Ông Ngô Vi Đồng: 3 yếu tố cốt lõi làm nên thương hiệu HPT

0
955

Nhắc đến HPT, người ta lập tức nhớ đến “ông Đồng”, người gây dựng và lèo lái HPT ngay từ những ngày đầu thành lập. Bởi không có “ông Đồng” kỹ tính, đòi hỏi cao nhưng cũng hết sức “chịu chơi”, sẽ không có một HPT phát triển vừa mạnh mẽ, vừa thong dong.

Vững chãi, quy củ nhưng cũng sẵn sàng “phá cách”, hai mươi năm gây dựng, lèo lái, nhìn lại thành quả của mình, ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch HĐQT HPT, bảo rằng còn quá nhiều điều ông kỳ vọng nhưng HPT vẫn chưa đạt được. Tuy nhiên, ông lại rất tin thế hệ kế cận của HPT sẽ làm được điều đó, trong một tương lai không xa.

Ngày 10/1, HPT chính thức đánh dấu tuổi 20 của mình bằng một chương trình hết sức đặc biệt: Hòa nhạc HPT do Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TP.HCM thể hiện. Chương trình mở đầu với phần chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi trên những vũ khúc valse lừng danh như một lời chúc phúc đầu năm cho khách tham dự.

Tiếp theo, hai nghệ sĩ piano nổi danh trên đất Bắc là Quỳnh Trang và Tâm Ngọc đã mang đến cho khán phòng tổ khúc “Sắc màu Tây Bắc Việt Nam” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc.

Ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – trao bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông cho Ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT, đại diện BLĐ Công ty.

Từng nốt nhạc là từng nét họa, tạo nên bức tranh sinh động, muôn màu từ đất trời của vùng cao nguyên hấp dẫn nhất Việt Nam. “Đây là món quà vô giá mà HPT vinh dự nhận được từ nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, dành riêng cho tuổi 20 của HPT”, ông Ngô Vi Đồng tự hào khoe.

Khép lại chương trình là vở ballet Chuyện tình non sông của hai NSND Vũ Hoài và Vũ Việt Cường. Câu chuyện tình yêu của những người lính ở cả hai thế hệ trong bối cảnh nước non khói lửa không được trọn vẹn vì có máu rơi, có chia cắt… nhưng vẫn có một cái kết thật đẹp: thế hệ kế thừa lớn lên, được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài, quay về xây dựng quê hương…

Kết cục của vở diễn khiến nhiều người nhớ đến một thế hệ sinh ra trong giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, thừa hưởng nền giáo dục ở các nước Liên bang Xô Viết ngày xưa, nay đang nắm giữ những vị trí chủ lực trong công cuộc phát triển đất nước mà ông Ngô Vi Đồng là một ví dụ.

* Được học tập ở nước ngoài, lại khởi nghiệp vào lúc thị trường vẫn còn như “tờ giấy trắng”, rộng đường vùng vẫy, nếu so với giới trẻ hiện nay, ông có thấy thế hệ của mình có nhiều lợi thế hơn hẳn?

– Đúng là chúng tôi may mắn được lớn lên trong hòa bình và được tiếp cận kiến thức mới ngay lúc đất nước rất cần nhân lực để xây dựng, tái thiết… Chúng tôi có nhiều cơ hội nhưng so với giới trẻ ngày nay, các bạn có lợi thế về công nghệ, về sự cởi mở và cả lợi thế “phẳng” trong cạnh tranh toàn cầu… nên đã có nhiều người trẻ nỗ lực và bắt kịp những gì thế hệ chúng tôi gây dựng trước đấy thôi.

Tôi nghĩ, môi trường nào cũng vậy, đều có khó khăn kèm với thuận lợi. Vấn đề là m&igra_*?�h tận dụng lợi thế như thế nào để khắc phục khó khăn mà thôi.

Ngày trước, đời sống còn nghèo, tuổi trẻ của chúng tôi là những chuỗi ngày thiếu thốn nhưng giờ nghĩ lại, sống trong gian nan cũng là cái hay. Nhờ gian nan dẫn lối mà chúng tôi đã luôn nỗ lực.

Nỗ lực để tồn tại, để vượt thoát cái nghèo… Còn bây giờ, phần lớn thanh niên lớn lên trong điều kiện tương đối đầy đủ, được cha mẹ chăm lo kỹ hơn nên phần nào không có khát vọng vươn lên. Đôi khi tôi nghĩ, đầy đủ quá cũng khiến người ta kém nỗ lực chăng?

* Nhưng nếu chỉ sống và nỗ lực không ngừng cũng có lúc người ta cảm thấy mệt mỏi?

– Nếu nỗ lực vì những mục tiêu quá sức, người ta dễ bị đuối và mệt mỏi, muốn bỏ cuộc là điều tất nhiên. Cả cuộc đời mình, tính đến hiện nay, tôi đều sống rất nhẹ nhàng nhưng chưa bao giờ quên cố gắng.

“Nhờ gian nan dẫn lối mà chúng tôi đã luôn nỗ lực.”

Đó là nhờ tôi luôn đặt cho mình những mục tiêu nhất định, có định hướng rõ ràng và có kỳ vọng ở bản thân. Bí quyết của tôi cũng chẳng “cao siêu” gì, chỉ là không đặt cho mình những mục tiêu quá khả năng và mục tiêu đó phải dung hòa được với lợi ích của những người có liên quan.

Ví dụ, trong công việc hiện tại ở HPT chẳng hạn, tôi luôn đặt quyền lợi của mình trong biểu đồ hình tam giác với hai cạnh còn lại là đối tác và nhân viên, rồi cân bằng các cạnh của tam giác ấy. Khi dung hòa được mối quan hệ này, tất nhiên công việc kinh doanh cũng sẽ thuận lợi, trôi chảy.

* Trong một số tình huống, nhất là liên quan đến quyền lợi, khái niệm hài hòa vốn rất khó đạt đến, thưa ông?

– Đúng là không dễ đạt đến sự hài hòa tuyệt đối nhưng khi đã xem nó là nền tảng thì các quyết định cũng sẽ dễ được số đông chấp nhận hơn.

* Nói như vậy nghĩa là sẽ có tình huống đòi hỏi sự hy sinh?

– Trong kinh doanh, nếu có hy sinh thì chỉ có hy sinh bản thân mình. Việc hy sinh quyền lợi khách hàng hay nhân viên đều là con đường dẫn đến cái kết thất bại. Đây là tôn chỉ mà tôi và Ban lãnh đạo ở HPT luôn đề cao. Sự hy sinh nào cũng đau đớn nhưng nếu nhìn xa hơn, sẽ thấy quyền lợi mà mình không đạt được ấy sẽ quy đổi thành uy tín trong tương lai.

Một cái giá khá công bằng! Tất nhiên, sự hy sinh tôi nói ở đây không bao gồm sự mù quáng như đã nói, mà phải cố gắng để đạt mức dung hòa. Hy sinh trong một giai đoạn ngắn là cần thiết nhưng không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng dễ dàng chấp nhận, một khi thiếu tầm nhìn.

Thực tế, HPT cũng đã có những dự án không sinh lời nhưng qua những dự án đó, chúng tôi được va chạm, trưởng thành hơn và có kinh nghiệm, có uy tín hơn trong các dự án tiếp theo.

* Còn với đối thủ cạnh tranh thì sao, thuyết “dung hòa” này liệu có ứng dụng được?

– Không có con đường bằng phẳng, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh hiện nay. Với đối thủ cạnh tranh, tôi vẫn chủ trương cạnh tranh lành mạnh và bằng nội lực. Nếu thua vì dở hơn thì phải tôn trọng và học hỏi đối thủ.

Chỉ có như thế người kinh doanh mới không bị giày vò. HPT coi chính trực là giá trị cốt lõi đầu tiên. Có lẽ nhờ vậy mà tôi luôn cảm thấy an lành, dù ai đó đã từng ví von thương trường là chiến trường.

* Nếu chọn ba yếu tố cốt lõi nhất để làm nên thương hiệu HPT trong 20 năm qua, ông chọn gì?

– Sau chính trực là chuyên nghiệp và văn hóa. Nếu hội đủ ba yếu tố cốt lõi ấy thì tốt, hai yếu tố còn lại là tận tụy và đồng đội cũng sẽ “bất chiến tự nhiên thành”.

* Khoảng bốn năm trước, ở HPT diễn ra một cuộc “chuyển giao quyền lực” đầy bất ngờ với cái tên Đinh Hà Duy Linh, người có xuất phát điểm thuần kỹ thuật?

– Ai cũng có khả năng tiềm ẩn, tôi khuyến khích nhân viên của mình mặc sức thử, truyền cho họ ngọn lửa đam mê và dám thử thách, va chạm với các lĩnh vực ngoài chuyên môn của họ. Tính đến nay cũng đã bốn năm và tôi thấy quyết định của mình chẳng có gì sai cả.

“Tôi khuyến khích nhân viên của mình mặc sức thử, truyền cho họ ngọn lửa đam mê và dám thử thách, va chạm với các lĩnh vực ngoài chuyên môn của họ.”

Tuy không điều hành trực tiếp nhưng tôi vẫn sát cánh cùng Ban lãnh đạo trong mọi hoạt động. Tất nhiên, quyền quyết định vẫn ở tổng giám đốc. Tôi đã giao việc thì giao cả quyền, có như thế mọi người mới có thể phát huy tốt nhất.

Thật ra, quyết định này của tôi cũng không gây bất ngờ cho nhân viên bởi tôi luôn chia sẻ mục tiêu và định hướng của mình với họ. Doanh nghiệp phải rõ ràng trong quản trị, điều hành. Chính sự cởi mở đã giúp chúng tôi có được một tập thể HPT khá gắn kết như hiện nay.

* Có vẻ như ông rất tự hào khi nói đến HPT và những con người ở đó?

– Vẫn còn nhiều thứ tôi và Ban lãnh đạo mong mỏi nhưng HPT chưa đạt được, như việc sản xuất phần mềm chẳng hạn. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào mảng này nhưng hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng.

* Chảy máu chất xám trong ngành phần mềm vẫn là thử thách chung của nhiều doanh nghiệp. Cảm xúc của ông khi nhân lực mình dày công đào tạo quyết định ra đi?

– Tất nhiên là buồn và tiếc nhưng mất tiền không là gì so với nỗi buồn khi mất đi sự kỳ vọng về một con người. Khi một nhân lực ra đi, tôi thường tiếc vì không thể cùng họ thực hiện đến cùng những cam kết đầu tiên khi đến với nhau.

Người ra đi, Công ty không thuận lợi vì phải đào tạo người mới nhưng ở phía còn lại, chính bản thân người ấy cũng sẽ có những trở ngại nhất định trong việc phát triển. Tôi quan niệm, người thành công là người phải đi đến cuối con đường.

Trung thành với quyết định của mình để mà phấn đấu, can đảm đối diện với những khó khăn trên con đường mình đang đi vẫn hơn là bước sang một con đường mới.

* Ông dạy con mình tuân thủ điều này chứ?

– Tôi hướng các con đến những giá trị này bằng chính những việc làm của mình chứ không đề ra lý thuyết với chúng. Tôi nghĩ, cha mẹ chỉ cần gần gũi con, chia sẻ những mong muốn của mình với chúng vẫn tốt hơn là bắt ép chúng phải làm theo ý mình. Còn nếu như mình đã chia sẻ mà chúng vẫn muốn đi theo con đường riêng thì tốt nhất là tôn trọng ý thích của chúng.

Con trai tôi không theo con đường tôi đã đi. Chàng trai ấy đi theo nghệ thuật ứng dụng. Tôi tạo điều kiện để con được du học đúng ngành nghề đam mê và cam kết là phải trở về. Tôi vẫn mong những người trẻ đóng góp chất xám của mình cho đất nước.

* Giới trẻ hiện nay có những “con đường riêng” rất khó được phụ huynh chấp nhận. Như việc tôn sùng các diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc cuồng nhiệt, sống chết vì thần tượng chẳng hạn?

– Người trẻ nào cũng có đam mê. Chúng ta không nên ngăn cản mà cần điều tiết đam mê ấy để chúng không quá đà là được. Con gái tôi cũng say mê ban nhạc One Direction của Anh cuồng nhiệt và tôi ủng hộ.

Một mặt tôi cũng luôn định hướng để con mình biết rằng đam mê ấy chỉ là một phần của cuộc sống chứ không phải là tất cả. Con vẫn còn nhiều lựa chọn, nhiều con đường…

* Tâm lý thế chắc ông là thần tượng của con gái?

– Nếu đã gần gũi, chia sẻ buồn vui với con, bố mẹ rất khó để trở thành thần tượng. Tôi mong mình là bạn của con nhiều hơn.

* Có thể nói, sự cởi mở ấy có được vì ông là một người giàu đam mê?

– Ồ, đam mê với tôi thì bất tận. Tôi đam mê cuộc sống này, tôi mê đắm những trang sách hay, tôi say sưa với nghệ thuật hội họa, tôi yêu thích những bản giao hưởng… Những đam mê giúp cuộc sống của tôi nhiều màu sắc và tiếp năng lượng cho tôi mỗi lần đối diện với thử thách.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here