Nếu hỏi 10 bà nội trợ Việt đang sử dụng loại kem đánh răng, dầu gội, xà bông… gì, câu trả lời hầu hết là các thương hiệu ngoại.
Không chỉ hàng hóa tiêu dùng, nhiều lĩnh vực dịch vụ trọng yếu của nền kinh tế như bán lẻ, logistic… cũng do nhà đầu tư nước ngoài chi phối. Tất nhiên, kéo theo nó là sự biến mất của nhiều thương hiệu nội.
Yếu về tài chính và kinh nghiệm được coi là hai nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp (DN) nội bị thâu tóm. Yếu về tài chính khiến họ dễ dàng gật đầu khi nhận được đề nghị tham gia góp vốn của đối tác ngoại. Họ hy vọng vốn ngoại sẽ giúp họ có thêm năng lực để mở rộng quy mô, chiếm thị phần, phô trương thanh thế… Nhưng yếu về kinh nghiệm khiến họ nhanh chóng bị hất cẳng khi liên doanh. Còn nhớ những năm 1990, thương hiệu kem đánh răng nội đình đám nhất là Dạ Lan và P/S chiếm tới 95% thị phần, đánh bật cả kem đánh răng Trung Quốc ra khỏi thị trường nội địa. Nhưng vị thế tưởng chừng bất bại đó đã nhanh chóng bị đảo lộn khi những “ông lớn” trong ngành hóa mỹ phẩm thế giới là Unilever và Colgate Palmolive đặt chân tới VN. Với chiêu bài liên kết, chỉ vài năm sau, 2 thương hiệu Việt bị thôn tính hoàn toàn. Cũng hơn một thập niên trước, nói đến mì gói người tiêu dùng nội địa nhớ ngay đến Miliket, Vifon thì giờ đây chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường nội địa là một thương hiệu mì gói đến từ Nhật…
Không chỉ DN nhỏ, nhiều DN lớn cũng “bán mình” cho đối tác ngoại. Năm 2015 Kinh Đô bán 80% mảng bánh kẹo cho đối tác Mondelez (Mỹ). Trước đó, Hàn Quốc cũng đã nắm giữ 44% cổ phần từ Công ty bánh kẹo Bibica… Thị trường bánh kẹo nội trị giá gần 2 tỉ USD đã nhanh chóng rơi vào tay khối ngoại sau các thương vụ này.
Nhắc lại để thấy, không chỉ DN nhỏ bị thâu tóm, rất nhiều thương hiệu lớn cũng bị chèn lấn, o ép ngay trên chính sân nhà. Vì sao vậy? Câu trả lời là vì họ quá đơn độc trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ ngoại. Đơn độc vì thiếu sự hỗ trợ từ phía nhà nước về cơ chế, chính sách. Đơn độc vì bản thân họ thiếu sự liên kết với các DN cùng ngành nghề, lĩnh vực để tạo thành sức mạnh trong cạnh tranh. Lãnh đạo một hiệp hội kể với tôi câu chuyện mà bà cho là rất điển hình trong “phong cách” kinh doanh của DN nội. Khi đó có đối tác ngoại đặt đơn hàng lớn mà năng lực của một DN không thể đáp ứng được. Nhưng DN này thà bỏ đơn hàng chứ kiên quyết không hợp tác với các DN khác. Rồi chuyện DN này chào giá thấp hơn để cướp khách hàng của DN khác… xảy ra như cơm bữa. Họ cứ mạnh ai nấy sống và hồn nhiên ra “biển lớn” với tâm thế đó để rồi… sẩy chân.
Đến lúc này, chúng ta đã có không ít DN lớn. Có thể chưa so sánh được với các tập đoàn lừng lẫy thế giới nhưng nếu liên kết lại, ở nhiều lĩnh vực, chúng ta thừa sức cạnh tranh được với các nước trong khu vực cũng như giữ thị phần ở sân nhà khi mở cửa theo lộ trình hội nhập. Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã tiên phong đứng ra hỗ trợ, đồng hành với các nhà sản xuất trong nước thông qua việc kết nối 250 DN nội. Đây là một tín hiệu rất tốt cho thị trường, nhưng cái cần hơn cả là sự lan tỏa những cái bắt tay tương tự trong cộng đồng DN Việt. Với hơn 90% DN vừa và nhỏ, nếu không liên kết, chúng ta sẽ thua.
Chúng ta không thể trách các bà nội trợ sính ngoại khi hàng Việt bị mất dạng trên quầy kệ trong siêu thị.