Nội Dung Chính
Dù được nhìn nhận là đã “cán đích” thành công trong năm 2016, nhưng trước mắt các nhà điều hành chính sách tiền tệ còn rất nhiều thử thách, khi độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, lại “mở” vào một thế giới ngày càng bất định.
Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, ngành ngân hàng năm qua còn mất thời gian chuyển giao “ghế nóng”, nhưng khách quan mà nói, công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 vẫn khá thành công. Không chỉ làm tốt trọng trách kiểm soát lạm phát dưới 5%, điều hành chính sách tiền tệ năm qua còn có những điểm sáng khác.
Tín dụng đây, mà GDP đi đâu?
Điểm sáng thứ nhất, lãi suất giảm. Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% với nhu cầu vốn đầu tư trung và dài hạn lớn, điều chỉnh tăng kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ từ 250 ngàn tỷ đồng lên 281 ngàn tỷ đồng… gây sức ép không nhỏ tới việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì thế, dù NHNN đã sử dụng nhiều giải pháp điều hòa vốn, đưa ra lộ trình cho các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện quy định sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn… nhưng thị trường vẫn không ngừng biến động với hiện tượng các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động liên tục trong những tháng đầu năm. Từ cuối tháng 9/2016, sau nhiều giải pháp (cả thị trường và mệnh lệnh hành chính) một số ngân hàng lớn đã giảm lãi suất huy động 0,3 – 0,5%, từ đó lãi suất cho vay giảm 0,5 – 1% so với đầu năm 2016.
Dự báo tốt và kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp để duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục là thách thức lớn.
Thứ hai, về điều hành tỷ giá. Cách thức điều hành tỷ giá mới theo phương thức tỷ giá trung tâm, được NHNN công bố hàng ngày, linh hoạt theo 8 đồng tiền trong rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ và đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam chứ không chỉ “neo” vào đô la Mỹ như trước đây. Cơ chế linh hoạt này khiến giới đầu cơ không có đất diễn, từ đó giảm áp lực lên doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại. Với Brexit hồi tháng 6/2016, bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016, hay FED tăng lãi suất tháng 12/2016… đến tận những ngày cuối cùng của năm 2016, đồng bạc xanh vẫn tiếp tục lên giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới. Trong bối cảnh đó, việc đồng Việt Nam mới chỉ mất giá 1,1 – 1,2% và con số ấn tượng 41 tỷ USD của Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia là minh chứng rõ nét cho sự thành công của NHNN trong điều hành tỷ giá năm 2016.
Thứ ba, tăng trưởng tín dụng trải đều qua các quý trong năm và đạt khoảng 18,5% – nằm trong kế hoạch của nhà điều hành. Năm 2016 người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì hết hạn hán lại đến lũ lụt, rồi sự cố môi trường biển tại các tỉnh ven biển miền Trung… NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng. Đồng thời giảm, giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, trong năm 2016 ngành ngân hàng đã tổ chức hơn 600 cuộc hội nghị, đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố. Các ngân hàng đã cam kết cho vay mới đạt trên 920 ngàn tỷ đồng, với lãi suất cho vay ngắn hạn 6 – 9%; trung và dài hạn 9 – 11%/năm…
Tín dụng vẫn đạt kế hoạch, nhưng năm nay GDP chỉ tăng 6,21%, thấp hơn so với mục tiêu 6,7%. Điều này là do trong năm 2016 chúng ta đã gặp quá nhiều tác động bất lợi. Nhưng lâu nay vốn tín dụng vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thường gắn liền với chỉ tiêu tăng GDP. Tín dụng vẫn tăng mà GDP không tăng như kỳ vọng. Đây là dấu hiệu cảnh báo cho vấn đề hiệu quả vốn tín dụng và nguy cơ nợ xấu tăng trong thời gian tới.
Trong bung ra, ngoài ép vào
Lãnh đạo NHNN đã nêu rõ: linh hoạt, hướng tới ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý… là mục tiêu tổng quát của chính sách tiền tệ trong năm 2017.
Áp lực lớn nhất đối với NHNN là tiếp tục đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 ở mức 6,7%; đồng thời kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Đây vốn là “nhiệm vụ bất khả thi”, nhưng năm 2017 còn khó khăn hơn, bởi GDP 2016 tăng trưởng thấp, trong khi nguy cơ lạm phát tăng ngày càng lớn. Không những thế, ngành ngân hàng còn phải giảm mặt bằng lãi suất trung và dài hạn để thúc đẩy sản xuất theo sự chỉ đạo của Chính phủ.
Để đạt được mức tăng trưởng GDP như kỳ vọng thì tín dụng sẽ phải tăng tương ứng. Nhưng năm 2016, một lượng lớn tín dụng đã được đưa vào các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ; chưa kể các chương trình tín dụng chính sách… Nhưng đây lại chính là đối tượng khách hàng chịu nhiều thiệt hại vì thiên tai năm 2016. Nếu họ không gượng dậy được mà theo chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục hỗ trợ thì e rằng nợ xấu sẽ càng tăng.
Trong khi đó, một trong 7 nhiệm vụ cấp bách mà Thủ tướng Chính phủ nêu trong năm 2017 là xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của nền kinh tế một cách căn bản, triệt để; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo… Do đó, ngành ngân hàng sẽ phải sớm triển khai quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 -2020, trong khi nội dung này hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng. Chưa kể, từ ngày 1/1/2017, Bộ luật Dân sự mới sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến ngành ngân hàng như: về tài sản và quyền đối với tài sản; về giao dịch dân sự và hợp đồng dân sự; lãi suất và các quy định liên quan đến lãi suất… nên sẽ cần có văn bản hướng dẫn đối với các vấn đề này. Và cũng đã đến lúc NHNN phải xem xét đến việc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng để đảm bảo tính đồng bộ với Bộ luật Dân sự và giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế.
Năm 2017, Việt Nam cũng như nhiều nước trên tế giới sẽ chịu không ít tác động từ thay đổi cả về chính trị đến kinh tế, quân sự trên thế giới. Dự báo tốt và kịp thời đưa ra những quyết sách, giải pháp phù hợp để duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối và tỷ giá sẽ tiếp tục là thách thức lớn cho nhà điều hành. Tháng 4/2016, Thống đốc Lê Minh Hưng mới chính thức nhậm chức. Năm 2017 với nhiều khó khăn, thách thức cũng là cơ hội để ông – vị Thống đốc trẻ nhất trong lịch sử 65 năm ngành ngân hàng – cho thấy sự khác biệt trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia của mình.