Để có được những thương hiệu đắt giá nhất trên thị trường như Apple, Microsoft đều bắt nguồn từ óc sáng tạo toàn diện đi đôi với tính khắt khe trước nhu cầu đứng nhất trên mọi mặt của các ông chủ Steve Jobs, Bill Gates.
Dưới đây là quan điểm về óc sáng tạo – sự tồn sinh trong thời đại mới của GS Phan Văn Trường, chuyên gia cao cấp lĩnh vực đàm phán quốc tế.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, người ta tưởng không bao giờ có doanh nghiệp vượt qua được các công ty dầu hỏa. Và đến những năm 70, người ta cũng nghĩ thế đối với các doanh nghiệp sản xuất xe ôtô. Tuy nhiên, các công ty dầu hỏa làm mưa làm gió trên thế giới, nhưng họ chỉ chơi trên phím “thao túng thị trường” bằng cách điều tiết cung cầu.
Vào năm 1975 xuất hiện hai nhân vật làm cách mạng công nghệ cho toàn thế giới. Từ một garage trong nhà riêng, với một cô thư ký, hai ông Bill Gates và ông Steve Jobs, mỗi ông một vẻ, sẽ làm đảo lộn thế giới trong tương lai.
Vậy cái gì làm cho Microsoft và Apple phát triển đều đặn đến ngày hôm nay? Apple nay là doanh nghiệp đắt giá nhất trên thị trường, trên cả các công ty dầu hỏa, ôtô hoặc bất cứ các công ty nào khác trên toàn cầu. Và cái gì làm cho Apple có khả năng bán 34.000 Iphone 6 mỗi giờ, với giá 700 USD cho những người phần đông thu nhập hàng tháng dưới con số đó?
Sức thu hút kinh khủng của một sản phẩm vô nhị, tự nó biến dạng mỗi 6 tháng để tiếp tục hấp dẫn mạnh hơn. Nó đã giết chết tất cả các máy smartphone từ Pháp, Đức, Nhật, Thụy Điển, Canada, nay cả Samsung Hàn Quốc cũng thấy lợi nhuận của họ xuống thấp… Tất cả những điều đó đều là nhờ óc sáng tạo. Nhưng đây là óc sáng tạo toàn diện, trên mọi lĩnh vực, chứ không hạn chế trong việc sáng chế sản phẩm mới.
Chẳng hạn như Steve Jobs, do sự hắt hủi của cuộc đời, và sự may mắn gặp một người cha nuôi phi thường mà ông đã được nung nấu thành một nhân vật phi thường. Sản phẩm của Steve Jobs, theo như ông, phải tốt nhất, thẩm mỹ nhất, chạy nhanh nhất, bền nhất, thân thiện nhất, nhiều chức năng nhất, ứng dụng nhiều nhất và hiệu quả nhất, giải trí tươi vui nhất, an toàn nhất, vận hành đơn giản nhất và cuối cùng sát gần người tiêu thụ nhất. Tức, cái gì cũng phải nhất.
Đây không phải là óc sáng tạo đơn thuần, mà là óc sáng tạo đi đôi với tính khắt khe không lùi bước trước nhu cầu đứng nhất trên mọi mặt. Đọc sách về cuộc đời của Steve Jobs mới hiểu được con người này không tự dung thứ khi chưa đạt được sự tuyệt hảo tuyệt đối. Chỉ có thái độ và phong cách đó mới cho phép tăng trưởng, bất chấp chu kỳ lên xuống của nền kinh tế.
Ngày nay sáng tạo là một việc tập thể: phải động viên và hòa hợp nhiều công nghệ khác nhau, làm việc nhóm là bắt buộc, đôi khi còn trở thành một nghệ thuật.
Và chúng ta cần lưu ý rằng, tư tưởng bị gò bó sẽ không thuận lợi cho việc sáng tạo. Ngày nay sáng tạo là một việc tập thể: phải động viên và hòa hợp nhiều công nghệ khác nhau, làm việc nhóm là bắt buộc, đôi khi còn trở thành một nghệ thuật. Các thành viên trong nhóm sáng tạo, bất chấp chức vụ phải làm việc trong tinh thần dân chủ không quan liêu, điều kiện không dễ đạt trong nhiều công ty.
Thời kỳ vàng son của Sony cách đây 30 năm họ đã chế ra đủ loại máy cho phép nghe nhạc trong mọi hoàn cảnh. Những máy này là cha đẻ của iPod, nhưng Sony đã mất dần ảnh hưởng từ khi óc sáng tạo của họ khô cạn.
Các chu kỳ của thế giới hiện nay đi rất nhanh, nên nếu chúng ta không tự học hỏi, bồi dưỡng liên tục và không ngừng sáng tạo thì chúng ta sẽ bị chậm. Nhìn về kinh tế Việt Nam, đến nay vẫn còn buôn bán những thứ thô như rừng, khoáng sản…, tức chúng ta không tạo ra giá trị cộng thêm cho sản phẩm, trong khi thế giới họ đã tiến ở một bước xa.
Về phía doanh nghiệp, tôi từng nói rằng, với cách làm việc như hiện nay thì sẽ rất nhiều doanh nghiệp thiếu vốn và rơi vào giải thể hoặc bị công ty nước ngoài thâu tóm và dường như nó đang diễn ra. Đây là điều rất lo lắng vì nó cực kỳ nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế lâu dài của Việt Nam.
Trong bất cứ lĩnh vực gì nếu không có óc sáng tạo thì về lâu dài sẽ chết. Và bất cứ công ty nào làm việc, mà chấp nhận rủi ro thì về lâu dài cũng sẽ chết.