Nội Dung Chính
Nếu hỏi các nhà đầu tư nào về PNJ thì câu trả lời đều quy về hai ấn tượng: nhà lãnh đạo ở PNJ và mạng lưới bán lẻ.
Trong tất cả các báo cáo, các công ty chứng khoán như Bản Việt (VCSC),Chứng khoán BIDV (BSC), Bảo Việt (BVSC), KIS, Phú Hưng (PHS)… đều khuyến nghị mua vào cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Mức giá kỳ vọng mà các công ty chứng khoán này ước lượng cho PNJ có thể đạt tới 132.000-140.000 đồng/cổ phiếu, tức vượt hơn 30-40% so với thị giá hiện tại.
Ghế nóng của một người
Nếu hỏi các nhà đầu tư nào về PNJ thì câu trả lời đều quy về hai ấn tượng: nhà lãnh đạo ở PNJ và mạng lưới bán lẻ. Cái tên Cao Thị Ngọc Dung đã gắn với PNJ từ khi thành lập vào năm 1988. Từ đó đến nay, đã 29 năm, bà Dung vẫn ở cương vị CEO của PNJ. Thời gian lâu đến mức, chính bà Dung cũng từng nói rằng đã đến lúc nên rút lui, nhường chỗ cho người mới lên thay. Còn nhớ trong hai lần gặp gỡ với chúng tôi, bà Dung đều đề cập đến câu chuyện chuyển giao này. Sang đầu năm nay, khi PNJ rục rịch kế hoạch chuyển giao nhưng cuối cùng vẫn không thể thực hiện được vì lý do khách quan: nhà đầu tư nhận thấy, PNJ vẫn cần một CEO như bà Dung tiếp tục đồng hành.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, trước lá phiếu ủng hộ từ nhiều cổ đông, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết sẽ ở cương vị CEO trong ít nhất 2 năm tới. Quyết định này từng khiến một số nhà quan sát bên ngoài lo ngại sự suy giảm của tuổi tác, phong cách điều hành cũ có thể khiến con thuyền PNJ đang phình ra sẽ di chuyển chậm chạp.
Nhưng bà Dung dường như đang chứng minh ngược lại. Không có dấu hiệu tuổi già trong cách thức điều hành của mình. Bà Dung còn thiết lập những chức vị mới và chọn người trẻ giao việc một cách suôn sẻ. Chẳng hạn, tháng 4 năm nay, ông Lê Trí Thông được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch khi chưa tới 40 tuổi. Ông Thông cũng phụ trách mảng chiến lược, công nghệ thông tin… ở PNJ. Riêng Anna Võ, Giám đốc Sáng tạo là một cô gái trẻ, sở hữu 3 bằng đại học quốc tế, thông thạo 4 ngoại ngữ và tốt nghiệp Thạc sĩ thời trang ở Viện Thiết kế thời trang Istituto Marangoni (Anh). Tất cả họ đã mang những tinh túy đến với PNJ và thổi vào PNJ những làn gió mới. Đây cũng xem như bước dọn đường cho một PNJ trong tương lai không còn bà Dung ở cương vị CEO.
Lâu nay, bà Cao Thị Ngọc Dung được ví như người vận hành cỗ máy PNJ. Điều này cũng giống như bà Mai Kiều Liên ở Vinamilk, bà Nguyễn Thị Mai Thanh ở REE, bà Phạm Thị Việt Nga ở Dược Hậu Giang, bà Trương Thị Mỹ Khanh ở Vĩnh Hoàn. Họ là những nữ lãnh đạo đã dành cả cuộc đời cho Công ty và góp phần quan trọng trong thành công hiện tại của Công ty. Họ hiểu doanh nghiệp của mình và hiểu ngành nghề sâu sắc đến mức, bất cứ một thay thế nào cũng khó lấp đầy chỗ trống. Đây là áp lực rất lớn cho lớp kế thừa. Chính vì thế, người ta mới chỉ thấy một vài thay đổi, diễn ra khá êm thấm như ở Vĩnh Hoàn.
Riêng ở PNJ, vai trò của bà Dung vẫn luôn ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn bà mạnh dạn chuyển đổi, đẩy mạnh mô hình kinh doanh từ kinh doanh vàng miếng sang bán lẻ vàng trang sức. Nhờ đó mà doanh thu năm 2016 của PNJ tuy chỉ bằng khoảng 40% so với Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) nhưng lãi gộp lại gấp 7 lần SJC. Trong mảng trang sức bạc, liên tục PNJ thay đổi, đa dạng thiết kế, mở rộng đối tượng khách hàng, từ 18-25 tuổi sang 18-35 tuổi và bổ sung thêm bộ sưu tập dành riêng cho trẻ em, các thiết kế dành riêng cho nam giới.
Trong quản trị điều hành, phía PNJ đã áp dụng cách tính chỉ tiêu cá nhân gắn với chỉ tiêu tập thể, nhấn mạnh năng lực của các vị trí chủ chốt, tăng kiểm soát tính tuân thủ trong đánh giá, đo lường, coi trọng đào tạo đội ngũ sản xuất, bán hàng… Đáng chú ý, những hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và hệ thống đã cho phép PNJ làm việc trên một dự án dữ liệu lớn. Từ đây, PNJ có thể nắm bắt, theo dõi hành vi của người tiêu dùng và cung cấp cho họ một trải nghiệm tùy biến hơn.
Tất cả những đầu tư, tái cơ cấu từ bên trong này, theo bà Cao Thị Ngọc Dung, đã được PNJ chuẩn bị từ nhiều năm và đến nay đã hiện thực hóa qua kết quả kinh doanh ấn tượng, với tăng trưởng doanh thu 9 tháng năm 2017 là 31%, đạt hơn 7.700 tỉ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế cũng tăng 41,6%, đạt 504 tỉ đồng. Chỉ số hài lòng khách hàng (NPS) từ 8,35 điểm năm 2015 lên 8,5 điểm vào năm 2016, hướng tới mục tiêu đạt thấp nhất 8,7 điểm từ năm 2017.
Hai cửa hàng mới mỗi tuần
Nhưng điều bất ngờ đối với giới đầu tư là tốc độ mở rộng mạng lưới bán lẻ của PNJ. Tính đến cuối tháng 10.2017, PNJ có tổng cộng 253 cửa hàng. Đây là số lượng cửa hàng bán lẻ chỉ đứng sau vài cái tên lớn như Thế Giới Di Động, Vingroup. Nếu chỉ tính riêng trong bán lẻ trang sức, không ai qua được PNJ về chuỗi cửa hàng. Chỉ 9 tháng năm 2017, tổng số cửa hàng mới của PNJ đã vượt qua số lượng cửa hàng mở mới của cả năm 2016. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, với tốc độ hiện nay, PNJ sẽ hoàn thành mục tiêu mở 300 cửa hàng vào năm 2018.
Tốc độ mở mới cửa hàng của PNJ khiến nhiều người liên tưởng đến chiến thuật của Thế Giới Di Động với chuỗi cửa hàng rộng khắp cả nước. Bằng chiến thuật áp đảo này, Thế Giới Di Động đã bỏ xa các đối thủ cùng ngành và trở thành doanh nghiệp chiếm được thị phần lớn nhất trong lĩnh vực điện thoại, điện máy tại Việt Nam.
Việc gia tăng số cửa hàng có ý nghĩa quan trọng trong gia tăng thị phần cho PNJ. Bằng chứng là chỉ với 100 cửa hàng tăng thêm, thị phần của PNJ đã tăng gấp đôi, từ 12-13% năm 2012 lên 26,5% hồi cuối năm 2016. Công ty Chứng khoán BIDV đánh giá, các cửa hàng của PNJ đang bước dần vào độ chín. Doanh thu toàn chuỗi cửa hàng đã tăng 22%, vượt bậc so với con số 8-10% của nửa cuối năm 2016.
Nhưng trước mắt, để có hàng hóa phục vụ tối thiểu 70% nhu cầu bày bán, PNJ mở rộng hoạt động nhà máy. Đây cũng là cách thức PNJ tận dụng cơ hội từ ngành bán lẻ trang sức, Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tiêu thụ vàng trang sức bình quân đầu người của Việt Nam chỉ 6,2 USD/người, trong khi như Hồng Kông (Trung Quốc) là 263 USD/người. Dù vậy, tỉ lệ chi tiêu trang sức/thu nhập GDP/ người của Việt Nam lại thuộc dạng cao, đạt mức 0,3%/GDP/người, chỉ thua Hồng Kông với mức 0,66%. Điều này cho thấy tâm lý người Việt Nam ưa thích mua sắm vàng.
Giới đầu tư đã nhìn thấy triển vọng từ PNJ và sẵn sàng trả giá trung bình 101.000 đồng/cổ phiếu, vượt kỳ vọng của PNJ. Nhờ vậy, tháng 8 vừa qua, PNJ huy động thành công 990 tỉ đồng và dự kiến dùng nguồn vốn ấy đầu tư cho hệ thống bán lẻ, giảm nợ vay ngắn hạn và tăng vốn lưu động.
PNJ đang dồn lực vào ngành cốt lõi. Hiện tại, PNJ chỉ còn duy trì 2 công ty con, liên quan đến ngành trang sức là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thời trang CAO và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Giám định PNJ (PNJLab). Đối với những khoản đầu tư ngoài ngành, Công ty đã hoàn thành việc bán lại hoặc dự phòng đầy đủ.
“Trong vòng 5 năm tới, nhiệm vụ của PNJ vẫn là phát triển chuyên sâu hệ thống bán lẻ trang sức, làm sao để PNJ luôn bắt kịp với kỹ thuật sản xuất của các nước tiên tiến thế giới, để PNJ vẫn giữ vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam và hàng đầu ở khu vực châu Á. Nhiệm vụ của tôi là sẽ đưa các chiến lược để thực thi tầm nhìn này”, bà Dung trả lời chúng tôi.