”, “Chiêu trò PR”, “Công nghệ PR”.
Nó như một thứ định nghĩa, một “kim chỉ nam” khiến ai cũng hiểu rằng PR là xấu, vì nó liên quan đến những khái niệm phản cảm như cởi đồ gây xì-căng-đan, phát ngôn ngớ ngẩn gây sốc, tự khen mình, khoe mình trên bất cứ phương tiện nào, lăng-xê và trả tiền cho truyền thông… Trong khi, thực tế, PR vốn là một khái niệm tốt đẹp, thiết thực đối với đời sống xã hội hiện đại, và vẫn còn rất nhiều những người làm PR chân chính, chuyên nghiệp.
Tồn tại trong mọi lĩnh vực
PR (Public Relation) – Quan hệ công chúng – không gì khác hơn là lựa chọn cách đối nhân xử thế phù hợp với công chúng và thúc đẩy những mối quan hệ tốt đẹp. Tất cả mọi cá thể đều cần đến những mối quan hệ tốt: Các doanh nghiệp quan hệ tốt với khách hàng, nhà đầu tư, nhà cung cấp, giới chức địa phương, báo giới; những người nổi tiếng cần chiếm thiện cảm của đồng nghiệp, người hâm mộ, các cơ quan quản lý văn hóa, báo giới. Ngoài ra, các tổ chức từ thiện, tổ chức phi Chính phủ, Chính phủ, trường học, bệnh viện, nhà hát, nhà xuất bản, ngân hàng, cơ quan báo chí, truyền hình và cả một quốc gia đều cần đến PR. Đặc biệt, mỗi một cá thể trong xã hội đều cần phải làm PR hằng ngày.
Sự thiếu chuyên nghiệp của Ban tổ chức đã khiến chương trình The Voice – Giọng hát Việt 2012 ít nhiều bị ảnh hưởng. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Tất cả các bạn đều đã và đang làm PR cho bản thân mà không biết. Bạn chuẩn bị tháo dỡ và xây nhà mới, tiếng ồn, khói bụi và sự bừa bãi của gạch vữa sẽ ảnh hưởng đến các gia đình chung quanh, họ sẽ không chịu đựng được và cùng nhau làm đơn khiếu nại lên phường, bạn biết vậy nên đã cất công sang từng nhà hàng xóm để trình bày trước sự việc bằng nụ cười chân thành, mục đích ngăn chặn một cuộc xung đột sắp xảy ra, đó chính là PR. Bạn làm chủ một cửa hàng nho nhỏ với ba, bốn nhân viên, thi thoảng bạn mời nhân viên đi ăn trưa hoặc tặng quà cho họ sau mỗi chuyến công tác, đó cũng tương tự PR đấy. Bạn là phóng viên và cứ đến Ngày Nhà báo Việt Nam 21-6, lại nhận được thiệp chúc mừng từ các doanh nghiệp, rõ ràng bạn đang tiếp nhận một hình thức PR.
Mục đích của quan hệ công chúng chỉ đơn giản là chiếm cảm tình của số đông và mọi động thái thay đổi nhận thức công chúng, xử lý khủng hoảng, giao tiếp hai chiều và những việc cụ thể liên quan như tổ chức sự kiện, viết bài PR, viết thông cáo báo chí, thành lập website và bản tin nội bộ cũng chỉ nhằm mục tiêu cao nhất là chiếm thiện cảm của công chúng. Khái niệm “Public Relations” lần đầu tiên được hai ông tổ của ngành PR là E.Béc-nây (Edward Bernays) và I.Li (Ivy Lee) đưa ra trước công chúng Mỹ vào thập niên đầu của thế kỷ 20, nhưng trên thực tế, PR đã len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại từ ngàn đời nay dù chưa chính thức và chưa được nâng lên thành một chuyên ngành riêng biệt. Thậm chí một số nhà nghiên cứu lịch sử PR còn cho rằng, chính… Caesar Đại đế mới là người sáng tạo ra PR.
“Kẻ đốt đền” hay sự thiếu chuyên nghiệp?
Để thực hành được nghề PR, người làm PR phải được đào tạo, tự nghiên cứu và tự thực hành để trang bị kinh nghiệm trong nhiều năm, với vốn kiến thức đa dạng bao gồm: makét-tinh, quảng cáo, báo chí, biên tập, xuất bản, quản lý website, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng viết và thuyết trình, kỹ năng đạo diễn chương trình, kỹ năng tổ chức sự kiện và đương nhiên là một kiến thức dày dặn về PR. Thiếu một trong ngần ấy vốn kiến thức, người làm PR trở thành thiếu chuyên nghiệp. Có đầy đủ ngần này kiến thức, người làm PR cũng chưa thể trở thành một PR Man xuất sắc nếu chưa có đủ trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực PR, nếu như thiếu hụt kiến thức trong nhiều ngành nghề như giáo dục, y tế, du lịch, giải trí, thời trang, âm nhạc, hội họa, công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp…, nếu thiếu óc sáng tạo, thiếu sự thấu hiểu tâm lý, thiếu tinh thần cầu thị và học hỏi không ngừng.
PR có mua được bằng tiền bạc hay không?
PR có mua được bằng truyền thông hay không?
PR có phải là gây xì-căng-đan không?
Công chúng không dễ bị lừa.
Người làm PR phải luôn nhớ rằng: Họ đang bị quan sát, không phải chỉ một vài người, mà bởi hàng triệu cái đầu. Bạn cũng không thể giả dối với ức triệu công chúng đang theo dõi bạn.
Có một câu chuyện nổi tiếng mà ai cũng biết: Hê-rô-tra-tớt (Herostratus) với mong muốn điên cuồng sẽ trở nên nổi tiếng, bất chấp hậu quả mà hắn biết trước là một phiên tòa xử tử hình, đêm ngày 21-7-365 trước Công nguyên đã phóng hỏa đốt đền thờ nữ thần Artemis ở Ephesus, Hy Lạp (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Từ đó, trong nhiều ngôn ngữ, cụm từ “Kẻ đốt đền Herostratus” đã được sử dụng để ám chỉ những người có tham vọng nổi tiếng bằng mọi giá. Có nhiều con đường để nổi tiếng, trong đó có cách đốt đền. E.Béc-nây, cha đẻ của PR không dạy hậu thế đốt đền. Những tập đoàn hàng đầu thế giới luôn sẵn sàng đầu tư hàng triệu đô-la mỗi năm cho PR không phải là để các đại lý PR chuyên nghiệp đi “đốt đền” rồi cầm tiền đó tiêu xài. Nếu bạn muốn được nổi tiếng, chỉ đơn thuần là càng nhiều người biết đến càng tốt, thì hãy nhớ rằng một kẻ sát nhân hàng loạt hay một tên hiếp dâm bệnh hoạn thậm chí còn nổi tiếng hơn. Vì chỉ hôm trước xảy ra vụ án, hôm sau cả nước (thậm chí cả thế giới) đã bàn tán xôn xao rồi. Những người mừng rỡ nhờ xì-căng-đan “chửi rủa” mà sản phẩm bán chạy hơn thì dân gian vẫn dùng một từ là “ăn xổi”, chỉ nhìn được cái lợi trước mắt mà không thấy được hậu quả về sau.
Nếu bạn muốn được nổi tiếng, chỉ đơn thuần là càng nhiều người biết đến càng tốt, thì hãy nhớ rằng một kẻ sát nhân hàng loạt hay một tên hiếp dâm bệnh hoạn thậm chí còn nổi tiếng hơn.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng những gì mà báo chí gán cho những người nổi tiếng rằng họ cố tình làm vậy để được nổi hơn là hơi quá. Không ai muốn bị cộng đồng lên án, tẩy chay và nguyền rủa cả. Năm 2010, báo chí liên tục đưa tin và bình luận về sự cố giám khảo Vietnam Idol 2010 Siu Black xúc phạm thí sinh khuyết tật Nguyễn Sơn Lâm. Sau đó có một tin ngắn đổ riệt cho nhà tổ chức Vietnam Idol rằng: Chẳng cần mất thêm thời gian, tiền bạc vào các chiêu thức PR mà sự kiện này vẫn dày đặc thông tin. Đúng là ngư ông đắc lợi. Năm 2011, việc người mẫu Ngọc Quyên chụp ảnh khỏa thân để ủng hộ môi trường được dư luận coi là một “chiêu PR” vô lối. Năm 2012, công chúng ồn ào vì cuộc thi The Voice và vụ dàn xếp kết quả của Giám đốc âm nhạc Phương Uyên bị phát tán ra ngoài qua một đoạn ghi âm. Báo chí lại tiếp tục bình luận đó là một “chiêu thức PR” của Ban tổ chức. Đây là một sự nhầm lẫn lớn của báo chí, vì sau tất cả những vụ khốn khổ này, sau khi bị tất thảy giới truyền thông và cư dân mạng “ném đá” như thời trung cổ, cái hại, cái thiệt đầu tiên của các nhân vật chính là sự đau đầu và không yên ổn, chưa kể kéo theo nhiều tác hại về sau, chứ không phải “ngư ông đắc lợi” như các nhà báo nhầm tưởng. Người không có thần kinh thép thì thậm chí rất dễ sang chấn tâm lý nếu dính phải một vụ khủng hoảng như vậy. Không một người bình thường hay một tổ chức uy tín nào muốn ôm nỗi bực mình này. Bởi PR là nhằm gây thiện cảm và bảo vệ tiếng thơm, không phải phá hỏng nó.