Nội Dung Chính
Doanh số và lợi nhuận đã tăng lên
Tại trung tâm nghiên cứu, phát triển (R&D) và hỗ trợ khách hàng nội địa của Công ty tại Banglore, Ấn Độ, Antonio Neri, CEO của Hewlett Packard Enterprise Co. – HPE (HP hiện được chia tách thành HP Inc. và HPE. HP Inc. phụ trách mảng tiêu dùng và HPE phụ trách mảng doanh nghiệp) được chào đón nồng nhiệt. 4.000 nhân viên đứng dưới một ngôi lều trong cái nóng tháng 3 như thiêu như đốt trong suốt 2 giờ đồng hồ. Đeo trên cổ chiếc vòng vàng truyền thống trên nền áo comple màu tối, trên khuôn mặt Neri là một nụ cười thân thiện, dễ gần, đáp lại sự nhiệt tình của hàng ngàn nhân viên.
Hơn 6 tháng sau khi ông chính thức thay Meg Whitman ở vai trò CEO, Neri đã nhận được sự chào đón kiểu siêu sao như thế tại các văn phòng của HPE trên khắp châu Á, châu Âu và những nơi khác. Đó không chỉ là kiểu chào đón nồng nghiệt cần có đối với một vị lãnh đạo khi họ ghé thăm, mà nhân viên dường như thực sự bị thuyết phục khi Neri tuyên bố HPE đang bước vào một thời đại mới, nắm trong tay những vũ khí, những công cụ mà Hãng cần để thành công.
“Làm cho Công ty đã hơn 20 năm, tôi biết tất cả hệ thống và mọi quy trình, cái nào tốt, cái nào tệ. Nhưng tôi có một cơ hội độc đáo để đưa Công ty lột xác”, Neri phát biểu tại hội nghị của HPE ở Las Vegas vào tháng 6 vừa qua.
Neri có nhiều thứ phải chứng minh. Vị CEO ít ai biết đến này chủ yếu vẫn đi theo “danh mục sản phẩm” của người tiền nhiệm – bán máy chủ, phần cứng lưu trữ và thiết bị mạng mà không còn cần thiết trong thời đại điện toán đám mây.
Dell Technologies Inc. và các gã khổng lồ trong ngành đám mây như Amazon.com, Microsoft, Google đã cướp lấy khách hàng của HPE và họ đang tận lực hơn nữa để cướp lấy số khách hàng còn lại. HPE đã cắt giảm mạnh chi phí, việc làm và đang rên rỉ dưới sức ép của món nợ gần 14 tỉ USD.
Mặc dù HPE đã thực hiện một số thương vụ M&A và các khoản đầu tư nhỏ trong suốt 2 quý đầu tiên dưới trướng của Neri, nhưng vốn hóa thị trường đã giảm khoảng 8%, còn chỉ 24 tỉ USD.
Doanh số bán và lợi nhuận đã tăng lên và Neri đã tiếp tục duy trì chiến lược mua lại cổ phiếu quỹ và cổ tức cao của Whitman, nhưng giá cổ phiếu đã giảm mạnh sau khi ông cho biết trong một cuộc họp báo cáo lợi nhuận vào tháng 5 rằng “6 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian đầy thách thức”. Canh bạc đặt cược của HPE vào các xu hướng kỹ thuật tương lai vẫn còn một quãng đường dài mới xác định có thành công hay không.
Tuy nhiên, vị CEO này vẫn luôn tin tưởng vào tương lai đó. Ở tuổi 51, ông đã làm cho Công ty được 23 năm, trải qua rất nhiều giai đoạn trong lịch sử của HP, cả những khi tăng trưởng đến những lúc thoái trào, những lúc tuyệt vọng. Ông cho biết “HP chưa bao giờ ngừng cải tiến”, thậm chí trong suốt giai đoạn chia tách năm 2015, thời khắc lớn nhất trong lịch sử của doanh nghiệp này.
Whitman cho biết bà đã thấy công việc của bà vẫn tiếp tục được Neri triển khai trong suốt những tháng đầu tiên ông tại nhiệm. Nhưng nhà đầu tư muốn biết: Sẽ còn mất bao lâu nữa mới thành công? Liệu những công việc đó đã đủ? Và quan trọng là Neri có thể đảm đương sứ mệnh vực dậy HPE trong bối cảnh công ty này vẫn đang mày mò đâu là xu hướng của tương lai?
Chưa biết tương lai thế nào nhưng ít nhất Neri hiểu rất rõ tường tận nội tình của Công ty, biết đâu là thế mạnh và đâu là điểm yếu cần khắc phục. Một phần bởi vì ông kinh qua gần như tất cả mọi công việc trong Công ty. Từ dịch vụ khách hàng, ông leo lên mảng in, rồi điều hành các dịch vụ cho bộ phận máy tính, dẫn dắt mảng các dịch vụ, lãnh đạo bộ phận máy chủ và thiết bị mạng, từng kinh qua bộ phận doanh nghiệp trước khi được cất nhắc lên làm Chủ tịch, cuối cùng là vị trí CEO.
Đó không phải là những năm tuyệt vời cho HP cũng như các CEO của nó. Hội đồng Quản trị đã sa thải Carly Fiorina sau những kết quả kinh doanh đầy thất vọng. Mark Hurd cũng ra đi sau những cáo buộc gian lận tài chính liên quan đến chi phí cá nhân (Hurd phủ nhận cáo buộc). Léo Apotheker bị hất cẳng chưa đầy 1 năm, để lại những rối rắm từ sau thương vụ thâu tóm Autonomy Corp. mà ông là nhạc trưởng.
Hãng phân tích dữ liệu này sau đó bị cáo buộc gian lận kế toán. Whitman đã cố gắng dọn dẹp mớ hỗn độn bằng cách chia tách bộ phận tiêu dùng của HP và giữ lại mảng doanh nghiệp cho chính mình. Sau đó, bà chia tách các bộ phận dịch vụ và phần mềm của HPE, nhưng lại tổn hại đến các triển vọng dài hạn của Công ty, theo Toni Sacconaghi, chuyên gia phân tích tại AllianceBernstein LP.
Thách thức đến từ các đối thủ mới
HP Inc., gồm các bộ phận được chia tách, được cho rằng sẽ rất chật vật sau quyết định lịch sử của Whitman, nhưng không ngờ tình hình lại khởi sắc và trở thành nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, “tình hình ở HPE lại đầy thách thức và họ giờ là một công ty nhỏ hơn. Trong một ngành mà không có nhiều tăng trưởng, quy mô lớn lại cực kỳ quan trọng”, Sacconaghi nói.
Thách thức này giờ là trách nhiệm của Neri. Trước khi trở thành CEO, Neri cho biết đã nỗ lực tái tập trung Công ty vào kỹ thuật. Tháng 10 vừa qua, ông đã tập họp các giám đốc công nghệ của HPE, một số cảm thấy rằng họ chỉ quanh quẩn trong tháp ngà của mình, chỉ cho ra được những sản phẩm ngắn hạn và HPE thiếu một tầm nhìn kỹ thuật.
Neri đảm bảo với họ rằng kỹ thuật sẽ là lực đẩy cho Công ty trong tương lai. Kể từ khi trở thành CEO, ông đã tăng gấp 3 lần giải thưởng bằng tiền mặt cho những nhân viên phát minh ra các bằng sáng chế và nói chuyện với các kỹ sư cấp cao hàng giờ liền thông qua email và các cuộc họp.
Tuy nhiên, vấn đề của HPE không phải là liệu Hãng có thể cải thiện các sản phẩm của mình. Thách thức lớn hơn là HPE chưa cho thấy khả năng có thể nhìn ra đâu là “câu chuyện vĩ đại kế tiếp” trong tương lai.
Dưới thời của Whitman, Neri đã gây tiếng vang vì đã dẫn dắt thương vụ mua lại 2,7 tỉ USD Aruba Networks vào năm 2015, một thời gian ngắn trước khi HP chia tách. Aruba, giờ là một trong những bộ phận tăng trưởng nhanh nhất của HPE, cho Công ty một cơ hội hiếm có để giành lấy thị phần từ đối thủ đáng gờm Cisco Systems Inc.
Neri đã luôn theo dõi các thương vụ dịch vụ và phần mềm và gần đây đã mua lại công ty startup về thiết bị mạng là Plexi để giúp các đám mây tư nhân của khách hàng tại các trung tâm dữ liệu của chính họ làm việc giống như các đám mây công cộng lớn. “Chúng tôi cần phải đi đúng 3 hoặc 4 trong số những xu hướng này”, Vishal Lall, một thành viên của nhóm giám sát chiến lược, các thương vụ đầu tư và giao dịch dưới trướng của Neri, nhận định.
Hai thương vụ đầu tư quan trọng của HPE sẽ còn là những canh bạc trong nhiều năm nữa. Một là máy tính bộ nhớ, một loại máy tính to cỡ tủ lạnh mà có thể lưu trữ và phân tích hầu hết những gì mà một trung tâm dữ liệu đang làm hiện nay.
Công ty đã nghiên cứu dự án này trong nhiều năm nhưng vẫn chưa cho thấy ánh sáng cuối đường hầm. Một canh bạc khác – cũng là thương vụ đầu tư lớn nhất của Neri cho đến nay (4 tỉ USD trong 4 năm) là các sản phẩm “intelligent edge”, một thuật ngữ chỉ các phần cứng và phần mềm có thể phân tích dữ liệu từ các cảm biến, camera và các thiết bị kết nối internet khác tại nơi hoạt động hơn là trong một trung tâm dữ liệu.
Điều này nhằm tăng tốc khả năng phân tích dữ liệu và hạn chế rủi ro trong việc truyền tải hoặc tin tặc. Neri cho biết các sản phẩm intelligent edge sẽ giúp cải thiện tính hiệu quả tại các bệnh viện, nhà máy lọc dầu và các lưới điện – đối tượng khách hàng HPE đang muốn duy trì.
Thách thức của Neri còn đến từ các đối thủ mới. Trong những năm tới Amazon, Microsoft và Google sẽ bành trướng mạnh mẽ vào các lĩnh vực mà HPE và các đối thủ đang thống trị. Hãng nghiên cứu Gartner ước tính thị trường 30 tỉ USD về các dịch vụ đám mây hạ tầng – một đối thủ trực tiếp của các loại dịch vụ mà Neri cung cấp – sẽ đạt tới 83,5 tỉ USD vào năm 2021. Sacconaghi, chuyên gia phân tích tại AllianceBernstein, cho rằng sẽ mất cũng chừng ấy thời gian để xác định liệu nỗ lực lội ngược dòng của Neri có thành công hay không.