Khanh AA kể chuyện tăng trưởng

0
978

Hôm 20.5.2014, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã thông báo danh sách 20 công ty tăng trưởng toàn cầu Global Growth Companies (GGCs) của khu vực Đông Á. 20 công ty này đến từ nhiều ngành khác nhau, nhưng có đặc điểm chung là có tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tốc độ trung bình của ngành, có nhiều cải tiến sáng tạo đi đầu trong hoạt động kinh doanh và có nhiều tiềm năng để trở thành những “công ty lãnh đạo” trong nền kinh tế thế giới.

Điều ấn tượng là có đến 5 trong 20 công ty này đến từ Việt Nam. Đó là Công ty Xây dựng AA, Công ty Cổ phần VNG, Tập đoàn Du lịch Thiên Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Thế giới Di động. NCĐT đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thiết kế AA về cách tăng trưởng của doanh nghiệp này.

* Lý do nào khiến AA lọt vào nhóm doanh nghiệp GGCs?

Tiêu chí đầu tiên để WEF chọn là doanh nghiệp phải tăng trưởng tốt nhất, bao gồm sự tăng trưởng doanh thu và thị phần trong nước và xuất khẩu. Tại AA, sự tăng trưởng được ghi nhận chủ yếu là ở lĩnh vực xuất khẩu.

Từ trước đến nay xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI. Nên sự tăng trưởng của AA với sản phẩm là hàng nội thất công trình, đặc biệt là công trình cao cấp theo họ đánh giá là tốt và cần khuyến khích. Nghĩa là nếu có nhiều doanh nghiệp làm được như AA sẽ giúp doanh số xuất khẩu cho ngành gỗ Việt Nam tăng lên rất nhiều.

* Cụ thể là doanh thu của AA tăng trưởng như thế nào trong 3 năm qua?

Tăng trưởng trung bình của AA trong 3 năm qua là khoảng 28%. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu 3 năm vừa qua của AA có năm đạt ở mức 100%. Năm 2013, tỉ lệ doanh thu nội địa và xuất khẩu của AA lần lượt là 60% và 40%; kế hoạch năm nay là 50%-50%

Về mặt doanh thu năm 2013, AA đạt khoảng 75 triệu USD và mục tiêu trong vòng 3 -5 năm nữa con số này sẽ ở mức khoảng 200 triệu USD. Về lợi nhuận tôi xin không công bố.

* Thị trường bất động sản trên thế giới và cả Việt Nam trong nhưng năm qua đều khó khăn, AA dựa vào đâu để duy trì tốc độ tăng trưởng?

Cái này phải thừa nhận là mình có may mắn. Ví dụ, ở thị trường Myanmar, năm 2011 mình tham gia đoàn xúc tiến thương mại của TP.HCM để khảo sát thị trường này. Thời điểm đó có dự án khách sạn Shangri-La đang đấu thầu hạng mục nội thất, tình cờ tham gia nhưng AA trúng thầu luôn dự án án này.

Ngay từ năm 2011 mình đánh giá thị trường bất động sản trong nước vẫn sẽ khó khăn nên đã quyết liệt đẩy mạnh ra thị trường nước ngoài. Ngoài Myanmar, AA cũng đẩy mạnh sang một số quốc gia khác trong khu vực châu Á như Campuchia, Bhutan. Hiện AA xây dựng một nhà máy tại Bhutan để phục vụ cho nhu cầu phát triển. Ngoài ra, AA cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm sang Dubai và Mỹ.

Doanh thu năm 2013, AA đạt khoảng 75 triệu USD và mục tiêu trong vòng 3 -5 năm nữa con số này sẽ ở mức khoảng 200 triệu USD.

Ngoài ra, sự tăng trưởng tốt cũng là lợi thế của AA. Trong giai đoạn khó khăn, các chủ đầu tư chỉ muốn chọn được những doanh nghiệp tốt. Và AA từ trước đến nay đã tốt rồi nên AA cũng có lợi thế riêng. Trong 2 năm qua, dù thị trường khó khăn nhưng AA vẫn trúng thầu 2 dự án lớn là InterContinential Đà Nẵng và JWMariot ở Hà Nội.

* Đâu là lợi thế của AA so với các đối thủ quốc tế?

Đầu tiên đó là lý lịch. Nghĩa là trong hơn 20 năm qua mình đã làm bao nhiêu cái khách sạn 5 sao, bao nhiêu công trình ở tầm thế giới. AA đã làm qua tất cả các khách hàng lớn như Accor, Sofitel hay Ritz Carlton… nên lý lịch của AA rất có lợi thế. Cái thứ hai là do mình vẫn có lợi thế hơn một chút về giá thành, nhân công rẻ hơn nên giá mình bỏ thầu có thể thấp hơn một chút.

* Bhutan là một quốc gia rất nhỏ tại sao AA lại mở nhà máy ở đây, thưa ông?

Bhutan thị trường nhỏ nhưng khi xây dựng công trình nào đều là cao cấp, đặc biệt là lĩnh vực khách sạn. Đất nước này phát triển rất mạnh về du lịch. Tại Bhutan cũng chưa có một nhà máy nào sản xuất nội thất.

* Cách làm của AA khác như thế nào với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Việt Nam?

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hay sản xuất gỗ ở Việt Nam chủ yếu là gia công thành phẩm cho các nhà bán lẻ và thường bị khống chế giá thành nên lợi nhuận rất thấp. AA cũng gia công, nhưng là gia công cho các công trình của các chủ đầu tư và phải đấu thầu.

Trong khi đó, mỗi công trình là một dự án khác nhau, không có giá chuẩn nào. Bởi một công trình đều có một thiết kế, nguyên vật liệu hoàn toàn khác nhau. So với gia công cho các nhà bán lẻ thì việc gia công cho các công trình đòi hỏi quá trình phức tạp hơn, phải trải qua nhiều khâu hơn nên có lợi nhuận cao hơn.

* Các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam cần làm gì để gia tăng giá trị xuất khẩu?

Cần sản xuất những sản phẩm mà thiết kế đóng vai trò quan trọng, chiếm 50-60% lợi nhuận của sản phẩm. Các nhà thiết kế phải sáng tạo nhiều hơn. Khi có lợi thế về thiết kế, chúng ta không còn bị động về giá cả nữa mà có quyền tạo ra giá chúng ta muốn.

Khi có lợi thế về thiết kế, chúng ta không còn bị động về giá cả nữa mà có quyền tạo ra giá chúng ta muốn.

* AA có chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm riêng thay vì thương hiệu doanh nghiệp như hiện tại không?

Đây là bước thứ hai trong chiến lược của AA và đang được thực hiện. Hiện nay, AA làm showroom trong xưởng sản xuất, trưng bày các sản phẩm mang thương hiệu AA.

* Tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhiều ông chủ thường can thiệp sâu vào quá trình điều hành của các CEO, khiến họ thường không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đây có phải là lý do khiến Chad Ovel (CEO cũ của AA) ra đi ?

Thực ra chuyện can thiệp hay không can thiệp là do cách tổ chức làm việc. Nhiều CEO vẫn thích có sự can thiệp của ông chủ chứ. Với ông chủ công ty, ai lại không muốn giao hết cho khỏe. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có đặc thù riêng nên đòi hỏi phải có sự can thiệp của ông chủ.

Ở lĩnh vực thiết kế, muốn làm tốt đòi hỏi phải có tình yêu với nó. Trong trường hợp của anh Chad, AA vẫn muốn thuê nhưng sau một thời gian thử sức Chad muốn quay lại làm đầu tư. Chad vốn xuất thân là dân tài chính, nên việc quay lại lĩnh vực này anh ấy sẽ có cơ hội tốt hơn.

* Vậy ông đã có kế hoạch tìm CEO mới chưa?

Hiện mình đang đào tạo lớp kế thừa để chuẩn bị chuyển giao. Có thể sẽ có CEO mới trong thời gian tới.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here