Hạt gạo Việt chỉ “khát” người tài

0
971

Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp “cứu lúa”, GS. TS Võ Tòng Xuân khẳng định hạt gạo Việt không khát nước, không khát phân mà đang “khát” người tài.

Gắn bó hơn nửa đời người cho cây lúa Việt Nam nên hơn ai hết, GS. TS Võ Tòng Xuân là người am hiểu cây lúa Việt, thực trạng ngành lúa đang ở đâu, sẽ đi về đâu và hiểu về những khó khăn trong việc tìm kiếm người kế thừa sự nghiệp lớn của dân tộc. Đây là vấn đề được Giáo sư bộc bạch trong buổi trò chuyện với báo chí chiều 22/11.

* Thưa Giáo sư, là người đi đầu trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam, Thầy có bao giờ nghĩ đến những người sẽ kế thừa sự nghiệp của mình?

GS. TS Võ Tòng Xuân: Thầy cũng có nghĩ chứ. Nhưng thực tại thì dù sinh viên của Thầy rất nhiều, tuy nhiên vì các lý do khác nhau mà không phải ai cũng có thể gắn bó với sự nghiệp này, chỉ một số ít vẫn còn theo đuổi.

* Vậy theo Giáo sư, những người kế thừa sự nghiệp “cứu lúa” này nên là những nhà khoa học hay những nhà doanh nghiệp?

Thực chất là cả hai. Và hiện giờ học trò đang đi cùng với Thầy phần lớn là những nhà khoa học. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận với thực trạng hiện nay, hạt gạo Việt đang thiếu những con người có thể xâu chuỗi từ đầu vào đến đầu ra – đó chính là những nhà kinh doanh, doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp nói chung thôi chưa đủ, phải là những nhà doanh nghiệp có tài, có đầu óc kinh doanh, có tầm nhìn để từ đó mới nhìn thấy toàn cảnh thị trường – đâu là thách thức và đâu là cơ hội.

Đừng cứ nghĩ muốn cứu ngành nông nghiệp thì phải xuất phát từ nông học, mà hãy nghĩ kinh tế chính là nền tảng để điều khiển xã hội. Vì thế vai trò của những nhà kinh tế là vô cùng quan trọng, hay có thể nói là đứng đầu, đặc biệt trong sự nghiệp nâng tầm vóc của gạo Việt Nam, từ đó cải thiện đời sống người nông dân và tạo thêm nhiều công ăn việc làm hơn nữa, giúp phát triển kinh tế đất nước.

* Giáo sư đã tìm thấy những người kế nhiệm là những nhà doanh nghiệp chưa ạ?

Đừng cứ nghĩ muốn cứu ngành nông nghiệp thì phải xuất phát từ nông học, mà hãy nghĩ kinh tế chính là nền tảng để điều khiển xã hội.

Hiện giờ Thầy đang cố vấn cho Hội Doanh nhân Cần Thơ, An Giang và Thầy cũng đang tham gia Hội Doanh nhân Sài Gòn, đồng thời cố vấn cho một số tờ báo đầu tư, kinh tế, doanh nhân,… Từ những mối quan hệ như thế, Thầy nhìn thấy được hiện nay ở nước ta đã có những nhà doanh nghiệp đủ bài bản, xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu gạo uy tín. Tuy nhiên con số này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, tầm 6-7 doanh nghiệp. Cần có thêm nhiều nhà doanh nghiệp có tầm nhìn hơn nữa thì hạt gạo Việt Nam mới có nhiều thay đổi tích cực.

* Được biết Giáo sư cũng rất quan tâm đến các cuộc thi sinh viên như cuộc thi khởi nghiệp kinh doanh Lương Văn Can, và gần đây Giáo sư cũng đã xuất hiện tại cuộc thi Young Marketers mùa 3 với đề tài “Xây dựng thương hiệu gạo Việt cho người Việt” với vai trò Giám Khảo Danh Dự, có phải Giáo sư đang tìm kiếm và hỗ trợ những nhà doanh nghiệp tương lai?

Đây đều là những sân chơi rất bổ ích và thực tế cho sinh viên, để các bạn trẻ có bước đầu được áp dụng và thực hành những kiến thức học được trên trường lớp. Nếu có sự hỗ trợ thích đáng, biết đâu đây chính là những nhà doanh nghiệp tương lai mà Việt Nam đang thiếu, đặc biệt trong thị trường lúa gạo.

Ví dụ như trong cuộc thi Young Marketers, Thầy đánh giá bài làm của các bạn có chất, đã đạt mức « khá ». Các bạn đã nắm được những hướng dẫn từ các doanh nghiệp, từ các chuyên gia và cũng đã đi thực tế để hiểu thêm về người nông dân, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các bạn cũng đã áp dụng các kiến thức kinh tế, marketing một cách bài bản. Từ những bài bản ngày hôm nay, sẽ là tiền đề tốt để các bạn trở thành những nhà doanh nghiệp sau này.

* Giáo sư có thể chia sẻ cụ thể hơn về những điều các bạn sinh viên Young Marketers đã làm được và chưa làm được xét về tính khả thi?

Nếu nói về khả thi, Thầy nghĩ 2 nhóm Inbuzz (với ý tưởng gạo có mùi hương) và Xscape (với ý tưởng gạo nguyên dinh dưỡng) là có tính khả thi cao nhất.

Vì hiện giờ gạo có hương lài đã có sẵn trên thị trường, nếu muốn điều chỉnh mức độ thơm hương lài ta hoàn toàn có thể làm được bằng cách phối trộn OM4900 và Jasmine với những tỉ lệ khác nhau. Chỉ riêng hương sen và hương lá dứa là cần tìm kiếm thêm các giống lúa có mùi hương tương tự thế này, Thầy nghĩ đó chỉ là vấn đề thời gian. Vì hiện nay, ở Thái Lan người ta cũng đã có « dừa dứa » – tức quả dừa có nước thơm mùi lá dứa rồi.

Còn về gạo dinh dưỡng cũng rất khả thi, vì những công nghệ để tăng cường dinh dưỡng cho hạt gạo hiện giờ có rất nhiều. Ví dụ như ở Philippines người ta còn trộn thêm chất sắt vào gạo. Hay để tăng cường protein trong gạo, có thể bón thêm phân Ure một cách phù hợp tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến mùi vị tự nhiên của gạo. Còn để giữ nguyên dinh dưỡng, chỉ cần giữ được phần tấm (phôi) và phần cám, thì chỉ cần lưu ý trong quá trình sản xuất là được.

Nông nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn và thử thách, nên cần một người yêu cây lúa đủ để kiên trì theo đuổi với sự nghiệp này, và cũng cần phải yêu cả nông dân nữa.

Hướng đi gạo đặc sản của nhóm Cát cũng tiềm năng, có thể đẩy mạnh trồng gạo đặc sản với sản lượng cao hơn. Về việc này khoa học ở Việt Nam cũng đã làm được những bước đầu tiên.

Nhìn chung, các nhóm đều có hướng giải bài rất bài bản, thực tế khi đều phân tích bằng chuỗi giá trị và đưa ra những ý tưởng sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhóm đều mắc phải một thiếu sót lớn là chưa khẳng định về vùng nguyên liệu riêng của mình. Vùng nguyên liệu là một yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp tự tin khẳng định chất lượng gạo luôn được kiểm soát, là bằng chứng xác thực nhất để thuyết phục khách hàng trước thực trạng nguồn gốc hạt gạo còn trôi nổi. Tuy nhiên do thời gian gấp rút, và chú trọng vào khía cạnh marketing của cuộc thi, kết quả như vậy là tốt.

Chỉ cần khắc phục những thiếu sót này các bạn sinh viên đã có thể mang bài thi của mình ra làm thực tế. Và thậm chí bài thi của các bạn đã có thể trở thành đề án để giúp nhiều doanh nghiệp đi vào ngành gạo bài bản hơn, tạo ra giá trị lớn hơn.

* Sau khi hiểu thêm về lúa gạo, có nhiều sinh viên khối ngành kinh tế cảm thấy « có duyên » với ngành này, và muốn trở thành người kế nhiệm Giáo sư trong sự nghiệp « cứu lúa ». Giáo sư có lời khuyên nào cho các bạn ?

Nông nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn và thử thách, nên dĩ nhiên cần một người « yêu cây lúa » đủ để kiên trì theo đuổi với sự nghiệp này. Và dĩ nhiên, nông nghiệp thì rất vất vả, nên tiêu chí thứ hai là cũng cần một người chịu khó, chịu cực để khám phá những điểm mạnh và điểm yếu của cây lúa Việt, cũng như của người nông dân Việt Nam. Nhắc đến nông dân, thì tiêu chí thứ 3 cần nhấn mạnh là ngoài « yêu cây lúa », cũng cần phải « yêu cả nông dân » nữa. Thực tế người nông dân là đối tượng khó tiếp cận và thuyết phục nhất, nên đòi hỏi ở người làm nghề này một sự kiên nhẫn, thấu hiểu, biết cách ăn nói và phải rất linh động trong cách ứng xử.

Bên cạnh đó, còn cần sự đam mê và tâm huyết với nghề – đừng mong đợi quá nhiều ở thù lao ban đầu vì khi mình giỏi ắt hẳn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Và để duy trì đam mê, hãy cố gắng tìm kiếm mặt màu hồng mà nhìn vào để làm động lực đi lên, hay nói cách khác là phải luôn lạc quan, suy nghĩ tích cực.

Với thực trạng hiện nay, dễ dàng nhìn thấy tình trạng bị động trước những cơ hội cũng như thách thức. Cần những con người luôn chủ động, không ngồi một chỗ chờ đợi mà phải chủ động tìm kiếm, chủ động thấy trước những thứ cần làm chứ không để nước đến chân mới nhảy.

Và cuối cùng là « dám khám phá », hiện tại chúng ta chưa có nhiều đầu tư cho việc khám phá thị trường tiềm năng, cũng là do tư tưởng « ngại đi khám phá ». Ví dụ như Châu Phi là một thị trường rất tiềm năng cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam, tuy nhiên lượng người dám tiên phong khám phá thị trường này vẫn còn thiếu. Mà nếu không tìm kiếm được thị trường, thì bài toán gạo Việt Nam vẫn cứ đi trong vòng lẩn quẩn và người nông dân sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Phải « dám khám phá, dám đổi mới » thì mới có thể vực dậy ngành này.

* Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here