Sau đây là bốn nhân tố chính giúp doanh nghiệp tạo ra những câu chuyện đặc sắc, chân thành có thể lôi kéo được khách hàng tiềm năng đến với mình.
Gắn kết chân tình và xây dựng mối quan hệ. Một câu chuyện đáng nhớ thường được sẻ chia giữa bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình, những người mà ai cũng cảm thấy thoải mái và gần gũi để bày tỏ. Điều tương tự cũng xảy ra khi một doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ với người tiêu dùng. Uy tín, trung thực và sự chân thành là những yếu tố rất cần thiết để tạo nên và nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh, bền vững với khách hàng. Sẽ không gì tuyệt vời hơn nếu khách hàng tin tưởng doanh nghiệp đủ để họ an tâm thổ lộ những hy vọng, bí mật và nhu cầu của mình.
Lên kế hoạch thật chi tiết và khám phá từ nhiều góc cạnh khác nhau. Khi khắc họa nên một câu chuyện kể với khách hàng, doanh nghiệp phải lên kế hoạch từ sớm và tìm hiểu kỹ những thách thức có thể gặp. Có những bước đi phù hợp để khuyến khích khách hàng thể hiện bản thân và đưa ra cảm nhận về thương hiệu của doanh nghiệp mà có thể họ chẳng bao giờ chủ động nói ra với các nhãn hiệu tương tự khác.
Thí dụ, thay vì hỏi ý kiến khách hàng về một sản phẩm kẹo ngọt mới, hãy thử đề nghị họ tưởng tượng đến một thanh kẹo ngọt lý tưởng nhất. Hay kêu gọi các bậc phụ huynh sử dụng điện thoại ghi hình lại cách phản ứng của con em mình khi chọn lựa kẹo trong cửa hàng. Sử dụng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo khác nhau để xây dựng nên một câu chuyện có thể bộc lộ được những ý tưởng mới, những nhu cầu chưa đạt được và trên hết là tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp.
Sử dụng trực giác để tìm ra câu chuyện thật sự đáng kể và đáng quan tâm với khách hàng. Một khi đã vượt qua giai đoạn thu thập thông tin và gia tăng mức độ hiểu biết trọn vẹn về nhóm khách hàng mục tiêu, đã đến lúc tiến hành quá trình “chưng cất”. Việc làm này chỉ có thể được thực hiện thông qua khả năng phán đoán và suy luận.
Doanh nghiệp có thể tìm kiếm câu chuyện hoặc bằng cách diễn dịch, đưa ra những chủ đề hay xu hướng mới từ thông tin có được, hoặc theo cách quy nạp, nghĩa là kiểm tra lại tất cả những thông tin để kết luận liệu giả thiết ban đầu đưa ra có hợp lý hay không. Một khi đã xác định được đâu là câu chuyện thật sự phù hợp với hoạt động doanh nghiệp, hãy tìm cách đưa câu chuyện trở thành một phần trong chiến lược kinh doanh của tổ chức.
Chẳng hạn, Công ty Truyền thông EE (Everything Everywhere) của Anh luôn nghĩ rằng khách hàng rất yêu quý chiếc điện thoại di động của mình. Nhưng sau khi lắng nghe khách hàng chia sẻ về những câu chuyện cá nhân khi họ làm mất, để quên hay rơi hỏng chiếc điện thoại, EE mới biết rằng khách hàng chỉ quan tâm đến những gì bên trong chiếc điện thoại – hình ảnh, video clip, danh bạ và cả tin nhắn trao đổi với bạn bè.
Lên kế hoạch thật chi tiết và khám phá từ nhiều góc cạnh khác nhau. Khi khắc họa nên một câu chuyện kể với khách hàng, doanh nghiệp phải lên kế hoạch từ sớm và tìm hiểu kỹ những thách thức có thể gặp.
Ngay sau đó, EE đã tung ra dịch vụ Clone Phone mang đến giải pháp dự phòng, sao lưu thông tin và thậm chí cam kết thay đổi chiếc điện thoại bị mất hay hỏng trong vòng 24 giờ. Dịch vụ mới Clone Phone đã thành công ngay lập tức với hơn 250.000 đăng ký thuê bao chỉ trong vòng sáu tháng đầu tiên.
Khơi gợi cảm xúc để tạo nguồn cảm hứng cho hành động. Một câu chuyện kể không chỉ được lắng nghe, mà còn phải được cảm nhận và ghi nhớ. Bản chất tâm lý của con người là thích chia sẻ sự thấu hiểu của mình về những câu chuyện. Trong bối cảnh doanh nghiệp, một câu chuyện có thể được truyền bá theo những định dạng khác nhau, tùy theo mức độ phức tạp và nội dung câu chuyện, nhưng mục đích của chúng đều phải tương tự nhau: khơi dậy cảm xúc và kết nối với công chúng trên mức độ nhân sinh quan.
Một khi được hiểu thấu và cảm nhận, những câu chuyện ấy sẽ lan tỏa đến toàn bộ tổ chức và khiến cho từ giám đốc đến nhân viên đều quyết tâm hành động, tiến về phía trước, phục vụ tốt hơn cho khách hàng, tiếp tục truyền đi và khơi nguồn cảm hứng cho khách hàng…