Nếu thành công, Gigafactory sẽ đưa Tesla trở thành bá chủ ngành công nghiệp sạch. Còn thất bại, công ty và 5 tỷ USD sẽ tan thành mây khói.
Một lần nữa, nhà phát minh – tỷ phú người Nam Phi – Elon Musk cho cả thế giới thấy sự chịu chơi của mình khi xây dựng nhà máy giữa sa mạc Nevada – nơi có nhiệt độ trung bình 40 độ C. Theo Musk, Tesla đang đặt cược toàn bộ tương lai của mình tại Gigafactory.
Khi hoàn thành, nó sẽ trở thành công trình có diện tích nền lớn nhất trên thế giới với 500.000 m2. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, lượng pin mà Gigafactory sản xuất sẽ cung cấp 150 gigawatt giờ mỗi năm, đủ dùng cho 1,5 triệu chiếc Model 3s.
Trong bản thiết kế, Gigafactory sẽ trải dài theo hướng Bắc – Nam, bằng diện tích của 107 sân bóng bầu dục cộng lại. Nhà máy có 5 tầng, tầng trên cùng là văn phòng, 4 tầng còn lại là nhà xưởng. Những hồ nước nhân tạo phục vụ cho việc xây dựng.
Chia sẻ về đứa con tinh thần với báo giới, Elon Musk không giấu vẻ thích thú khi nhận định: “Việc xây dựng thật tuyệt vời và có một chút lãng mạn, giống các bộ phim về miền Tây hoang dã”.
Thời điểm hiện tại, Gigafactory là mục tiêu quan trọng hàng đầu của Tesla. Không có nhà máy này, sẽ không có pin năng lượng, đồng nghĩa với việc những chiếc xe Model 3, Model 3s sẽ mãi nằm trong các bản thiết kế. Ngoài ra, trước vấn đề ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu trầm trọng của toàn thế giới, lượng pin do Tesla sản xuất không khác gì chiếc phao cứu sinh.
Musk cho rằng, “Gigafactory là một cỗ máy khổng lồ, sản xuất ra những cỗ máy khác (ôtô điện). Nó quan trọng hơn rất nhiều so với những sản phẩm mà nó tạo ra”. Đồng thời, vị CEO đề cao công việc của các kỹ sư khi không ngừng nghiên cứu cải thiện hiệu suất làm việc của nhà máy.
Không chỉ có Tesla, cả Panasonic và các OEM khác đang đầu tư để xây dựng dây chuyền sản xuất pin ngay trong Gigafactory – mối quan hệ chủ nhà/người thuê trong ngành công nghiệp.
Đại diện Panasonic – Yoshi Yamada cho biết: “3 năm trước, khi dự án Gigafactory lần đầu được công bố, tôi đã nghĩ nó thật điên rồ. Hiệu suất của nhà máy này vượt quá tổng sản lượng của cả ngành công nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cộng lại. Tuy nhiên tôi biết mình đã sai sau khi chứng kiến sự thành công phi thường của Model 3 và nhu cầu năng lượng cho mẫu xe này”.
“Tesla và Panasonic đang cùng chung chí hướng khi cố gắng tạo ra một thế giới bền vững. Mối quan hệ kinh doanh giữa hai công ty cũng đang dần thay đổi, từ mua – bán, trở thành người một nhà”.
Tất cả các quy trình từ thiết kế, sản xuất, lắp đặt đều diễn ra trong nhà máy này. Điều này giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển và tránh để xảy ra tình trạng hàng tồn kho.
Nguyên liệu được đưa vào từ cửa phía nam, thành phẩm là pin năng lượng được đóng gói và xuất xưởng ở cửa phía bắc. Tất cả công đoạn được thực hiện bởi gần 10.000 nhân viên và robot thông minh Fanuc. Thép và các nguyên, vật liệu được chế tạo tại Mỹ, không có bất cứ thành phần nào có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao nhà máy lại được xây dựng ở đây, giữa một hoang mạc ở Nevada? Thậm chí Tesla còn liên kết với trường Đại học Nevada để mở các lớp học kỹ thuật liên quan đến chế tạo pin nhằm phát triển nguồn nhân lực cho công ty.
Về phía chính quyền, một dự án về cơ sở hạ tầng đang được triển khai, kết nối các khu công nghiệp nơi đặt Gigafactory với tuyến đường 50 chạy thẳng về phương Nam. Giả thiết cho rằng, chính điều này mang lại lợi ích cho cả Tesla và các công ty xung quanh.
Tham vọng của Elon Musk khi khởi công Gigafactory không chỉ dừng lại ở đó, hãng còn muốn sản xuất các thiết bị dự trữ năng lượng khổng lồ cho các khu chung cư, tòa nhà thương mại với giá thành thấp nhất có thể. Hai sản phẩm Powerwall và Powerpack dùng cho căn hộ thông minh cũng đang được sản xuất tại đây. Theo Musk sự thành công mang cấp số nhân của những sản phẩm này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Gigafactory sẽ là một phần không thể thiếu của quả tên lửa mang tên Tesla. Nếu thành công, nó sẽ đưa công ty đến ngôi vị bá chủ trong nền công nghiệp năng lượng sạch. Nếu thất bại và nổ tung, 5 tỷ USD sẽ tan thành mây khói, nó sẽ tiêu diệt Tesla, hủy hoại toàn bộ công ty, biến giấc mơ của Musk trở thành cơn ác mộng.
Tuy nhiên, tham vọng về một hành tinh xanh, không còn ô nhiễm cũng đáng để chúng ta mạo hiểm, đúng không?