Không bao giờ trễ để bắt đầu

0
788

Trên thị trường toàn cầu và ở ngay chính Việt Nam, Samsung đã làm nên kỳ tích về kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina (SAVINA), chia sẻ về quan điểm và chiến lược đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam.

Samsung đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam gần 20 năm qua với pháp nhân Công ty Điện tử Samsung Vina (SAVINA) và đã đạt được những thành công to lớn. Dù đã có tiếng, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, nhưng với thị trường hàng điện tử, điện gia dụng đã có hàng chục thương hiệu nổi tiếng trên thế giới góp mặt, áp lực cạnh tranh đối với Samsung vẫn luôn luôn gay gắt. Ông Nguyễn Văn Đạo – Phó Tổng giám đốc SAVINA là người đã nhiều năm gắn bó với Samsung từ những ngày đầu.

Nhân sự là yếu tố quyết định thành công

* Chào ông, nửa năm 2013 đã đi qua, kết quả kinh doanh của Samsung tại Việt Nam có khiến ông và Tập đoàn hài lòng?

Sáu tháng đầu năm 2013, kết quả kinh doanh của SAVINA vẫn tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa cao so với kỳ vọng của công ty. Trong tình hình kinh tế còn khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm hơn, bớt chi tiêu mua sắm hơn là điều dễ dàng nhận thấy. Dù thế, SAVINA vẫn tiếp tục dẫn đầu về thị trường điện thoại di động smartphone từ 2 năm qua đến nay; dẫn đầu trên thị trường tivi LED và Plasma. Bên cạnh đó, thị trường điện thoại phổ thông cũng đã phát triển mạnh và so kè sít sao với đơn vị dẫn đầu. Samsung đã nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm có giá tầm trung chỉ khoảng 2 triệu đồng để phù hợp với mức thu nhập của nhiều người dân ở các thị trường mới nổi như Việt Nam. Rõ ràng với dãy sản phẩm trải rộng từ mức giá trung bình đến cao thì doanh số điện thoại smartphone bán ra của Samsung vượt trội là điều dễ hiểu.

* Samsung được đánh giá là thành công lớn tại thị trường Việt Nam, vậy theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất góp phần vào sự thành công đó?

Theo tôi, đó chính là đội ngũ nhân viên đã nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu ngay từ những ngày đầu khi bước chân vào thị trường. Tôi còn nhớ những năm 1998 – 1999, bản thân tôi dù là Phó tổng giám đốc vẫn ngồi trên xe rong ruổi đến thăm từng đại lý trên khắp mọi miền, thường xuyên mỗi tháng như vậy. Đội ngũ nhân viên nhiệt tình đã tạo nên sự gắn bó thân tình, từ đó gây được sự tin tưởng của đại lý và cả người tiêu dùng. Có những đợt tổ chức triển lãm, trưng bày và giới thiệu sản phẩm ở những địa phương xa xôi, tôi cùng các anh em không phân biệt chức vụ, bộ phận đều không ngần ngại lăn xả vào bưng bê, lắp đặt máy móc…

Đến thời điểm này thì Samsung đã có nhiều sản phẩm đa dạng hơn, ứng dụng công nghệ mới nhất, thiết kế trang nhã, lịch sự và quan trọng hơn cả là thương hiệu đã được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng và ưa chuộng, một phần cũng từ những công sức của lớp người đi tiên phong đó.

* Hiếm khi có chuyện một người Việt Nam gắn bó với một công ty nước ngoài trong thời gian dài như vậy. Lý do nào để anh luôn đồng hành với Samsung Việt Nam?

“Điều cơ bản nhất một công ty cần là có sản phẩm chất lượng tốt, từ đó hãy nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu.” 

Tôi gia nhập SAVINA từ năm 1998. Đến năm 2005, tôi rời khỏi SAVINA để quay về với công ty Việt Nam đã làm trước đó, sau khi đơn vị này được cổ phần hóa. Tuy nhiên, sau 1 năm tôi thấy không thích hợp với cách quản lý trong nước nên lại xin nghỉ. Khi nghe được tin đó, Samsung mời tôi về lại.

Ngay khi vừa trở lại, tôi bắt đầu tham gia cùng với đoàn đàm phán đến từ Hàn Quốc để bắt tay vào quá trình nghiên cứu, thương thảo, xây dựng dự án nhà máy SEV (Samsung Electronics Vietnam), tiền thân của khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Bắc Ninh hiện nay. Đây cũng là giai đoạn khá vất vả vì tôi phải bay ra bay vào hai miền Bắc – Nam liên tục trong suốt một năm trời với vai trò vừa là tư vấn, vừa là người đứng trung gian làm cầu nối và nhiều lần phải tìm giải pháp để giải quyết những bất đồng ý kiến của đoàn Samsung Hàn Quốc với bên Việt Nam nói chung và địa phương Bắc Ninh nói riêng.

Nhiều người có suy nghĩ là những công ty Hàn Quốc hay thay đổi nhân sự, nhưng thật ra với những tập đoàn lớn như Samsung, việc toàn cầu hóa đã được thực hiện từ lâu, do đó môi trường làm việc cũng như cách tổ chức đã được vận hành theo mô hình chuẩn hóa của quốc tế. Ở Samsung, luôn có những con người khao khát chinh phục đỉnh cao bằng công nghệ mới và công ty tạo mọi cơ hội thuận lợi để mọi người thể hiện năng lực tối đa của mình. Một điều cũng không kém phần quan trọng khác để tôi có thể gắn bó lâu dài với Samsung gói gọn trong việc cả hai bên đều cần nhau nên vẫn còn gắn bó với nhau.

* Nhiều ý kiến cho rằng, do Samsung đầu tư tốt cho marketing, quảng cáo nên sản phẩm mới bán chạy, ông đánh giá về điều này như thế nào?

Xây dựng một thương hiệu không hề đơn giản như vậy. Nghĩ rằng, chỉ cần PR nhiều, quảng cáo nhiều để đánh bóng thương hiệu là có được một thương hiệu mạnh là một sai lầm ấu trĩ. Điều cơ bản nhất mà một công ty cần phải có là sản phẩm với chất lượng tốt, từ đó hãy nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu. Hiện Samsung đi theo chiến lược phát triển những sản phẩm với công nghệ mới nhất, cùng với thiết kế trang nhã và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, với những sản phẩm thông minh đa dạng và đa kết nối của Samsung hiện nay, phần nội dung đi kèm sản phẩm cũng được Samsung chú trọng không kém, để có thể tạo thành một “hệ sinh thái” với những lợi ích cao nhất cho khách hàng của mình. Samsung hiện là đơn vị dẫn đầu về phát triển nội dung cho các sản phẩm như smart tivi, điện thoại smartphone theo hướng địa phương hóa. Đây là một dịch vụ gia tăng chăm sóc khách hàng bên cạnh chiến lược sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp mà không phải bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể làm được.

Luôn có cơ hội để phát triển

* Kế hoạch sắp tới của Samsung tại Việt Nam có gì mới, thưa ông?

Tập đoàn Samsung vừa tăng thêm vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Khu tổ hợp Công nghệ cao Samsung Bắc Ninh, nâng tổng vốn đầu tư tại đây lên 2,5 tỷ USD. Như vậy, tính đến giờ phút này, vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam gồm hai khu tổ hợp công nghệ cao tại Thái Nguyên và Bắc Ninh lên đến 4,5 tỷ USD. Riêng liên doanh SAVINA (nhà máy ở Thủ Đức) có vốn từ ban đầu là 17,5 triệu USD và phía Samsung Hàn Quốc nắm 80% vốn. SAVINA chủ yếu sản xuất hàng điện tử gia dụng như: tivi, màn hình máy tính, tủ lạnh, máy giặt… nên qui mô vốn không lớn. Trong khi đó hai khu tổ hợp công nghệ cao Bắc Ninh và Thái Nguyên được đầu tư dưới dạng cứ điểm sản xuất có quy mô lớn, từ đó phục vụ cho thị trường của nhiều nước trên thế giới, nên vốn đầu tư ban đầu đã khá lớn. Dự kiến nhà máy thiết bị di động tại Thái Nguyên sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2013.

* Theo ông, những dự án đầu tư của Samsung sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi ích gì?

Nhiều người nói rằng, Samsung đã nhận được ưu đãi quá nhiều. Nhưng tất cả những ưu đãi cho dự án đầu tư của Samsung tại Bắc Ninh hay Thái Nguyên cũng đều phải tuân thủ đúng luật pháp Việt Nam.

Hơn nữa, những dự án đầu tư của Samsung có hiệu quả thật sự, vốn giải ngân thường nhanh hơn tiến độ cam kết và đã tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương cùng những vùng lân cận. Điều này hoàn toàn khác biệt với những dự án đăng ký vốn khủng nhưng cứ trì hoãn hoặc chỉ giải ngân ở mức độ nhỏ giọt. Các dự án của Samsung cũng đóng góp con số khá đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Dự kiến năm 2013, nhà máy tại Bắc Ninh sẽ xuất khẩu khoảng 16 – 17 tỷ USD và khi nhà máy Thái Nguyên đi vào hoạt động thì con số này sẽ lớn hơn nhiều.

* Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nhà máy này có doanh số xuất khẩu lớn, nhưng Việt Nam chưa thu được gì. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Nhìn nhận này chưa đúng, bởi theo luật định, các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn như Samsung được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên kể từ khi đi vào hoạt động. Bắt đầu từ năm nay nhà máy tại Bắc Ninh sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và dự kiến con số này sẽ lên đến cả ngàn tỷ đồng. Quan trọng nhất là những người lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam đã có tầm nhìn xa trong việc phê duyệt và thu hút các dự án đầu tư công nghệ lớn vào Việt Nam. Đó là khi Samsung xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị di động với quy mô lớn tại Việt Nam đã kéo được hàng trăm nhà sản xuất linh kiện phụ trợ từ bên ngoài vào theo. Từ những doanh nghiệp sản xuất vệ tinh này, các doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi và sau đó tự mình sản xuất, trở thành các nhà cung ứng cho những tập đoàn như Samsung, Intel… Tôi nghĩ, đó chính là lợi ích lâu dài mà những dự án đầu tư lớn của các tập đoàn quốc tế mang lại cho Việt Nam và chúng ta phải biết cách tận dụng cơ hội đó.

* Ông là người đã làm việc rất nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ, vậy ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển của ngành công nghiệp điện tử, vi mạch Việt Nam?

Tôi nhớ, tại đại bản doanh của Samsung ở Hàn Quốc vào khoảng năm 1981, khi người đứng đầu đưa ra quyết định sẽ đầu tư mạnh cho việc sản xuất chip bán dẫn thì đã có nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng lúc ấy đã quá trễ. Tuy nhiên, vị lãnh đạo vẫn cương quyết thực hiện ý định này và ngày nay Samsung đã trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn. Không một sự bắt đầu nào là trễ, mà quan trọng là phải bắt đầu và nhất là phải có quyết tâm làm đến nơi đến chốn. Việt Nam muốn phát triển công nghiệp vi mạch thì quan trọng nhất là làm thế nào để xây dựng đội ngũ nhân sự có trình độ. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cụ thể, vì nếu để doanh nghiệp tự tìm giải pháp cho mình trong lĩnh vực này thì sẽ có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về hiệu quả đầu tư.

Phải biết cân bằng trong cuộc sống

* Là người bận rộn, có lúc nào ông thấy thiếu thời gian cho việc gì đó hay không?

Nói chung, thời gian luôn luôn thiếu. Nhưng nguyên tắc của tôi là phải dành thời gian riêng cho bản thân mình để làm những công việc yêu thích như đọc sách, xem phim hay nghe nhạc. Những việc này sẽ giúp mình cân bằng được cuộc sống bên cạnh áp lực của công việc. Tôi hay đọc sách trên xe để tiết kiệm thời gian.

* Ở vị trí Phó Tổng giám đốc của một công ty lớn trong thời gian dài, ông có lên kế hoạch riêng cho mình sau này?

Đây là vấn đề tôi vẫn đang suy nghĩ. Làm việc ở Samsung không giống như ở công ty nhà nước hay công ty Việt Nam là biết tuổi nghỉ hưu. Ở đây sẽ tùy thuộc vào năng lực và đóng góp của mình. Nếu công ty cảm thấy cần thì vẫn tiếp tục làm việc. Trước đây tôi cũng nghĩ là cần phải làm cái gì đó cho riêng mình. Nhưng những năm vừa qua kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn nên suy nghĩ đó tạm thời gác lại. Tương lai thì chưa thể nói được!

* Xin cám ơn ông!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here