Người đứng sau thương vụ kỷ lục của ngành bia thế giới

0
678

Đứng đầu tập đoàn bia lớn nhất thế giới, Carlos Brito là một lãnh đạo bí ẩn và hà khắc phía sau ngoại hình tưởng chừng rất giản dị, bình dân.

“Nếu muốn điều tốt nhất ở các nhân viên, bạn phải luôn luôn tạo áp lực lên họ”, Bloomberg dẫn lại lời ông chủ người Brazil của tập đoàn bia lớn nhất hành tinh Anheuser-Busch InBev NV (viết tắt là AB InBev) phát biểu trước một căn phòng đầy sinh viên tại Trường kinh doanh Stanford năm 2010.

Được mệnh danh là ông vua bia, Carlos Brito (55 tuổi) đã thực thi phương châm này trong suốt những năm tháng điều hành tập đoàn bia chiếm tới 25% thị phần thế giới. Phong cách quản trị nghiêm khắc đã tạo nên thành công về lợi nhuận khiến ngành bia toàn cầu phải kính nể. Dưới thời ông, số lượng cổ đông quay lại nhiều gấp đôi những thời lãnh đạo khác.

Là ông chủ hãng bia lớn nhất và cũng là triệu phú, Brito lại sở hữu phong cách giản dị khi luôn mặc quần jeans đến công sở, không thích đóng khung trong văn phòng và chuộng khoang phổ thông khi đi máy bay.

Những ai xa lạ khi gặp người đàn ông có vẻ ngoài bình dân đó không bao giờ tưởng tượng được rằng đây là nhân vật vừa chốt hợp đồng trị giá 106 tỷ USD để mua lại hãng bia Anh quốc SABMiller. Sau bốn tháng kiên trì theo đuổi thương vụ, lời đề nghị của Brito đã được công ty bia Anh chấp nhận vào hôm thứ Ba vừa rồi.

Thương vụ cũng là kết quả của áp lực mà Brito tự đặt ra cho mình và các nhân viên, trong bối cảnh doanh thu tại một số thị trường chủ chốt như Mỹ, Brazil suy giảm, khiến giá cổ phiếu mất 15% trong 6 tháng qua. Với vụ sáp nhập này, hãng bia sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường châu Phi đang lên nhanh, nơi có khoảng 65 triệu khách hàng tiềm năng sẽ bước vào độ tuổi được uống bia vào năm 2023.

“Carlos Brito là một trong những người chăm chỉ nhất mà tôi từng có cơ hội gặp gỡ”, David “Bump” Williams – người điều hành hãng tư vấn ngành bia ở Shelton, bang Connecticut nói với Bloomberg. “Ông không phải là người có thể cùng bạn đi xem một trận đấu bóng và hai người chia chung chai bia, nhưng khi đụng tới chuyện công việc, rất ít ai làm tốt hơn ông”.

Các lãnh đạo của hãng bia Anh SABMiller sẽ sớm cảm nhận được những áp lực mà ông chủ mới Brito tạo ra và họ cứ thử hỏi bất cứ lãnh đạo lâu năm nào trong công ty thì rõ. Ví dụ hồi 2008 khi Brito thực hiện vụ sáp nhập InBev với công ty bia Mỹ và cũng là một nửa cái tên của hãng hiện nay – Anheuser Busch, ông đã sa thải 1.400 người, tương đương 6% số nhân viên. Quan điểm của ông là cắt giảm sẽ giúp đội ngũ nhân sự trẻ có cơ hội hơn, phù hợp với phương châm lấy kết quả làm động lực của ông.

Đây là mô hình mà ông đã học từ người bạn 76 tuổi của mình – tỷ phú giàu thứ 26 thế giới Jorge Paulo Lemann. Chính Lemann là người đã chi trả chi phí học hành ngành kinh doanh cho Brito và từ đó đóng vai trò là người cố vấn cho ông chủ hãng bia.

Những cấp dưới trực tiếp của Brito, ví dụ Giám đốc tài chính hay Giám đốc bán hàng đều ngồi làm việc quanh một cái bàn lớn tại trụ sở công ty tại Đại lộ Park, New York. Điều này hoàn toàn khác so với các công sở diêm dúa với những căn phòng êm ái dành riêng cho sếp đóng đô quanh khu vực Manhattan sầm uất.

Tại sao phải giải phóng không gian? “Đó là để dòng chảy thông tin luôn được chuyển động”, Brito nói. “Chúng tôi có sự kết nối ngay lập tức với những cuộc họp ngắn chỉ hai phút vòng quanh chiếc bàn. Nhiều công việc được giải quyết ngay lập tức. Không có chỗ nào để giấu giếm bất cứ cái gì”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here