Lỗ kiểu… Coca-Cola

0
1095

Kể từ khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam Coca-Cola chưa năm nào có lãi mặc dù doanh thu, quy mô liên tục tăng, vậy nghịch lý này do đâu?

Tháng 2/1994, Coca-Cola bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam sau khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại với số vốn đầu tư hơn 163 triệu USD. Tuy nhiên, từ khi có mặt đến nay, Cty này chưa năm nào có lãi.

Báo cáo tài chính năm 2014 của Tập đoàn Coca-Cola ghi nhận kết quả tăng trưởng sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam tới 25%, tại Thái Lan là 9% trong khi Philippines giảm 3% và thị trường Úc giảm 4%.

Chiếm lĩnh thị trường VN

Tháng 2/1994 – gần 100 năm sau khi thành lập, Coca-Cola tiến vào Việt Nam với vị thế của một thương hiệu quốc tế hàng đầu. Bước vào một thị trường mới và gặp không nhiều đối thủ cạnh tranh, Coca-Cola nhanh chóng trở thành “ông chủ” trong lĩnh vực nước giải khát.

Năm 1998, Chính phủ Việt Nam còn thực hiện một động thái được cho là ủng hộ đối với Coca-Cola khi cho phép các Cty liên doanh trở thành Cty 100% vốn nước ngoài. Theo đó, Coca-Cola nhanh chóng mua lại 3 Cty ở Việt Nam – đặt thế “kiềng ba chân” vững chắc trong thị trường phát triển hàng đầu Đông Nam Á. Vốn đầu tư của họ tăng lên thành 350 triệu USD và các nhà máy cũng có khả năng sản xuất được 40 triệu lít/ tháng.

Kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, doanh thu của Coca-Cola VN lên đến 2.500 tỷ đồng nhưng lại báo chi phí lên tới gần 2.700 tỷ đồng – lỗ khoảng gần 200 tỷ đồng. Việc Coca-Cola luôn báo lỗ khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi mức tăng trưởng của họ đạt mức kinh hoàng – trên 20% và sức mua của người dân Việt Nam không hề kém với các nước khác trong khu vực. Cuối năm 2011, Coca-Cola báo lỗ tới gần 3.800 tỷ đồng – vượt cả số vốn đầu tư ban đầu (2.600 tỷ đồng) họ “ném vào” thị trường Việt Nam. Và đây là lúc mà các nghi án trốn thuế bắt đầu được dư luận đặt ra khi báo lỗ đồng nghĩa với việc Coca-Cola không phải nộp 1 đồng thuế thu nhập DN nào cho Việt Nam mặc dù đã hoạt động trong suốt 20 năm qua.

Càng dài đầu tư, càng nhiều nghi án

Điều đáng nói là việc Coca-Cola Việt Nam từ khi xuất hiện đã luôn ở trong tình trạng không có lãi. Từ vài năm trước đây, khi Cục thuế TP HCM cho biết kết quả kinh doanh của Coca-Cola Việt Nam, cộng đồng đã không khỏi bất ngờ bởi những con số lỗ triền miên sau nhiều năm hoạt động của doanh nghiệp này.

Mặc dù doanh thu hàng năm vẫn tăng trưởng đều đặn với mức tăng trưởng bình quân 24%, đặc biệt từ năm 2008 nhưng tính đến năm 2011, Coca-Cola Việt Nam đã lỗ lũy kế tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu.

Theo đó, mặc dù doanh thu hàng năm vẫn tăng trưởng đều đặn với mức tăng trưởng bình quân 24%, đặc biệt từ năm 2008 nhưng tính đến năm 2011, Coca-Cola Việt Nam đã lỗ lũy kế tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu.

Ông Irial Finan – Phó Chủ tịch Tập đoàn Coca-Cola từng phát biểu, mục tiêu của Coca-Cola tại thị trường Việt Nam là dài hơi nên việc lỗ 10 năm hay 20 năm là “chuyện bình thường”. Ông này từng lên tiếng chê bai năng suất lao động, hiệu quả lao động ở Việt Nam không hề cao và khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, quản lý và doanh thu vì vậy không cao, dẫn đến thua lỗ kéo dài. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến cho Coca-Cola chưa có lãi là số tiền họ bỏ ra đầu tư cho các nhà máy sản xuất là tương đối lớn và còn một số dự án mở rộng đang bỏ ngỏ nữa.

Kỳ lạ là Coca-Cola vẫn đặt rất nhiều hy vọng vào một thị trường mà đã mang tới cho họ khoản lỗ gần 4.000 tỷ đồng khi lên kế hoạch rót vào thị trường đó 300 triệu USD cùng tầm nhìn tới năm 2020 là tăng gâp đôi doanh thu?

Tuy nhiên, ông Lê Duy Minh – Trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 Cục Thuế TP.HCM cho biết Coca-Cola Việt Nam đã bị liệt vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá. “DN này luôn kê khai lỗ ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ Cty mẹ với giá rất cao, chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn.” – ông Minh trả lời trên báo chí.

Nếu xét theo các con số thống kê, Coca-Cola, đã “cụt cả vốn”, vậy đâu là động lực để DN này tiếp tục đầu tư ở thị trường Việt Nam? Bởi lẽ thường, không nhà đầu tư nào muốn dốc vốn vào một thị trường mà ở đó, họ liên tục kinh doanh thua lỗ.

Chính sách chống chuyển giá của VN phù hợp quốc tế

Theo Tổng cục Thuế, hiện nay các chính sách thuế của Việt Nam đối với giá chuyển nhượng trong giao dịch phát sinh giữa các DN liên kết được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 117/2005/TT-BTC và Thông tư số 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trước đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra Hanoi) đã kiến nghị với Tổng cục Thuế về việc xác định giá chuyển nhượng, cách tính Margin rate của Việt Nam không rõ ràng nên dẫn đến nhiều trường hợp gây tổn thất cho các DN chế tạo vì yêu cầu tỉ lệ lợi tức chưa hợp lí. Từ đó, Kotra Hanoi đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế bổ sung hoàn thiện và yêu cầu làm rõ tính công khai minh bạch của các chính sách liên quan đến chuyển giá. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các quy định tại các văn bản pháp lý trên, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đều có tham khảo ý kiến thẩm định của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế lớn, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giá chuyển nhượng như OECD, IMF… và đều nhận được đánh giá một cách khách quan từ các chuyên gia rằng chính sách giá chuyển nhượng của Việt Nam cơ bản là phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, một số khác biệt nhỏ trong quy định của Việt Nam chủ yếu là để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here