Kinh doanh chuỗi bắt đầu sa lầy?

0
723

Thị trường kinh doanh theo chuỗi dường như đang chứng kiến sự “sa lầy” của hàng loạt tên tuổi lớn. Nhiều đơn vị tiềm lực tài chính mạnh cũng không ngăn được đà đóng cửa chi nhánh.

Kinh doanh 1-2 cửa hàng có thể đơn giản, nhưng khi phát triển thành hệ thống là một câu chuyện khác khó lường hơn. Dù chuỗi được hậu thuẫn bởi nguồn lực tài chính mạnh, nhưng để thành công không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vốn.

Vốn mạnh cũng lao đao

Từ cuối năm 2015 đến nay, thị trường đã chứng kiến chuỗi cửa hàng Burger King liên tiếp đóng cửa như một hiệu ứng dây chuyền.

Được đem về Việt Nam theo hình thức “nhượng quyền thương hiệu” vào năm 2012, Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh (BKV), đơn vị nhượng quyền Burger King đã có chiến lược mở rộng chuỗi thức ăn nhanh này ra khắp thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp này từng công bố nguồn vốn đổ vào đây thuộc mức cao nhất thị trường.

Đại diện nhượng quyền tại Việt Nam là bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Tập đoàn IPP, cũng tuyên bố: “Vốn dự kiến cho việc kinh doanh tại Việt Nam của BKV là 40 triệu USD. Số vốn này sẽ tăng hơn nữa nếu tìm được nhiều hơn nữa các mặt bằng tốt”.

Và chung niềm tin như vậy, Chủ tịch Burger King khu vực châu Á Thái Bình Dương đã đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường được ưu tiên trong chiến lược phủ sóng thương hiệu của mình. Tuy nhiên, ở thời điểm thiện tại, đã 3 cửa hàng đã phải đóng cửa.

Không kinh doanh nhượng quyền như Burger King, hệ thống của Công ty CP thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) tự xây dựng ngay từ đầu và phát triển rộng ra để thu hút đầu tư. Trong vòng 4 năm phát triển, chuỗi công ty này cũng thu hút được khá nhiều vốn đầu tư từ các quỹ.

Cụ thể, sau khi Mekong Capital thoái vốn vào năm 2014, ngay lập tức Cổng Vàng đón nhận một quỹ mới là Standard Chattered, với giá trị 35 triệu USD. Đây là cơ sở để họ mở rộng và đa dạng hóa chuỗi của mình với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, gần đây “đế chế” hùng mạnh này cũng không thể ngăn chặn được việc phải đóng cửa hàng loạt chi nhánh.

Mặc dù doanh nghiệp này không công bố thông tin, nhưng theo văn bản từ Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội và TP HCM thì cuối năm 2015, Cổng Vàng đã chính thức chấm dứt hoạt động khoảng 7 chi nhánh kinh doanh của mình.

Cụ thể, các điểm đóng cửa là 1 nhà hàng bia (beer club) tại Trung tâm thương mại Pandora City Trường Chinh (quận Tân Bình, TP HCM), 2 nhà hàng tại Hà Nội và TP HCM, 1 nhà hàng lẩu băng chuyền và 1 nhà hàng ở Aeon mall Long Biên.

Gần đây nhất là nhà hàng cà phê ở Megamall Thảo Điền (TP HCM)… Đến nay, chưa có bất cứ thông tin nào về việc dừng hoạt động các chi nhánh này từ phía doanh nghiệp.

Ngoài sự “sa lầy” của hai thương hiệu hàng đầu thì thị trường kinh doanh chuỗi cũng không phải là “miền đất hứa” đối với các thương hiệu khác.

Một thành viên khác của IPP là Công ty TNHH dịch vụ thực phẩm và giải khát Việt Nam đã giải thể một nhà hàng gà rán trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) và 1 tiệm bánh trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP HCM).

Ngày 25/12/2015, Công ty CP đầu tư thương mại quốc tế Mặt Trời Đỏ (Red Sun-ITI Corporation) cũng thông báo đóng cửa nhà hàng King BBQ Deli ở Vincom Center A Đồng Khởi. Hay vào cuối tháng 1/2016, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mesa (Mesa Group) cũng thông báo đóng cửa nhà hàng lẩu Thái Lan MK SUKI tại Trung tâm thương mại Pico Plaza đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM)…

Nhiều chuyên gia nhìn nhận vốn chỉ là một yếu tố trong việc phát triển mô hình kinh doanh theo chuỗi. Việc duy trì và phát triển mô hình này còn phụ thuộc vào mặt bằng, nguồn nhân lực, gu ẩm thực phù hợp, nắm bắt đúng văn hóa tiêu dùng…

Hệ quả của sự nôn nóng

Tâm lý người tiêu dùng đang là rào cản quá lớn đối với việc đầu tư các chuỗi của hàng, nhất là các chuỗi được nhượng quyền quốc tế. Bởi lẽ khi phát triển cũng hạn chế sự linh hoạt, vì phải bám sát tôn chỉ của thương hiệu trên toàn cầu.

Đối với các thương hiệu tự xây dựng thì lại vướng phải vấn đề tăng trưởng nóng để gọi vốn, dễ dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền.

Một chuyên gia thương hiệu cho hay: “Có quá nhiều lý do để biện chứng cho việc các hệ thống này đang ‘lạc lối’ thật sự tại Việt Nam. Mỗi thương hiệu đang rơi vào một bi kịch mà họ khó có thể giải quyết ngay được khi hệ thống đã được mở rộng quá mức. Tóm lại ở thời điểm này, việc tối ưu nhất để sửa sai chỉ có thể là đóng cửa những chi nhánh khó quản của mình”.

Chuyên gia này phân tích đối với Burger King, bi kịch là việc nôn nóng phát triển hệ thống nên phải chịu một chi phí vốn đầu tư khá lớn để thuê mặt bằng đẹp. Nhưng những mặt bằng thực sự tốt đã thuộc về các đối thủ đến trước, họ đành đánh cược với những mặt bằng mà bản thân cho là tiềm năng.

Cộng thêm việc phải phát triển sát sườn với quy chuẩn của thương hiệu trên toàn cầu khiến họ khó xoay chuyển tình thế. Trong khi đó, Cổng Vàng có thể đã phát triển quá nhanh so với giới hạn của mình nên để kiểm soát tương đối khó.

Từ việc kiểm soát chất lượng đồng bộ đến kiểm việc đội ngũ nhân lực không thể theo kịp mức phát triển của hệ thống. Quan trọng nhất vẫn là năng lực quản lý khó có thể đạt chuẩn khi hệ thống đã được mở rộng quá mức.

Vấn đề của các chuỗi khác phần lớn đang là việc đầu tư chạy theo trào lưu nên thiếu tính bền vững. Thêm vào đó, áp lực doanh số luôn khiến họ phải tham gia vào những cuộc đua về giá, khiến trục đỡ về vốn trở nên mong manh hơn.

Sau bài học từ Phở 24, ông Lý Quý Trung, người sáng lập ra thương hiệu này cũng nhìn nhận lại một cách khách quan mô hình kinh doanh chuỗi trong tự truyện của mình.

Ông Lý Quý Trung cho biết khi bành trướng hệ thống một cách nhanh chóng như vậy, công ty của ông phải đối mặt với một thử thách vô cùng to lớn. Đó là làm thế nào để giữ được chất lượng cho đồng bộ.

Ông cho biết khi bành trướng hệ thống một cách nhanh chóng như vậy, công ty của ông phải đối mặt với một thử thách vô cùng to lớn. Đó là làm thế nào để giữ được chất lượng cho đồng bộ.

“Tuy đã tiêu chuẩn hóa, đồng bộ hóa tất cả các quy trình sản xuất, chế biến và phục vụ nhưng thiếu sót vẫn cứ xảy ra. Thử thách tiếp theo là bộ máy quản trị của công ty đột nhiên phải nở phình ra để gồng gánh một khối lượng công việc khổng lồ do mình tự biên tự diễn”, tự truyện viết.

“Nếu phải cho một lời khuyên đối với những ai đang tìm kiếm nhà đầu tư thì tôi sẽ nói rằng, trước hết là phải tự hỏi mình là có thật sự cần thiết hay không nếu có thể chọn cách điều chỉnh bớt tốc độ tăng trưởng. Chọn quỹ đầu tư mạo hiểm là chọn cách phát triển nóng, tăng tốc”, ông Trung nhấn mạnh trong tự truyện.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here