Những cốc bia bốc khói

0
815

Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên mặt hàng bia rượu có thể thay đổi thói quen của một bộ phận người Việt?

Ngành bia rượu, một trong những lĩnh vực kinh doanh sôi động nhất Việt Nam, đang chịu sức ép lớn từ các động thái chính sách mới. Chiều ngày 26.11, đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1.1.2016 thay vì ngày 1.7.2015 như dự thảo đã cho ý kiến trước đó).

Theo đó, giữ mức tăng thuế suất mặt hàng rượu, bia như phương án Chính phủ trình nhưng điều chỉnh lộ trình thực hiện đối với bia bắt đầu từ ngày 1.1.2016 thay vì từ 1.7.2015 với mức thuế suất từ 50% hiện tại lên 65%. Còn đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1.1.2016, 60% từ 1.1.2017 và 65% từ 1.1.2018. Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ 1.1.2016 và 35% từ 1.1.2018 (thay vì tăng thuế suất từ 25% lên 35% từ 1.7.2015).

Tỉ suất lợi nhuận biên cao nhất trong ngành bia rượu thuộc về Heneiken

Khi mức thuế suất mới được áp dụng, giá bia trên thị trường chắc chắn sẽ tăng lên và có thể tác động đến tâm lý người tiêu dùng cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này.

Sản lượng tiêu thụ sẽ giảm?

Năm 2013, bia rượu là một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước với tổng thu 40.000 tỉ đồng. Theo ước tính của Bộ Tài chính, với mức thuế suất mới, ngân sách nhà nước sẽ tăng thu thêm được 7.800 tỉ đồng cho chỉ riêng năm 2016. Ngoài ra, việc này cũng sẽ giúp hạn chế nhu cầu tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam (hằng năm tiêu thụ 3 tỉ lít bia và hơn 68 triệu lít rượu các loại).

Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp hài lòng với chính sách thuế mới. Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Tổng công ty Bia Rượu Sài Gòn (Sabeco), thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 5% thì ngân sách nhà nước sẽ giảm đi 6%, chứ không tăng vì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại thị trường khi giá tăng.

Liệu lo lắng của ông Tuấn có hợp lý? Theo nghiên cứu của Euromonitor International, hệ số co giãn của cầu theo giá (một thước đo mức độ thay đổi của sản lượng tiêu thụ khi giá thay đổi) đối với sản phẩm bia tính trung bình trên toàn cầu vào khoảng – 0,51, tức khi giá bia tăng thêm 10% thì sản lượng tiêu thụ sẽ giảm đi 5,1% và nhìn chung thuộc loại mặt hàng ít co giãn. Thậm chí đối với các thị trường đang phát triển như Việt Nam, mức co giãn còn thấp hơn so với các thị trường phát triển.

Do đó, lo lắng của ông Tuất về khả năng doanh thu công ty sẽ giảm là chưa đủ cơ sở. Bởi lẽ, mức giá tăng sẽ bù đắp sự suy giảm của sản lượng tiêu thụ, ít nhất là trong vài năm tới khi văn hóa uống bia rượu của người dân khó thay đổi một sớm một chiều.

Một dẫn chứng khác cũng chứng tỏ thị trường bia rượu không dễ bị đánh gục bởi việc tăng thuế là các năm trước, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 40% lên 45% đã không ngăn được đà phát triển mạnh của thị trường. Vì thế, đối với nhà làm chính sách, có lẽ chỉ có mục tiêu tăng thêm nguồn thu là thực hiện được, còn mục tiêu hạn chế việc tiêu thụ rượu bia của người dân sẽ khó đạt được.

Tuy nhiên, một yếu tố có thể giúp hạn chế tốc độ tăng của thị trường là xu hướng năng lực sản xuất đang dần vượt qua năng lực tiêu thụ của thị trường. Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VietinBank, nguồn cung bia rượu có thể đã dư khoảng 10% so với nhu cầu hiện nay.

Văn hóa uống bia rượu của người dân khó thay đổi một sớm một chiều.

Với xu hướng mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như từ nguồn nhập khẩu, cung sẽ càng vượt cầu trong những năm tới, kèm theo đó mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt.

Cuộc chiến khốc liệt

Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu thụ bia rượu thuộc hàng cao nhất thế giới, nên lĩnh vực kinh doanh bia rượu phát triển rất nhanh ở đây. Theo Business Monitor International, tổng doanh thu các loại thức uống có cồn năm 2013 lên tới 171.000 tỉ đồng với tốc độ tăng trưởng trung bình năm giai đoạn 2009-2013 lên đến 17,61%. Tuy trong 5 năm tới, tốc độ này được dự báo sẽ chậm lại, nhưng cũng rất đáng kể: 11,19%/ năm.

Trong cơ cấu tiêu thụ sản phẩm, mặt hàng bia đang giữ vị thế thống trị so với rượu khi chiếm tới 98% tổng doanh thu toàn ngành năm 2013. Sự tăng trưởng mạnh của thị trường thức uống có cồn đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Hiện ngành có tới 229 công ty sản xuất và kinh doanh. Đó là chưa kể đến một lượng không nhỏ bia, rượu nhập khẩu, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Hiện tại, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang giữ thị phần lớn nhất với 47,5%. Công ty này cùng với Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Carlsberg và Nhà máy bia Việt Nam – VBL (đơn vị sở hữu các sản phẩm bia Heineken, Foster) đã chiếm hơn 90% thị trường bia rượu Việt Nam năm 2013.

Tuy vậy, trong thời gian tới, với việc mở rộng cửa hơn cho các sản phẩm nhập khẩu khi các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, sự thâm nhập của khối ngoại sẽ mạnh mẽ hơn, có thể sẽ khiến cục diện thị trường thay đổi.

Trước đó, hãng bia lớn nhất thế giới AB InBev đã phát tín hiệu sẽ mở nhà máy sản xuất bia Budweiser tại Việt Nam vào năm sau. Còn tập đoàn hàng tiêu dùng của Việt Nam Masan cũng bắt đầu tung ra thị trường thương hiệu bia Sư Tử Trắng, dù công suất thiết kế ban đầu mới chỉ khoảng 50 triệu lít/năm.

Sự cạnh tranh gay gắt này được dự báo sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành. Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VietinBank, tỉ suất lợi nhuận của ngành bia, rượu đang có xu hướng giảm dần dù doanh thu vẫn tăng trưởng mạnh.

Bằng chứng là tỉ suất lợi nhuận biên đã giảm từ 14,19% của năm 2010 xuống còn 10,24% vào năm 2013. Nguyên nhân là sự cạnh tranh quá lớn trên thị trường buộc các doanh nghiệp phải tăng chi phí marketing và hệ thống phân phối.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here