“Nghịch lý Apple”: Sản phẩm bị chê, lợi nhuận vẫn cao

0
694

Sản phẩm gắn mác Táo luôn chịu rất nhiều “gạch đá”, thậm chí là “gạch đá” hoàn toàn chính xác nhưng vẫn mang về cho hãng này lợi nhuận áp đảo. Lý do không phải là vì “người tiêu dùng ngớ ngẩn” như bạn vội nghĩ.

Đã từng gắn bó với một chiếc W995 cho đến tận sau khi Steve Jobs qua đời, tôi hiểu cảm giác khó chịu khi thấy mọi người xung quanh cứ phát cuồng vì một chiếc điện thoại có pin chưa đầy một ngày như iPhone.

Ở thời điểm hiện tại, tôi biết nhiều người vẫn luôn khinh ghét iPhone vì không có vi xử lý lõi tứ, không có kết nối NFC, không có cảm biến hồng ngoại, không có khả năng chống nước…

Nếu bạn lắng nghe những ý kiến chỉ trích nhắm vào Apple nhan nhản trên mạng, bạn sẽ thực sự thấy ngạc nhiên vì làm sao mà Apple có thể đạt tới tầm trị giá 700 tỷ USD nếu như cứ liên tiếp ra mắt những sản phẩm bị rất nhiều người chê là ngớ ngẩn???

Ví dụ, trên 9GAG ít nhất một tuần một lần tôi lại đọc được một bức ảnh meme giễu cợt máy Mac vì cấu hình quá đắt so với tầm giá nhưng lại tuyệt đối không thể chơi được game. Một công ty sản xuất ra các thiết bị như vậy rõ ràng là nên phá sản từ lâu chứ không thể đứng đầu thế giới về giá trị vốn hóa. Thật là nghịch lý!

Nhưng từ “nghịch lý” luôn được thốt ra bởi những người không thể nhìn thấy tất cả mọi lý do đằng sau sự việc. Và trước khi bạn thốt lên những bình luận “trẻ trâu”, tôi cần phải chỉ ra rằng nếu đã đi làm, bạn sẽ gặp rất nhiều iFan là lãnh đạo doanh nghiệp, là bác sĩ kỹ sư hay là chuyên viên công nghệ. Họ không xuẩn ngốc như những gì những fan cuồng chọn-smartphone-làm-danh-dự muốn nghĩ.

Vậy thì lý do có phải là vì Apple đã ra mắt nhiều sản phẩm tiên phong như iMac, iPod, iPhone, iPad và MacBook Air? Đúng là như vậy. Nhưng để các sản phẩm này thành công, Apple cần phải chọn lựa một tầm nhìn chuẩn xác nhất.

Và những người chỉ trích Apple thường nằm ngoài tầm nhìn của Táo.

iPhone: Không duyệt được email, pin chưa nổi một ngày

Trước hết, hãy cùng nhắc lại về sản phẩm cho đến nay vẫn là nguồn sống chủ chốt của Apple. Khi chiếc smartphone này ra mắt vào năm 2007, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt iPhone vì không có trình duyệt email chất lượng cao và không có bàn phím vật lý chất lượng như BlackBerry. So với “đỉnh cao” Nokia N95, iPhone không chỉ thiếu tính năng mà còn có thời lượng pin dở ẹc.

8 năm sau, iPhone tiếp tục giúp cho Apple chiếm tới 90% lợi nhuận của toàn bộ ngành sản xuất smartphone. BlackBerry thì sống dở chết dở từ tận 2013. Nokia đã trở thành dĩ vãng từ lâu.

Vậy những người đã hết lời chỉ trích chiếc iPhone 2007 có đúng không? Có, họ hoàn toàn đúng. Chất lượng bàn phím vật lý của BlackBerry và trải nghiệm email trên smartphone của Dâu đến nay vẫn được đánh giá là số 1.

Nhưng những lời phàn nàn ấy không mấy ý nghĩa với đại đa số người tiêu dùng. Lý do là bởi chỉ với riêng những người dùng chuyên nghiệp cần dùng smartphone cho công việc thì tính năng email hay bàn phím vật lý, bút stylus mới là thực sự quan trọng. Ngược lại, khả năng xem YouTube, lướt web trên màn hình 3.5 inch hay nghe nhạc ở đẳng cấp iPod đã khiến đại đa số người tiêu dùng phổ thông của năm 2007 choáng ngợp.

iPhone thành công nhờ chinh phục được thị trường phổ thông siêu màu mỡ. Đây không phải là sản phẩm dành cho số ít người dùng chuyên nghiệp vốn đã gắn liền chiếc smartphone trước 2007, mà là sản phẩm đánh vào thị trường smartphone phổ thông hàng chục tỷ đô vốn chưa có nhà sản xuất nào khai thác được. Dù pin chưa nổi một ngày hay không có kết nối 3G thì trải nghiệm smartphone màn hình cảm ứng cỡ lớn hoàn toàn mới cùng phần mềm chau chuốt và dễ sử dụng rõ ràng là đã thừa đủ để khiến đông đảo người dùng phải ao ước.

Còn email ư? Rất nhiều năm rồi Apple, Google và Microsoft chẳng hề đem ứng dụng email mặc định ra để tung hô cho hệ điều hành của mình. Nếu email có ý nghĩa cạnh tranh thì Google cũng đâu có mang ứng dụng Gmail chất lượng cao lên iOS?

Đừng dùng nhu cầu của mình đánh giá thay cho người khác

Bản chất của sự việc ở đây là rất rõ ràng: những lời chỉ trích nhắm vào các sản phẩm cách mạng của Táo có thể là đúng 100% nhưng vẫn chẳng hề động chạm một chút nào tới chìa khóa thành công của Steve Jobs. Nếu bạn đem nhu cầu của riêng mình áp lên tất cả những người khác, bạn sẽ không thể hiểu được vì sao Apple thành công.

Ngay cả những chiếc máy Mac cũng là minh chứng cho điều đó. Ai cũng biết trải nghiệm game trên Mac quá dở so với trải nghiệm game trên PC, nhưng hãy hỏi bất cứ người dùng Mac nào xem lý do họ mua PC của Apple có phải là để chơi game đỉnh hay không?

Không! Họ mua máy Mac vì cần một trải nghiệm hệ điều hành dễ sử dụng và ít lỗi. Họ mua máy Mac vì nhiều phần mềm chuyên dụng (ví dụ như Photoshop) hoạt động mượt mà, ổn định trên Mac OS X hơn là trên Windows.

Họ mua máy Mac vì màn hình Retina giúp ích cho họ rất nhiều trong khâu chỉnh sửa ảnh và thiết kế web nhờ độ trung thực màu sắc thuộc hàng “top” trong tất cả các nhà sản xuất. Ngay cả các startup tại Thung lũng Silicon cũng lựa chọn Mac nhờ khả năng kết hợp hợp lý giữa sức mạnh xử lý, thiết kế, độ ổn định và khả năng di động.

Bạn phải thực sự trải nghiệm những công việc này trên Mac mới hiểu được giá trị của Mac.

Những chiếc MacBook cũng không hề đắt so với những chiếc laptop mang cùng một tầm nhìn. Sau khi Steve Jobs gây sốc với chiếc MacBook Air, rất nhiều nhà sản xuất Windows cũng đã ra mắt những chiếc laptop siêu mỏng không phục vụ cho game thủ nhưng vẫn có giá nghìn đô. Những điểm mạnh của những chiếc laptop này như thiết kế đẹp, mỏng nhẹ và pin “trâu” cũng chính là những điểm mạnh do chiếc MacBook Air của Steve Jobs khai phá.

Hãy thử nghĩ xem vì sao khi bạn đi mua thuốc đau bụng không có ai hỏi bạn “Tại sao anh lại mua thuốc đau bụng mà lại không mua thuốc đau đầu?”. Giễu cợt Mac vì không chơi được game cũng lố bịch như vậy đấy.

Có gì khó hiểu khi iPad giết chết netbook không?

Chiếc iPad cũng là một ví dụ cho thấy những người chỉ trích sản phẩm Apple là ngớ ngẩn thường không đủ tầm nhìn để hiểu vì sao Apple lại thành công. Ở thời điểm năm 2010, iPad làm được gì thì laptop cùng kích cỡ cũng làm được.

Nếu đứng từ góc độ tính năng thì mua iPad thay vì mua laptop sẽ là thực sự ngớ ngẩn, nhưng nhìn từ góc độ trải nghiệm thì mọi thứ lại hoàn toàn khác. Đầu tiên, iOS giúp cho trải nghiệm iPad dễ dàng và trực quan hơn một chiếc laptop chạy Windows 7 rất nhiều.

Tiếp đó, cầm chiếc tablet gọn nhẹ để đọc sách, lướt web, xem YouTube, chơi game casual sẽ dễ chịu hơn hay là đặt laptop lên đùi (hoặc lên… bụng, nếu bạn đang nằm trên giường) là dễ chịu hơn?

Trải nghiệm > Tính năng

Chính bởi tập trung vào trải nghiệm mà Apple dễ dàng đạt thành công tỷ đô dù thiếu đi những tính năng tưởng chừng như rất căn bản như copy paste (cho đến tận iOS 4) hay bàn phím bên thứ 3 (cho đến tận iOS 8). Rõ ràng, chạy theo tính năng không phải là chiến lược sống còn trên các sản phẩm điện toán dành cho số đông.

Các nhà sản xuất đã luôn dùng các tính năng mới lạ để nhử các iFan từ bỏ trải nghiệm iPhone và rồi thất bại, bởi đơn giản là phần đông trong số này không đủ ý nghĩa để đánh bại trải nghiệm hoàn thiện gắn với hình ảnh Táo.

Hãy cùng suy nghĩ lại về kết nối NFC đã có mặt phổ biến trên Android từ tận năm 2012 và phải tới năm 2014 mới đặt chân lên iPhone. Cho đến tận bây giờ, tính năng này thực sự giúp ích gì nhiều cho người dùng smartphone Android? Trong phần lớn các trường hợp, bạn sẽ dùng NFC để kết nối với các thiết bị Bluetooth chưa ghép đôi trước đó – nhưng bạn có thật sự có nhiều thiết bị Bluetooth chưa ghép đôi đến mức NFC trở nên hữu dụng?

Người dùng Android có thể chỉ ra một điểm vượt trội khác là tính năng Beam có từ Android 4.0 để copy file nhanh, nhưng Apple cũng có AirDrop để chia sẻ dữ liệu rất nhanh và tiện lợi.

Phải đến tận khi NFC tìm được mục đích tồn tại thực sự hợp lý là chi trả di động thì công ty của Tim Cook mới đưa kết nối này lên iPhone.

Ars Technica chê đúng. Nhưng những tính năng thiếu hụt bị đem ra chê bai có đủ để đánh bại trải nghiệm hoàn thiện của iPhone?

Có vô số ví dụ tương tự cho chúng ta suy ngẫm. Đúng là cảm biến hồng ngoại trên smartphone sẽ giúp tăng mức độ hữu dụng, nhưng có bao nhiêu người thực sự cần điều khiển TV bằng điện thoại? Nút Home ảo để làm gì khi xu hướng mới là tích hợp cảm biến vân tay vào nút Home – lựa chọn do Apple tiên phong?

Đưa DPI lên mức 400, 500 có thực sự ý nghĩa khi mức 330 đã là đủ sắc nét cho mắt người? Chưa kể, mù quáng chạy theo độ phân giải “khủng” sẽ chỉ khiến smartphone đốt pin mà chẳng tạo ra được khác biệt nào cả.

Đặc biệt, lời chỉ trích nông cạn nhất mà chiếc iPhone đang phải đón nhận là sự vắng mặt của vi xử lý lõi tứ. Các fan cuồng Android tự hào khẳng định họ “sành công nghệ” và rằng chip lõi tứ sẽ phục vụ nhu cầu của họ tốt hơn là chip lõi kép, nhưng bao nhiêu người trong số này đủ kiến thức để hiểu rằng nếu các nhà phát triển không tạo luồng (thread) khi code ứng dụng thì chip đa nhân cũng chẳng để làm gì cả? Khi phần lớn các ứng dụng đều có phiên bản iOS trước rồi mới được port lên Android, sẽ chẳng có mấy ứng dụng tận dụng được 4, 8 và… 10 nhân của smartphone Android.

Lõi kép load xong rồi, lõi tứ vẫn… lề mề.

Dĩ nhiên, sẽ có lúc Apple phải đưa iPhone và iPad lên lõi tứ, nhưng khi Apple làm vậy thì chắc chắn cộng đồng nhà phát triển của Apple sẽ hưởng ứng. Còn tại thời điểm hiện tại, hãy thử tìm trên YouTube các đoạn video so sánh trải nghiệm load game, load ứng dụng giữa iPhone 6s và LG G5 hay Galaxy S7. Bạn sẽ thấy sự vượt trội về hiệu năng của iPhone mới thực sự là “nghịch lý”. Đừng so sánh số nhân, hãy so sánh thứ duy nhất mà bạn có thể cảm nhận: độ mượt của trải nghiệm.

Thúc đẩy công nghệ tiến về phía trước

Cũng có những lúc việc Apple cố tình cắt giảm tính năng sẽ gây khó chịu cho người dùng, nhưng đó lại là những đòn bẩy cần thiết để thúc đẩy công nghệ đi về phía trước. Bạn có biết iMac 1997 đã bị chê bai vì loại bỏ ổ đĩa mềm nhưng lại có 2 cổng USB? Chính vì vậy mà USB mới trở nên phổ biến. Bạn có nhớ Steve Jobs bị ném đá vì Safari trên iPhone không hiển thị được flash? Sự thật là phải làm như vậy thì công nghệ Flash vốn bị coi là thảm họa về bảo mật mới bị đẩy lùi về quá khứ cho các nền tảng web như HTML5 thay thế.

Hãy chọn cho mình góc nhìn đúng đắn và sâu sắc

Tôi biết bạn sẽ quy chụp tôi là một fan cuồng của Apple, nhưng sự thật tôi rất biết ơn Samsung vì đã thực sự cách mạng hóa chiếc smartphone khi tiên phong cho 2 công nghệ phablet và màn hình dẻo. Tôi rất phấn khích về khả năng mở rộng module được LG hoàn thiện trên G5. Và tôi cũng có thể kể ra cho bạn vô số những sai sót đáng trách của Táo, ví dụ như Apple Maps hay cách hoạt động quá hạn chế của iCloud.

Nói như vậy có nghĩa rằng nếu có ném đá Apple thì cũng hãy ném đá đúng chỗ. Để “ném trúng”, hãy đặt câu hỏi liệu những thiếu hụt trên sản phẩm Táo có khiến cho trải nghiệm của bạn trở nên thực sự khác biệt hay chỉ phục vụ tốt nhất cho mục đích… marketing như màn hình 2K hay kết nối NFC?

Nếu câu trả lời của bạn là “Có, có tạo ra trải nghiệm khác”, hãy tiếp tục nghĩ sâu hơn: một trải nghiệm làm vừa lòng bạn có khiến cho đông đảo những người khác vừa lòng? Bạn có biết tại sự kiện GDC người ta đã đưa ra khẳng định rằng “Ai có trên 10 tựa game trên Steam thì cũng không mấy ý nghĩa với ngành công nghiệp game 99,3 tỷ USD”? Bạn có biết ngay cả một ứng dụng email siêu sáng tạo như Mailbox của Dropbox cũng đi vào chỗ chết, trong khi những ứng dụng đơn giản đến ngớ ngẩn như Angry Birds, Instagram và WhatsApp siêu thành công?

Cái tài của Steve Jobs là ở đó. Ông hiểu chìa khóa dẫn tới trái tim (và ví tiền) khách hàng không phải là những sản phẩm nhồi nhét tính năng để làm vừa lòng tất cả các fan cuồng quá khích, mà là những trải nghiệm thực sự mới mẻ để khiến người dùng phổ thông phải ngỡ ngàng. Với chìa khóa đó, Apple đã trở thành công ty đầu tiên đạt trị giá vốn hóa 700 tỷ USD, kể cả khi không chinh phục được những người chiếm số ít như bạn.

Đó có phải là nghịch lý?

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here