Kịch bản cho thương vụ Nam A Bank – Eximbank

0
1389

Trước mùa đại hội cổ đông, có thông tin đồn đoán cho rằng Nam A Bank và Eximbank sẽ về chung một nhà. Thực hư câu chuyện này ra sao?

Bắt đầu từ năm 2014, hệ thống ngân hàng Việt Nam được kỳ vọng sẽ diễn ra nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trước sức ép tái cấu trúc kinh doanh và thu hẹp số lượng ngân hàng theo định hướng của cơ quan quản lý. Thế nhưng, năm 2014 đã kết thúc mà ít có thương vụ ghi dấu ấn.

Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ khác vào năm 2015 khi ngay từ đầu năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, trong một lần chia sẻ với báo giới, đã xác nhận rằng nhiều ngân hàng đang trong “tầm ngắm”. Trong đó, đáng chú ý là thông tin đồn đoán về việc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) và Eximbank sẽ về một nhà. Phản hồi lại thông tin này, ông Thanh cho biết: “Việc Nam A Bank xin sáp nhập vào Eximbank, nếu mọi kế hoạch được thực hiện theo đúng pháp luật thì Ngân hàng Nhà nước sẽ ủng hộ”.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và tổng tài sản của Nam A Bank và Eximbank

Câu chuyện hai ngân hàng này về một nhà có thể là thật, cũng có thể là không. Thật là vì những chuyển động mới ở Eximbank đang cho thấy khả năng thay đổi chủ ở dàn lãnh đạo cấp cao. Còn không là vì trong quá khứ, Eximbank cũng từng được đồn đoán sáp nhập với ngân hàng khác có quy mô tương xứng hơn là Sacombank. Tuy nhiên, nếu giả lập một kịch bản rằng Nam A Bank sẽ sáp nhập vào Eximbank, chuyện gì đang diễn ra và câu chuyện tiếp theo sẽ là gì?

Chuyển động mới ở Eximbank

Eximbank là một trường hợp thú vị trong ngành ngân hàng từ vài năm trở lại đây. “Đó là hiện tượng xuống dốc đáng ngạc nhiên của một ngân hàng tầm cỡ lớn”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá về Eximbank. Thực vậy, năm 2014, lợi nhuận của Ngân hàng đã xuống mức thấp kỷ lục vì các khoản trích lập dự phòng lớn.

Tuy nhiên, tạm chưa bàn đến câu chuyện kinh doanh, bởi những diễn biến ở dàn nhân sự cấp cao mới đáng quan tâm hơn. Có thể thấy từ đầu năm 2015 Eximbank đã tạo sóng với những phiên giao dịch thỏa thuận với khối lượng cổ phiếu trao tay khổng lồ. Cụ thể, lần lượt trong 2 phiên giao dịch ngày 23.1 và ngày 26.1, đã có hơn 60 triệu và 93 triệu cổ phiếu được thỏa thuận, chiếm khoảng 7,53% số lượng cổ phiếu niêm yết của Eximbank.

Với khối lượng này, số lượng cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận của Eximbank đang dần tăng lên mức kỷ lục. Nếu tính từ đầu năm đến hết ngày 11.3, lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận của Eximbank đã lên tới hơn 122 triệu cổ phiếu. Còn nếu tính từ đầu năm 2014 đến nay, con số này tăng lên đến gần 200 triệu cổ phiếu, tương đương với tỉ lệ gần 16,2% tổng số cổ phiếu niêm yết của Eximbank và phá vỡ mốc kỷ lục 175 triệu cổ phiếu trong năm 2013.

Biến động lớn qua con đường giao dịch cổ phiếu thỏa thuận trên sàn thường gợi lên “nghi vấn thâu tóm”. Còn nhớ Sacombank vào thời điểm năm 2010, lượng giao dịch cổ phiếu thỏa thuận chỉ khoảng 61,5 triệu, nhưng đến năm 2011 và 2012 con số này đã tăng lên gấp hơn 6 lần và 11 lần. Sau đó, người của Ngân hàng Phương Nam đã sang điều hành tại Sacombank. Vì thế, những chuyển động ở Eximbank thời gian gần đây cùng động thái chủ động xin sáp nhập của Nam A Bank đã khiến giới quan sát đặt ra nhiều nghi vấn: Chuyện gì đang xảy ra ở Eximbank? Và liệu kịch bản “Ngân hàng Phương Nam vào làm chủ ở Sacombank” sẽ tái diễn ở Eximbank?

Trước khi trả lời cho câu hỏi này, cần phải xem thực lực của Nam A Bank đến đâu. Là một ngân hàng nhỏ với quy mô vỏn vẹn 3.000 tỉ đồng, tức bằng mức vốn pháp định tối thiểu quy định trong ngành ngân hàng, rõ ràng Nam A Bank khá “chênh” so với Eximbank về mọi mặt, từ quy mô vốn, tài sản cho đến thương hiệu. Tuy nhiên, bỏ qua những khác biệt này, Nam A Bank hiện như một chàng trai trẻ đang tỏ ra sung sức, trong khi Eximbank như cỗ xe bị trục trặc do chạy quá nhanh trước đó.

Theo thông tin từ ban điều hành Nam A Bank, lợi nhuận trước thuế năm 2014 ước đạt 243 tỉ đồng, vượt mức kế hoạch là 210 tỉ đồng. Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2014, tăng trưởng tín dụng lên đến 31,4%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao có thể một phần do quy mô tín dụng còn thấp, nhưng nó cho thấy Nam A Bank đang mạnh dạn cho vay hơn trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác vẫn còn ngần ngại phát triển tín dụng do do ngại nợ xấu.

Bên cạnh việc mở rộng tín dụng, quy mô của Nam A Bank cũng dự kiến sẽ phình to hơn. Năm 2015, Nam A Bank có nhiều kế hoạch lớn, bao gồm việc thực hiện tăng vốn lên 4.000 tỉ đồng, mở rộng thêm 8 điểm chi nhánh và phòng giao dịch mới (hiện mới chỉ có khoảng 50 theo thông tin trên website của Ngân hàng), đồng thời có lộ trình niêm yết trên sàn chứng khoán.

Dù quy mô giữa 2 ngân hàng là khác nhau, nhưng xét ở tỉ lệ nợ xấu, ở Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank ước con số này ở khoảng 2,3% vào thời điểm cuối năm 2014, trong khi ở Eximbank, tỉ lệ nợ xấu đã tăng lên mức 2,49%, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2014.

Eximbank cũng đang gặp trục trặc trong hoạt động. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này năm 2014 chỉ vỏn vẹn gần 69 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với con số dự kiến 1.800 tỉ đồng hồi đầu năm. Theo báo cáo tài chính quý IV (chưa kiểm toán), có vẻ như chính phần trích lập dự phòng trong quý IV đã gần như xóa hết phần lãi làm ra của 3 quý trước đó. Nợ xấu là vấn đề chung mà tất cả ngân hàng đều phải đối mặt, nhưng có vẻ như tình hình của Eximbank khó khăn nhiều hơn. Theo báo cáo tài chính (một số chưa kiểm toán), tính chung 9 ngân hàng niêm yết, giá trị trích lập dự phòng trung bình năm 2014 đã tăng hơn 13,7% so với năm 2013, trong khi con số này ở Eximbank là gần 43,9%.

Tình huống Eximbank đã làm thay đổi trật tự các “ông lớn tư nhân” trên bảng xếp hạng ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả này cũng phần nào được dự báo từ trước, khi Eximbank gặp nhiều thách thức lớn trong công tác quản trị ở cấp lãnh đạo. Từ năm 2013 đến nay, Eximbank đã thay đến 3 đời tổng giám đốc cũng như thay thế, bổ nhiệm lại nhiều phó tổng giám đốc khác. Thiếu ổn định trong cơ cấu quản trị cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho Ngân hàng khó mà tập trung vào hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng vấn đề trục trặc của Eximbank chỉ là ngắn hạn. Eximbank khá kiên quyết và dũng cảm khi đưa nợ xấu ra trong thời điểm này. “Đó là một trong những tín hiệu vui của thị trường và sự suy giảm của Eximbank lại là điều tốt”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, với lý do nó cho phép Eximbank phục hồi và tăng trưởng bền vững trở lại trong tương lai.

Thách thức của người mua

Sự tăng trưởng trở lại của một ngân hàng có vị thế như Eximbank trong tương lai là không cần phải bàn cãi. Điều quan trọng là câu chuyện giả định về sự sáp nhập giữa Nam A Bank và Eximbank sẽ đi đến đâu.

Ngoài những yếu tố đồng thuận về mặt chủ trương của cơ quan quản lý, một điểm tích cực khác trong thương vụ này là cả hai ngân hàng dường như cùng hướng về mục tiêu phát triển ngân hàng bán lẻ. Trong mảng bán lẻ, có hai yếu tố quan trọng là số lượng điểm bán và thương hiệu.

Rõ ràng, việc sáp nhập thêm với Nam A Bank, nếu có, cũng sẽ giúp tăng thêm đáng kể quy mô giao dịch, nhưng so với Sacombank thì vẫn là con số khiêm tốn (hiện Eximbank có khoảng 208 điểm giao dịch, trong khi Sacombank thì hơn gấp đôi). Với sự chênh lệch lớn như vậy, trong giai đoạn hậu sáp nhập, ngân hàng mới buộc phải cố gắng mở rộng thêm chi nhánh để cạnh tranh thị phần. Trong khi đó, thương hiệu Eximbank được dự kiến sẽ giữ lại. Điều này cũng dễ hiểu bởi dù sao trên thị trường bán lẻ, Eximbank cũng đã là một thương hiệu có tiếng. Hơn nữa, nguồn lực quan trọng nhất của ngân hàng chính là nguồn vốn. Có danh tiếng, ngân hàng sẽ dễ huy động vốn hơn từ người gửi tiền và từ nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ngân hàng mới sau sáp nhập nếu so sánh về quy mô vốn điều lệ sẽ không quá cách biệt so với những ngân hàng tư nhân lớn khác. Nhưng hiện nay, vị thế của Eximbank trong top 5 ngân hàng thương mại tư nhân đang bị đe dọa. Điều này có nghĩa, ngân hàng hậu sáp nhập sẽ phải tập trung tái cấu trúc để lấy lại vị trí trước đây của Eximbank, chứ chưa thể tính chuyện xa hơn.

Nhìn về tổng thể, nếu sáp nhập vào Eximbank và giữ lại thương hiệu thì suy cho cùng M&A cũng là một phương thức giúp các ngân hàng lớn lên, nhanh chóng tăng năng lực và khắc phục các vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, ngoài những thách thức liên quan đến mục tiêu kinh doanh, việc giải quyết bài toán tăng trưởng còn phụ thuộc rất lớn vào việc người đi mua sẽ ứng dụng mô hình quản trị ở công ty mới như thế nào.

Áp lực dành cho Nam A Bank là rất rõ khi những người chủ mới vốn đã quen với năng lực quản trị và điều hành ở quy mô nhỏ hơn thì liệu có thay đổi kịp thời để phù hợp với một quy mô lớn hơn? Trong quá khứ, bài học ở các ngân hàng Việt vẫn còn hiện hữu khi các ngân hàng nông thôn tiến lên thành thị quá nhanh và yêu cầu vốn pháp định 3.000 tỉ đồng đặt ra là quá sức với các nhà điều hành lúc bấy giờ.

Một thách thức khác là mô hình quản trị theo kiểu gia đình của Nam A Bank liệu có phù hợp với quy mô của ngân hàng lớn hơn? Nếu không thì mô hình này sẽ thay đổi hoặc tích hợp như thế nào cho phù hợp với mô hình kiểu đại chúng của Eximbank?

Dù cả hai đều cùng là ngân hàng đại chúng, nhưng Nam A Bank lại được biết đến là ngân hàng hoạt động theo phong cách quản trị kiểu gia đình. Theo đó, những người trong gia đình lần lượt kế thừa và nắm giữ các vị trí quan trọng trong công ty, đồng thời duy trì truyền thống này trong một thời gian dài. Và Nam A Bank có lẽ nhận được sự hậu thuẫn từ Tập đoàn Hoàn Cầu khi những người sở hữu của tập đoàn này cũng đồng thời nắm giữ phần lớn cổ phần của Nam A Bank. Nói đến Hoàn Cầu là nói về một tập đoàn tư nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và du lịch, được dẫn dắt bởi bà Trần Thị Hường (hay gọi là bà Tư Hường), một doanh nhân khá kín tiếng.

Hãy quay trở lại với Nam A Bank, mô hình quản trị gia đình được thể hiện khá rõ. Hiện tại, có đến 3/7 thành viên Hội đồng Quản trị của Nam A Bank đều là người có liên quan trực tiếp đến bà Tư Hường. Theo báo cáo quản trị năm 2013, nhóm cổ đông có liên quan trực tiếp này nắm giữ 16,336% số cổ phần của Nam A Bank, chưa tính đến Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Rồng Thái Bình Dương (hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, xây dựng và bất động sản) hiện nắm giữ 14,255% (Rồng Thái Bình Dương là công ty thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu, theo thông tin trên website của công ty này và trên website của Hoàn Cầu). Đây là những con số được công bố chính thức ra bên ngoài.

Với tỉ lệ sở hữu lớn, không có gì lạ khi mô hình quản trị gia đình được áp dụng. Dù có điểm lợi, nhưng mô hình này cũng sẽ vấp phải nhiều khó khăn nếu đặt vào những công ty lớn hơn, nhất là ngành ngân hàng vốn phức tạp.

Một ví dụ có thể tạm gọi là thành công trong việc mô hình quản trị gia đình thay đổi phù hợp nhu cầu quản trị của ngân hàng lớn là trường hợp giữa Ngân hàng Phương Nam và Sacombank. Dù chưa sáp nhập với nhau, trên thực tế người của Phương Nam đã chính thức sang điều hành Sacombank vài năm trở lại đây.

2012 là năm mà Sacombank gặp nhiều biến động về nhân sự và lợi nhuận trước thuế cũng chỉ đạt 1.368 tỉ đồng, giảm đi một nửa so với năm trước đó. Nhưng từ năm 2013, con số này đã tăng lên đến 2.960 tỉ đồng. Sang năm 2014, lợi nhuận trước thuế (chưa kiểm toán) là 2.862 tỉ đồng. Tăng trưởng tín dụng trung bình trong 3 năm gần đây lên đến gần 16,7%.

Kết quả tăng trưởng của Sacombank vẫn ổn định phần nào cho thấy sự thành công nào đó về mặt thay đổi kiểu quản trị từ nhỏ đến lớn, từ gia đình đến đại chúng hơn. Thách thức của chú cá nhỏ Nam A Bank vẫn còn rất lớn khi thay đổi mô hình quản trị cho phù hợp với quy mô mới. Nhưng nếu thành công, sự mở rộng quy mô là phần thưởng xứng đáng.

Kỳ đại hội cổ đông ngân hàng sắp tới của hai ngân hàng này dự kiến sẽ diễn ra sôi nổi. Nam A Bank là ngân hàng mở màn cho mùa đại hội cổ đông năm nay khi đại hội dự kiến diễn ra khá sớm, gần cuối tháng 3 này. Có nhiều nội dung nhưng có lẽ các cổ đông đang trông đợi nhiều hơn vào phần M&A. Tuy nhiên, có lẽ cũng khó kỳ vọng cái tên chính thức được đưa ra trong lần đại hội này. Theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, đại hội lần này chỉ xin ý kiến cổ đông về chủ trương sáp nhập. Còn M&A là cả một chặng đường rất dài, ngoài sự đồng ý của cổ đông, còn phải chờ sự phê duyệt cuối cùng của cơ quan quản lý.

Ở Eximbank, đại hội cổ đông lần này diễn ra khoảng sau đó 1 tháng. Tuy nhiên, thông tin kỳ họp đại hội lần này cũng không có gì mới mẻ, ngoài việc cổ đông chờ đợi xem Ban quản trị mới chính thức là ai, khi Hội đồng Quản trị cũ đã hết nhiệm kỳ và nhất là sau những giao dịch cổ phiếu thỏa thuận khổng lồ.

Rõ ràng, con đường để đi đến M&A giữa hai ngân hàng này còn rất dài. Nhưng nếu thương vụ được xác lập, đó sẽ lại thêm một bài học dành cho các ngân hàng lớn: Nếu không cẩn thận, ngay cả các ngân hàng lớn cũng có thể bị “dẫn dắt” bởi đối thủ nhỏ hơn.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here