Nung nấu ý định đưa McDonald’s về Việt Nam từ 10 năm nay, Nguyễn Bảo Hoàng mở công ty riêng, thường xuyên liên lạc với đối tác và dự kiến khai trương cửa hàng đầu tiên vào quý I năm sau tại TP.HCM.
Từ thủ phủ tại bang Illinois (Mỹ), Tập đoàn bán đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald’s tuần qua đã công bố sẽ gia nhập thị trường thức ăn nhanh Việt Nam qua việc nhượng quyền thương hiệu cho doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng, hay còn gọi là Henry Nguyễn.
Thông tin McDonald’s sẽ mở cửa hàng tại Việt Nam râm ran từ gần một năm nay, tuy nhiên, việc ông Nguyễn Bảo Hoàng được chọn làm đối tác đã gây bất ngờ bởi ngoài lý lịch là một Việt kiều từ Mỹ về nước làm ăn, ông được biết tới chủ yếu với chức danh Tổng giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG (IDG Ventures) trị giá hơn 100 triệu USD, chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ như Tencent, Baidu, Sina (Trung Quốc) hay VNG, VC Corp, Peacesoft (Việt Nam)…
Trao đổi với PV, bà Đường Thu Hương, Giám đốc đối ngoại của IDG Ventures xác nhận việc hợp tác với McDonald là “một thương vụ cá nhân” của ông Nguyễn Bảo Hoàng, không liên quan gì đến IDG Ventures. Như vậy, có thể thấy chính vị Tổng giám đốc này đã tự thử sức trong một lĩnh vực mới.
Riêng ông Nguyễn Bảo Hoàng cũng bày tỏ đã nung nấu ước mơ đưa McDonald’s về Việt Nam từ chục năm nay. “Từ bé đến nay, tôi vẫn luôn là người hâm mộ của McDonald’s, đó cũng là nơi tôi từng làm việc khi ở tuổi vị thành niên. Từ khi trở về Việt Nam hơn 10 năm trước, tôi luôn mơ ước một ngày nào đó có thể đưa McDonald’s đến với quê hương mình”, ông nói.
Năm 2012, công ty Good Day Hospitality hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống được ông lập ra. Cũng có nhiều ý kiến hoài nghi với một công ty còn “non” về kinh nghiệm và ít tên tuổi trên thị trường thì Nguyễn Bảo Hoàng dựa vào đâu để được lãnh đạo tập đoàn quốc tế như McDonald’s chọn làm đối tác.
Ông Liam Jeory – Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ đối ngoại của McDonald’s tại châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi cho hay quy trình cấp phép nhượng quyền thương hiệu đã được quy chuẩn chung trên toàn thế giới.
Người được chọn sẽ phải là doanh nhân chứng minh được khả năng huy động vốn, hợp tác để cùng nhau tạo thành một đội có hiệu suất hàng đầu và đưa công việc kinh doanh của McDonald’s ngày càng phát triển.
“Từ rất nhiều ứng viên, chúng tôi chọn ra ứng viên tốt nhất. Tại Việt Nam, có rất nhiều ứng viên có năng lực nhưng cuối cùng ông Nguyễn Bảo Hoàng là người chiến thắng do đã chứng minh được thành tích kinh doanh của mình”, ông nói.
Ngoài ra, vị này cũng chia sẻ Nguyễn Bảo Hoàng từng làm cho McDonald’s một thời gian và giữ liên lạc tới nay, thể hiện sự quyết tâm đưa tên tuổi này tới Việt Nam.
Đại diện Good Day Hospitality từ chối tiết lộ số tiền phải chi để đưa McDonald’s đến được Việt Nam. Nhưng theo tính toán của chuyên gia thế giới dựa trên tài liệu về nhượng quyền thương hiệu, bên nhận nhượng quyền phải chi khoảng 1-1,9 triệu USD để được cho phép mở cửa hàng McDonald’s. KFC cũng đang yêu cầu mức phí vào khoảng 1,1-1,7 triệu USD.
Tuy nhiên, được cấp phép nhượng quyền mới chỉ là một trong những bước đi đầu tiên để thâm nhập vào lĩnh vực phục vụ đồ ăn nhanh. Thời gian tới, ông Nguyễn Bảo Hoàng và Good Day Hospitality sẽ còn nhiều việc phải làm như chọn địa điểm mở cửa hàng, xây dựng, trang trí, đào tạo nhân sự theo đúng các tiêu chuẩn của McDonald’s.
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, với dân số khoảng 90 triệu người và độ tuổi dưới 35 chiếm 65%, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp phục vụ đồ ăn nhanh,
Như nhận xét của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, McDonald’s vào Việt Nam lúc này “đã là chậm”. Do vậy, Nguyễn Bảo Hoàng sẽ phải có chiến lược để cạnh tranh trong một thị trường “khốc liệt” với các đối thủ như KFC, Lotteria, Pizza Hut, Jolibee…, cũng là những đại gia đã hoạt động ở Việt Nam được vài năm hoặc hơn chục năm và xây dựng được tên tuổi cho mình.
Ông Phan Lê Khôi – Phó Tổng giám đốc IB Group lạc quan hơn khi cho rằng vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư mới. “Để thực sự thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng thì với số lượng cửa hàng ăn nhanh chưa hiện nay là chưa đủ. Trên thế giới, có thể bắt gặp các cửa hàng này nhan nhản trên phố, nhưng ở thành phố lớn của Việt Nam, phải đi mấy dãy phố mới có một cửa hàng. Từ đó có thể thấy năng lực của thị trường thức ăn nhanh mới chỉ đi lên chứ chưa đến mức bão hòa”, ông nói.
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, với dân số khoảng 90 triệu người và độ tuổi dưới 35 chiếm 65%, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp phục vụ đồ ăn nhanh, vì khách hàng của hãng này chủ yếu ở độ tuổi từ 20 đến 35.
Đánh giá của Bộ Công Thương năm 2012 cũng cho thấy thị trường thức ăn nhanh đang trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong các ngành hàng tiêu dùng thực phẩm hiện nay. Đây đang là một mảnh đất khá màu mỡ thu hút sự chú ý và đầu tư của nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới, báo cáo của Vinaresearch nhận định.
Đại diện truyền thông McDonald’s tiết lộ phía đối tác đã có kế hoạch sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM trong quý I năm 2014. “Cho đến nay, việc chuẩn bị cho nhà hàng đầu tiên đang được tiến hành. Ông Nguyễn Bảo Hoàng đã xây dựng được một đội ngũ quản lý và bắt đầu tuyển dụng và đào tạo nhân viên nhà hàng”, ông Liam Jeory thông tin.