Nội Dung Chính
Ông Văn Đức Mười – người đứng đầu Công ty Vissan tiếp tục thành công khi luôn giữ trong mình tố chất người lính, đó là “không cho phép đầu hàng trước bất cứ khó khăn hay thách thức nào”.
1
Gặp ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan vào dịp này, dẫu là chuyện gì đi nữa, cuối cùng thế nào cũng quay lại chuyện cổ phần hóa của Vissan. Phần thì bởi ông thích, phần thì bởi phải hoàn thành nhiệm vụ, vì kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt, Vissan sẽ hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2015.
“Chúng tôi đang gấp rút hoàn tất các phần việc để có thể xác định giá trị doanh nghiệp trước ngày 31/12/2014. Sau khi cổ phần hóa, Vissan sẽ lột xác”, ông Mười chia sẻ.
Ông Mười có lẽ là người ưa đổi mới. Còn nhớ, vài năm trước, khi yêu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa được đẩy mạnh, Vissan cũng là một trong doanh nghiệp đầu tiên thực hiện đầu tư cụm công nghiệp ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nhằm tạo ra những sản phẩm mới, có chất lượng cao, đủ điều kiện trở thành nòng cốt cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thực phẩm…
“Hiện tại, cụm công nghiệp này đang được tiếp tục xây dựng. Hàng năm, chúng tôi đều có những đánh giá, phân tích cụ thể, để đảm bảo tiến độ xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương và của cả nước. Đến giờ này, chúng tôi thấy rằng, đây là một chiến lược đúng đắn”, ông Mười hồ hởi nói.
Cũng bởi ưa cái mới, nên giờ đây, mối quan tâm hàng đầu của ông Mười là cổ phần hóa. Ông kể, hiện nay Vissan đang tiến hành cổ phần hóa và đó cũng là cách để Công ty bổ sung thêm nguồn lực từ các đối tác.
Đánh giá đúng giá trị tài sản, thiết bị, nguồn vốn đã là khó, nhưng khó hơn là đánh giá chính xác giá trị của thương hiệu.
“Khi chúng ta cổ phần hóa, cũng có nghĩa rằng, chúng ta hướng đến thay đổi cấu trúc doanh nghiệp bằng việc đa dạng hóa sở hữu, vì thế, phải thực hiện hoàn thành nhiệm vụ này. Trong đó, điều chúng tôi mong muốn nhất là, làm thế nào để thực sự thẩm định một cách chính xác nhất giá trị của doanh nghiệp. Đó là cơ sở quan trọng để chúng tôi có đủ căn cứ quyết định cho việc bổ sung nguồn lực cần thiết”, ông Mười nói và cho rằng, đánh giá đúng giá trị tài sản, thiết bị, nguồn vốn đã là khó, nhưng khó hơn là đánh giá chính xác giá trị của thương hiệu.
Đành rằng, các quy chế, quy định đều đã rất đầy đủ, nhưng nếu không có được quy chế để có thể mời các công ty tư vấn đủ năng lực để đánh giá đúng phần giá trị vô hình, khả năng bị “hố” khi định giá hoàn toàn có thể xảy ra. Và rất có thể, đó là nguyên nhân gây thất thoát tài sản, Nhà nước thiệt và tất nhiên, người người lao động ở Vissan đương nhiên phải chịu thiệt.
Luôn xem mình “là một bộ phận của Vissan”, nên bao giờ cũng vậy, ông Mười luôn tự coi mình người lao động như bao cán bộ công nhân viên khác trong Công ty, vì thế, kế hoạch, tiến độ, lộ trình… đương nhiên phải thực hiện đúng và đủ, nhưng “phần còn lại” – phần gắn với quyền lợi của người lao động mới khiến ông đau đáu.
“Khi cổ phần hóa, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh theo đúng nghĩa, do đó, Vissan cần được đánh giá đúng giá trị, sao cho những người lao động ở đây có thêm phần ưu đãi trong cổ phiếu, để họ – các cổ đông có thêm quyền lực và đó là cách giữ thương hiệu Vissan phát triển bền vững”, ông Mười nói thêm.
Từng trải qua nhiều sóng gió từ khi về công tác tại Vissan, nên ông Mười tin rằng, không chỉ thực hiện cổ phần hóa thành công, mà Vissan sẽ thực sự mạnh hơn sau khi hoàn thành cổ phần hóa.
2
Nhớ lại, sau 4 năm trong quân ngũ, năm 1980, ông Văn Đức Mười bắt đầu làm việc ở Vissan với vị trí gác cổng.
Có lẽ khi đó, không ai nghĩ rằng, “ông gác cổng” lại có thể trở thành vị tổng giám đốc mang lại sức mạnh thương hiệu Vissan như bây giờ và khi đó, ông chẳng thể có suy nghĩ khác, chỉ có điều, hành trang quý giá và có lẽ là duy nhất luôn song hành cùng ông, đó là, “tố chất người lính, không cho phép đầu hàng trước bất cứ khó khăn hay thách thức nào”.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên trong dịp kỷ niệm 39 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, người lính Văn Đức Mười năm xưa đã bộc bạch rằng, khi khởi nghiệp, về Vissan với chiếc ba lô trên vai, ông nghĩ rất đơn giản, làm sao có công ăn việc làm. Thế nhưng, khi vào cuộc rồi thì ý chí của người lính, sự đam mê công việc đã hun đúc ý tưởng phải trở thành doanh nhân để có điều kiện xây dựng một công ty tốt hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
“Vissan từng có giai đoạn gần như phá sản, lúc đó tôi cầm cự ở đây và khẳng định rằng, nếu phải ra đi, tôi sẽ là người ra đi sau cùng”, ông Văn Đức Mười tâm sự.
Hỏi ông, ngoài niềm đam mê, động lực nào thôi thúc ông cống hiến và làm việc nhiều đến vậy. Vì lần nào có dịp gặp ông, cũng lại thấy ông đang say mê một kế hoạch đổi mới, đột phá gì đó.
Ông cười hiền: “Kinh doanh trong ngành thực phẩm, tôi chỉ ôm một tham vọng, có thể tham gia vào việc thay đổi thể trạng giống nòi của người Việt Nam. Tôi đã qua thời gian vất vả, khổ cực, thiếu thốn, nên luôn mong rằng thế hệ tương lai của xã hội phải cao lớn, khỏe mạnh như những người dân ở các nước phát triển”.
Đây là một phần quan trọng trong các kế hoạch phát triển sản phẩm mới của Vissan, kể từ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho tới chất lượng sản phẩm, định hướng người tiêu dùng. Phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, ngân hàng sản phẩm ra đời cũng từ tham vọng đầy trách nhiệm của người cựu chiến binh này.
3
Giờ đây, nhìn lại cả một chặng đường dài hơn 3 thập kỷ đã qua, kể từ khi về công tác tại Vissan, ông Mười phát hiện ra rằng, người lính Văn Đức Mười đã giúp Tổng giám đốc Văn Đức Mười rất nhiều trong kinh doanh. Ngay như triết lý kinh doanh của ông cũng vậy, đơn giản và đầy chất lính, đó là kiên cường và bám trụ, giải quyết đến nơi đến chốn mọi công việc.
“Cuộc đời người lính đã dạy cho tôi biết trân trọng cuộc sống và những gì đang có. Chính vì vậy, trước thách thức, khó khăn, tôi đủ bình tĩnh và bản lĩnh để nhận định tình hình, tìm cách vượt qua”, ông Mười nói.
Với tư cách là một nhà báo, tôi đã rất nhiều lần gặp và trò chuyện cùng ông, nhưng mãi đến bây giờ, sau ngần ấy năm và ngần ấy lần gặp gỡ, tôi mới nhận ra, điểm chung mà người lính và nhà kinh doanh đều luôn có trong mình, đó là, không bao giờ bỏ cuộc.