Nội Dung Chính
Năm 2016 đánh dấu 20 năm triển khai dịch vụ Internet ở Việt Nam, kết nối Việt Nam với thế giới qua Internet.
Không còn nghi ngờ, trong 20 năm qua, Internet đã đóng góp vào việc thay đổi cách thức chúng ta sống, làm việc, học tập và giải trí và hướng đến một cuộc sống và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Từ “cục gạch” đến internet vạn vật
Thế giới đã và đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đơn cử như trong một miếng hình chữ nhật con con mà ta vẫn gọi là điện thoại di động. Từ một “cục gạch” do ông Martin Copper từ Motorolar chế tạo ra năm 1973, người ta phải mất 11 năm để có thể thương mại hóa và đưa điện thoại di động ra thị trường.
Chỉ trong vòng 5 năm, từ chiếc Galaxy S đầu tiên với chỉ 6 cảm biến cho đến phiên bản Samsung S5 đã có đến 16 cảm biến cùng với bộ xử lý, khả năng lưu trữ lớn đến mức không thể có được trong các hệ máy tính chuyên dụng trước đây.
Điều kỳ diệu là tất cả những công nghệ và khả năng này có thể nén lại trong một thanh chữ nhật nặng hơn 100 gam có thể cầm gọn trong tay mà theo TS.Gregory N. Washington vào những năm 1980 tương đương 1.400 kg thiết bị với các công nghệ rời rạc không kết nối với nhau.
Điều mang lại giá trị chính đó là số lượng các đối tượng được kết nối. Theo Định luật Metcalfe, giá trị mang lại của một mạng viễn thông tăng theo bình phương của số đối tượng được kết nối trong mạng lưới trong khi đó giá thành chung thì tăng tỷ lệ thuận với số đối tượng được kết nối trong mạng lưới.
Chính vì nhìn thấy giá trị này và do các nhu cầu thực tế trong các ngành mà số lượng các đối tượng không phải con người được kết nối tăng với một tốc độ chóng mặt, cho đến nay, đạt trên 25 tỷ và dự báo sẽ tăng đến hơn 50 tỷ vào 2020. Đó là điện thoại di động, máy tính, thiết bị đeo được kết nối, camera IP, máy giặt thông minh, TV thông minh, đèn giao thông thông minh, xe ô tô được kết nối… được kết nối với mục đích mang lại giá trị mới đáp ứng nhu cầu mới của con người hiện nay và tương lai.
Tiến hóa của internet qua các thời kỳ vượt xa những mục đích ban đầu của những nhà phát minh ra internet. Chúng ta đã trải qua thời kỳ số hóa cách truy xuất thông tin với dịch vụ như email, web, search; đến thời kỳ nền kinh tế được kết nối với sự ra đời của thương mại điện tử bằng việc bước đầu số hóa quy trình công việc.
Sau khủng hoảng những đầu năm 2001, thế giới chuyển sang một thời kỳ mới nơi mà mọi cá nhân có vai trò bình đẳng và cơ hội như nhau trong một thế giới phẳng hơn với các dịch vụ số hóa các tương tác như mạng xã hội, đám mây, di động, video. Song song với internet, sự hội tụ của công nghệ thông tin (CNTT) và liên lạc viễn thông vào thành ICT một thế giới khác cũng chuyển động không ngừng với các cuộc cách mạng lớn tạo nên thế giới của các công nghệ điều hành: tự động hóa, điều khiển, đo lường, điện tử…
Từ những thách thức và nhu cầu mới để có thể kết nối toàn bộ doanh nghiệp từ phân khúc ICT đến phân khúc OT (Operational Technology) một xu hướng mới hay một thời kỳ Internet mới ra đời: Internet của sự vật (Internet of Things – IoT), nơi mà không chỉ con người kết nối với nhau nữa mà các sự vật cũng kết nối với nhau, cung cấp các thông tin có giá trị kịp thời cho con người với những khái niệm mới như wearable, M2M, sensors, big data/ analytics…
Khả năng mới này giúp chúng ta kết nối những gì chưa được kết nối vào một mạng lưới khổng lồ xuyên suốt từng ngành, lĩnh vực. Thế giới đã có một tầm nhìn hướng đến thời kỳ IoT, nơi chúng ta có thể số hóa thế giới kết nối con người, sự vật và dữ liệu bằng các quy trình thông minh để trị giá tiềm ẩn lên đến 19 ngàn tỷ USD trong khoảng thời gian 2013 – 2022.
Tầm nhìn cho Việt Nam
Từ việc quan sát và dự báo quá trình tiến hóa của internet, Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội của Internet of Everything và cần xây dựng vững chắc nền tảng cơ sở từ Internet of Things (IoT) ngay từ bây giờ trong tất cả các lĩnh vực, từ quốc gia đến từng hộ dân, cá nhân.
Từ một góc nhìn khác, chúng ta đã đã trải qua hai thời kỳ phát triển của nền tảng ICT: Nền tảng thứ nhất từ ban đầu đến 1998 (theo cách gọi của IDC). Thời kỳ chúng ta có terminal/mainframe phục vụ cho hàng triệu người dùng may mắn với hàng ngàn ứng dụng; Nền tảng thứ 2 (đến 2011) với LAN/ Internet, Client/ Server, PC phục vụ cho hàng trăm triệu người dùng với hàng chục ngàn ứng dụng.
Nay chúng ta đang trong thời kỳ chuyển tiếp sang nền tảng thứ ba với Mobile Broadband, Big Data/Analytics, Social Business, Cloud Service, thiết bị mobile phục vụ cho hàng tỷ người dùng và hàng chục tỷ đối tượng kết nối không phải là con người với hàng triệu ứng dụng. Từ góc độ nền tảng ICT, các xu hướng mới thúc đẩy sự phát triển của nền tảng thứ ba bao gồm: Robotic, IoT, giao diện tự nhiên, hệ thống nhận thức, in 3D và an ninh thế hệ mới.
Các cường quốc CNTT xuất phát từ châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đã tận dụng tối đa cơ hội ở nền tảng thứ 2 để mang CNTT trở thành một ngành chủ đạo tầm quốc gia, vị trí cao trong quốc tế và hỗ trợ cho các ngành khác phát triển vượt bậc. Việc chuyển sang nền tảng thứ ba cho Việt Nam một cơ hội mới “bình đẳng” hơn, nhưng nếu không có những bước đi chiến lược, táo bạo và quyết liệt thì cơ hội cũng chỉ mãi là cơ hội.
Một quốc gia như Việt Nam từ mạng ICT cho 90 triệu người dùng khi chuyển sang IoT, toàn bộ các đối tượng được kết nối và con người có thể lên đến hơn 1 tỷ. Điều đó cho thấy nếu thực sự muốn bước vào cuộc chơi của tương lai, của Internet of Everything, thì không thể tiếp tục nâng cấp mạng ICT theo lối mòn cũ, mà phải có một tầm nhìn tổng thể cho từng doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia cho làn sóng số hóa mới.
Đó phải là một sự chuyển mình tổng thể trong mọi lĩnh vực: giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng, sản xuất, quốc phòng, an ninh xã hội, quản lý đô thị, điều hành chính phủ/cung cấp dịch vụ công… với các mô hình như Bệnh viện thông minh, Lưới điện thông minh, Học tập được kết nối, Giao thông thông minh, Thành phố thông minh…
Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đón một làn sóng FDI khổng lồ, mang lại các giá trị kinh tế, xã hội lớn cho Việt Nam. Đó là cơ hội lớn để chúng ta có thể ứng dụng mô hình IoT cho từng ngành nghề nhằm tối đa hóa việc tạo ra giá trị và tính bền vững của từng dự án.
Đứng trước làn sóng mới của FDI, trước cơ hội mở ra sau TPP và gần đây là ACE cũng như hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng quốc gia chiến lược từ nguồn ngân sách, chúng ta cần có những bước đi chiến lược để xây dựng một nền tảng IoT hiện đại, đồng bộ để tối đa hóa giá trị mang lại cũng như tạo nền tảng cho cuộc cạnh tranh mới từ mức cá nhân, doanh nghiệp cho đến quốc gia trong thời kỳ Internet of Everything hay nói một cách khác của WTO, TPP, ACE nơi mà không có chỗ cho những tụt hậu, trì trệ, thiếu hụt, không tương thích, không kịp thời, không linh hoạt.
IoT không còn là một dự đoán nữa mà là một cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ mới đang diễn ra như vũ bão trên toàn thế giới. Chúng ta có thật sự tận dụng được cơ hội tạo ra của WTO, TPP, ACE hay không xuất phát chính từ những bước chuyển đổi cơ bản cơ sở hạ tầng số doanh nghiệp, tổ chức, ngành, quốc gia và tri thức của mỗi cá nhân từ ICT sang nền tảng thứ ba cho IoT và xa hơn là Internet of Everything.