Chia sẻ về truyền thông xã hội của Guy Kawasaki, một trong những chuyên gia tiếp thị có ảnh hưởng lớn tại Mỹ và toàn cầu.
Guy Kawasaki, cựu chuyên gia tiếp thị của Apple dưới thời Steve Jobs, hiện là cố vấn tiếp thị của Motorala nói chuyện về kinh doanh và truyền thông xã hội. Cuộc phỏng vấn diễn ra trong chuyến thăm Việt nam của ông vào tháng 8.2013.
Có xu hướng cho rằng tiếp thị kỹ thuật số sẽ thay đổi toàn bộ ngành tiếp thị. Ông nghĩ thế nào?
Ở Việt Nam tôi thấy nhiều người bán mũ bảo hiểm bán hàng bên lề đường. Khó mà tưởng tượng ngày nào đó họ lại sử dụng Internet, Facebook, Twitter để tiếp thị mũ. Nhưng bất kỳ doanh nghiệp nào đặt mục tiêu bán hàng ở thị trường quốc tế đều phải tính đến tiếp thị kỹ thuật số. Điều tuyệt vời nhất với họ đến nay là khả năng tiếp thị được rất nhiều nhưng chi phí rất ít.
Tiếp thị kỹ thuật số là một công cụ, bên cạnh nhiều công cụ truyền thống, hay sẽ là tất cả?
Chỉ có thể nói là tùy vào từng loại hình kinh doanh, sản phẩm, nên tôi không cho rằng cả thế giới sẽ sử dụng hết tiếp thị kỹ thuật số. Nó cũng không phải là mốt nhất thời.
Ông cổ xúy cho mô hình tiếp thị ngược (bottom-up marketing). Cụ thể là thế nào?
Tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp lớn hay các doanh nhân ngây thơ đang làm các phân tích từ trên xuống khi lên kế hoạch tiếp thị. Họ đưa ra những con số rất lớn. Ví dụ, với 100 triệu người ở Việt Nam trong trường hợp tệ nhất sẽ có 1% dân số dùng sản phẩm hay dịch vụ của họ. Nhưng thực tế, rất khó để có được 1 triệu người làm bất kỳ điều gì. Bởi vậy, dự báo (trong tình huống tệ nhất của họ) lại quá sai. Chuyện này xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Mấu chốt là phân tích số liệu ngược từ dưới. Truyền thông xã hội là điều tuyệt vời nhất có thể đến với 1 doanh nghiệp, vì nó nhanh, miễn phí, và có mặt ở khắp mọi nơi. Bất kỳ doanh nghiệp lớn nhỏ nào cũng có thể sử dụng loại hình này.
Bản thân ông là một thương hiệu. Thương hiệu cá nhân quan trọng ra sao hiện nay?
Tôi là trường hợp cực đoan. Nhưng tôi cho rằng ít nhất mỗi người cũng nên tạo cho mình một danh tiếng nhất định về kiến thức chuyên môn của mình, có thể trong lĩnh vực đầu bếp, làm vườn, gì cũng được, cũng là một cách để phân biệt mình với khoảng 500 triệu người khác trên internet.
Cũng có nhiều người muốn giữ phần riêng tư của mình, vì ngại chia sẻ nhiều sẽ mất hết sự riêng tư?
Nếu họ ngại thế thì đừng sử dụng Internet nữa.
Liệu họ có bị mất đi cơ hội nào đó?
Có chứ. Nếu không muốn vất vả hơn, hay bị mất sự riêng tư thì ta cũng đừng phàn nàn làm gì (nếu mất đi cơ hội).
Thực tế là có những người rất nổi bật trên mạng xã hội nhưng lại không nổi bật trên truyền thông truyền thống? Ông nghĩ thế nào về hiện tượng này?
Chắc chắn là như thế. Ví dụ như tôi, tôi là người của mạng xã hội. Tôi bắt đầu có khái niệm về truyền thông xã hội khi sử dụng Twitter năm 2006. Hiện số người theo dõi tôi trên Twitter là 1,5 triệu người; trên Google Plus là 4,5 triệu người; Facebook là 300 ngàn người; Linkedin là 300 ngàn người; Pinterest là 500 ngàn người, Instagram là 500 ngàn người.
Mỗi ngày ông tốn bao nhiêu thời gian lên mạng?
Khoảng 2-3 tiếng.
Hành tinh di động
Điện thoại thông minh đang được người Việt Nam sử dụng như thế nào? Google hỏi 1.000 người độ tuổi 18-64 trong quý 1 năm 2013.
Với một người như ông là khá nhiều phải không?
Khá nhiều. Với tôi, truyền thông xã hội không phải là sở thích mà là công việc kinh doanh. Tôi sử dụng truyền thông xã hội để quảng bá sản phẩm (Motoroal), sách của tôi, các công ty mà tôi đầu tư. Mạng xã hội là môi trường rộng lớn hơn giúp tôi tiếp thị. Để làm như vậy, tôi phải có nhiều người theo dõi hơn. Để có người theo dõi, tôi phải đưa ra những nội dung có ích. Đó là lý doa tôi dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, vì luôn phải tìm ra những nội dung hay để chia sẻ. Ví như hôm nay tôi post hình tôi và sinh viên Việt Nam vì muốn mọi người thấy một phần của cuộc sống cá nhân mình. Cái mà tôi không thích Facebook là mạng xã hội này không cho tất cả những người theo bạn thấy nội dung bạn mới đăng lên, chỉ 20% số bạn trong danh sách đọc được. Google Plus cho tất cả mọi người biết nội dung chia sẻ.
Một doanh nghiệp muốn tiếp thị trên mạng xã hội thì cần tạo ra nội dung có ý nghĩa. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Bạn cung cấp thêm giá trị cho những người dùng khác, chứ không chỉ dùng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình. Giả sử bạn kinh doanh nhà hàng, bạn có thể nói về cách nấu ăn, chọn rượu ngon, hoặc cách tip ở mỗi nước khác nhau. Điều đó khác với chuyện bạn việt trên mạng xã hội là hãy đến cửa hàng tôi, và đây là phiếu giảm giá chúng tôi tặng bạn.
Trong buổi nói chuyện với sinh viên, ông nói lý do ông tư vấn hay đầu tư vào một công ty nào đó là vì ông đang sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của họ?
Đúng vậy. Ví dụ Buffer, trang mạng này giúp reschedule (đặt lại lịch đăng tải) các nội dung trên Facebook, Linkedin hay Twitter. Tôi có thể post lên Facebook ở thời điểm này, tại Việt Nam là 2h45 chiều, nhưng ở Mỹ lại là ban đêm của ngày hôm trước. Những người có thể quan tâm tới nội dung của tôi lại đang ngủ, nên đáng lý phải đợi 9 tiếng nữa tôi mới đăng tải thì lúc đó tôi lại đang ngủ. Buffer sẽ giúp tôi đăng tải vào thời điểm tôi muốn, để cho bạn bè tôi ở Mỹ khi ngủ dậy sẽ đọc được những nội dung tôi chia sẻ. Công ty này ở San Francisco, tôi chưa đầu tư tiền bạc vào đây, mới tư vấn.
Ông cũng nói về việc để thành công, cần kinh doanh với tâm thế của một người nướng bánh chứ đừng là người ăn bánh?
Đúng. Ý tôi là kinh doanh với góc nhìn của người ăn bánh, bạn sẽ thấy chiếc bánh là hữu hạn, và phải cố ăn càng nhanh càng tố để ăn được nhiều. Còn nếu bạn nhìn theo mắt của người nướng bánh thì mình có thể nướng thêm nhiều loại bánh khác nhau, số lượng nhiều hơn để ai cũng có thể thưởng thức. Bởi vậy, những người nướng bánh thành công hơn những người ăn bánh. Triết lý này áp dụng ở tất cả các khía cạnh của việc bán hàng.
Nếu có thể khuyên doanh nhân Việt Nam, ông sẽ nói với họ điều gì?
Đừng cố tạo sản phẩm phiên bản Việt Nam trên nền ý tưởng của Mỹ, mà hãy đưa ra ý tưởng Việt Nam để những doanh nhân ở Mỹ muốn bắt chước.
Ông thường đi truyền cảm hứng kinh doanh cho người khác. Có khi nào tự ông thấy mình hết cảm hứng?
Thực sự rất nhiều lần tôi có được cảm hứng tuyệt vời từ những câu chuyện doanh nhân tạo ra rất nhiều điều đặc biệt cho xã hội từ bàn tay trắng… Còn khi xuống tinh thần thi ta cần phải “man up”. (Có tinh thần sống mạnh mẽ như một con người).