Nội Dung Chính
Một khi Tập đoàn Masan (MSN) đưa doanh nghiệp nào vào tầm ngắm sáp nhập và mua bán (M&A) thì sớm hay muộn họ sẽ hoàn thành mục tiêu.
Đầu năm 2015, Masan đã phát đi thông điệp muốn trở thành nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam, sẽ chiếm 50% thị phần vào năm 2020. Kinh doanh trong nhiều lĩnh vực nên Masan có thừa kinh nghiệm để hoàn tất các thương vụ M&A, kể cả những trường hợp tưởng chừng rất hóc búa.
Phục kích
Khi thông điệp 2015 của Masan được phát ra, có thể hiểu là Masan đã chuẩn bị sẵn những nước cờ có ý nghĩa quyết định. Còn nhớ, năm 2012, Tập đoàn Masan (MSC) mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Việt Pháp, chuyên sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) do Prudential nắm giữ và MSC đã chính thức trở thành cổ đông lớn tại đây. Với giá trị thương vụ 96 triệu USD, Masan đã sở hữu 40% vốn điều lệ Proconco. Khi đó, bước đi này của Masan nhằm mục tiêu bước vào lĩnh vực cung cấp những sản phẩm có nguồn gốc từ đạm theo tiêu chuẩn châu Âu. Để thực hiện được mục tiêu này, MSC dự định sẽ xây dựng nên một chuỗi giá trị gồm: giống sạch – thức ăn sạch – nuôi sạch – chế biến sạch – phân phối và bảo quản sạch mà Proconco là một trong những mắt xích quan trọng.
Tuy nhiên, với cấu trúc sở hữu này, Masan chưa thể chi phối toàn bộ chiến lược cũng như thực hiện các kỳ vọng của mình, do vấp phải quyền biểu quyết đến từ cổ đông lớn khác gồm: Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) nắm tỷ lệ sở hữu 24% tại Proconco, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) nắm 17,5% và Tổng công ty Tín Nghĩa (13%). Ba cổ đông này chiếm quyền chi phối trên 50% vốn điều lệ và đều là doanh nghiệp nhà nước.
Bằng mọi cố gắng, đến tháng 4/2015, Masan đã mua được toàn bộ số cổ phần Proconco của Tín Nghĩa để nâng tỷ lệ sở hữu lên 53%.
Câu chuyện của Masan tại Proconco đã sang trang, nhưng nước cờ của Masan chưa dừng tại đây. Với quyền chi phối nắm trong tay, Masan toan tính đến mục tiêu lớn hơn là thâu tóm hoàn toàn Proconco. Masan đã chủ động thực hiện thế cờ này. Hai cổ đông lớn còn lại tại Proconco là Dofico và Seaprodex. Vào những ngày cuối tháng 8/2015, Seaprodex tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc thoái hết vốn tại Proconco. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ nẵm giữ cổ phần tại Proconco của 3 cổ đông lớn nhất vẫn là: Masan 53%, Dofico 24% và Seaprodex là 17,5%.
Đầu năm 2015, Masan đã phát đi thông điệp muốn trở thành nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam, sẽ chiếm 50% thị phần vào năm 2020. Masan đánh giá tiềm năng của ngành thức ăn chăn nuôi đang phát triển có trị giá 6 tỷ USD. Trong tháng 4/2015, Masan đã mua lại 70% Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (Anco) thông qua việc mua lại 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Masan không giấu ý định hợp nhất Proconco và Anco để trở thành công ty sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất và sản xuất thức ăn nói chung lớn thứ hai tại Việt Nam.
Các thương vụ M&A của Masan rất chuyên nghiệp và được tính toán tương đối kỹ lưỡng.
Ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Dofico xác nhận, Dofico cũng có dự định thoái vốn tại Proconco và đang tiến hành xin ý kiến từ cơ quan chủ quản. Nguyên nhân là do giữa Masan và Dofico không có nhiều tiếng nói chung trong chiến lược phát triển kinh doanh tại Proconco. Và như vậy có lẽ trong thời gian không xa nữa, các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy những dịch chuyển về cổ đông và chiến lược mới tại Proconco.
Chiến thuật M&A của Masan
Masan mạnh về vốn, điều này là quá rõ. Nhưng nếu nghĩ Masan chủ yếu dùng tiền để M&A thì không hẳn. Chẳng hạn, khi Masan chào mua công khai cổ phần của Vinacafe Biên Hòa, giá chào mua còn thấp hơn giá thị trường.
Các thương vụ M&A của Masan rất chuyên nghiệp và được tính toán kỹ lưỡng. Nếu thương vụ M&A tại Proconco là sự kiên nhẫn chờ thời thì với Vinacafe Biên Hòa là bài toán đường vòng. Cách chơi của Masan cho thấy rằng, mỗi thương vụ đều được tính toán kỹ cách tiếp cận, từ giá đến thời điểm mua, cho đến khi đạt được mục đích. Khi Masan đặt vấn đề chào mua cổ phiếu Vinacafe Biên Hòa (VCF), lúc đó tập đoàn này hoàn toàn không nắm trong tay một cổ phiếu VCF nào. Ngay lập tức đại diện phần vốn nhà nước tại VCF lên tiếng sẽ không bán phần vốn này và yêu cầu các nhân viên cũng không nên bán. Tuy nhiên, phần vốn nhà nước tại VCF là 37,3%, một cổ đông lớn, nhưng chưa đến mức chi phối. Masan lần lượt đánh “tỉa” các cổ đông khác, gồm các quỹ (nắm giữ 20% tỷ lệ sở hữu tại VCF), một cá nhân (7,7%) và một công ty chứng khoán (8,63%). Cùng với đó, Masan âm thầm mua một số lượng lớn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thông qua các môi giới. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, Masan đã nắm tỷ lệ sở hữu trên 50% tại VCF và xem như chính thức thâu tóm VCF. Động thái này buộc đại diện phần vốn nhà nước phải mời Masan đến hợp bàn chiến lược để cùng nhau phát triển VCF.
Masan đã lặp lại cuộc chơi này khi trong năm 2014 chào mua công khai 49% cổ phần của Cholimex Foods. Hai cổ đông chính của Cholimex Foods là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) sở hữu 40,72% cổ phần và Nichirei Foods sở hữu 19% cổ phần, đã ra thông cáo chung khẳng định hai tổ chức này sẽ không bán. Vì thế, Masan đã chọn mua cổ phần từ các nhà đầu tư khác, trong đó có 24,22% cổ phần thuộc về nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như hai cổ đông lớn là Cholimex và Nichirei Foods có những mục tiêu lớn trong việc phát triển Cholimex Foods thì những nhà đầu tư khác có lẽ chỉ cần đạt được giá trị kỳ vọng là bán. Đây chính là “cửa” để Masan chọn mua cổ phần từ những nhà đầu tư này. Và đến thời điểm hiện nay họ đã mua được 32,8% cổ phần của Cholimex Foods. Mặc dù hiện Masan chưa đạt được mục đích đưa người vào hội đồng quản trị Cholimex Foods trong đại hội cổ đông thường niên vừa qua, nhưng nếu nhìn cách mà Masan tiến hành với Proconco và VCF thì khó có thể nói trước điều gì tại Cholimex Foods trong thời gian không xa.