Nội Dung Chính
Gần 3 năm trở lại đây, khi thị trường trở nên khó khăn, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không ít doanh nghiệp điện máy trong nước đã bắt đầu “mở cửa” đón nhận sự đầu tư, hỗ trợ từ các doanh nghiệp mạnh của nước ngoài.
Mở sẵn cửa cho đối tác ngoại
Một trong những doanh nghiệp đón bắt xu thế bắt tay với nhà đầu tư ngoại phải kể đến Trần Anh với việc hợp tác cùng tập đoàn điện máy Nojima Nhật Bản, Nguyễn Kim bắt tay với tập đoàn Central Group của Thái Lan thông qua thương vụ Power Buy (thuộc Central Group) mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim), đặt tham vọng sẽ đạt 50 siêu thị vào năm 2019..
Ngoài ra, những cái tên khác như HC, Pico, Media Mart cũng tính đến hợp tác với đối tác ngoại nhằm gia tăng lợi thế. Năm 2015, trao đổi với truyền thông, đại diện Công ty TNHH Thương mại VHC – doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Home Center (HC) từng cho biết HC chưa có dự định bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên nếu có các đối tác tốt và dự án hợp tác thúc đẩy sự phát triển của cả đôi bên, HC có thể sẽ tham gia.
Cuối tháng 6/2015, giới trong ngành cũng xôn xao thông tin Pico sẽ về một nhà với Nguyễn Kim khi cùng hợp tác với Tập đoàn Central Group của Thái Lan. Hay như gần đây, đại diện Media Mart đã úp mở thông tin đang trong giai đoạn đàm phán và tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài.
Dù chưa có thông tin chính thức nhưng những động thái nói trên cũng cho thấy các doanh nghiệp điện máy còn lại đang “chạy nước rút” bắt tay với đối tác nước ngoài nhằm đuổi kịp đối thủ.
Sau “kết hôn” có là trái ngọt?
Đánh giá về kết quả sau 2,5 năm bắt tay với Nojima, ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing của Trần Anh cho hay: “Ban đầu, khi hợp tác với doanh nghiệp ngoại, Trần Anh không tránh khỏi những ánh mắt nghi ngại của giới trong ngành về nỗi lo bị thâu tóm và sự khác biệt văn hóa. Song chúng tôi biết mình cần phải làm gì để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh sân chơi ngày càng rộng lớn và khốc liệt như hiện nay”.
Cũng theo ông Đạt, ưu thế cạnh tranh lớn nhất Trần Anh có được tính đến thời điểm này là sự hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm và công nghệ bán lẻ từ phía đối tác Nhật Bản. Nhà đầu tư còn giúp Trần Anh rất nhiều trong việc tư vấn vận hành, quản lý chuỗi (những vấn đề còn yếu của doanh nghiệp Việt nói chung) để đảm bảo tốc độ mở rộng mạng lưới luôn tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của toàn hệ thống.
Năm 2015, chỉ trong 1 tháng Trần Anh đã mở 6 siêu thị mới, một mục tiêu mà không ít doanh nghiệp có thể thực hiện nếu không có sự hỗ trợ từ đối tác nước ngoài. Tại khu vực phía Bắc, Trần Anh đang là doanh nghiệp bán lẻ điện máy dẫn đầu về độ phủ (14/26 tỉnh) và mặt bằng bán lẻ (75.000m2). Năm 2015 doanh thu đạt 3.323 tỉ đồng, tăng trưởng 38% so với 2014, lợi nhuận sau thuế 14,6 tỉ đồng, bằng 187% so với kế hoạch.
“Trong năm 2016, chúng tôi dự kiến tiếp tục mở thêm 10 -12 điểm bán nhằm tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ theo tư vấn của đối tác ngoại”, ông Đạt chia sẻ.
Trong khi đó, không giống Trần Anh, Nguyễn Kim được giới trong ngành đánh giá là khá yên ắng sau khi bắt tay với đại gia Central Group. Sau khi hợp tác với người Thái, Nguyễn Kim vẫn chưa mở mới thêm điểm bán nào.
Sự “chậm chân” của Nguyễn Kim trong cuộc đua mở rộng chuỗi như năm qua sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của hệ thống này trong tương lai, tuy nhiên hiện tại vẫn còn quá sớm để nhận định điều gì bởi Nguyễn Kim vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu sau cú “bắt tay thế kỷ’.
Theo đánh giá của giới kinh doanh điện máy, mua bán, sáp nhập hay cùng hợp tác phát triển đang là xu hướng tất yếu.
Tùy vào các mục tiêu phát triển, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức và đối tác để hợp tác nhằm mở ra những cơ hội hồi sinh, thoát khỏi “bóng ma” phá sản và đem lại sự phát triển cho mình. Như trường hợp Trần Anh, hiện tại Nojima chỉ chiếm gần 31% cổ phần tại hệ thống bán lẻ này, đủ để định hướng về chuyên môn, nhưng Trần Anh vẫn là doanh nghiệp làm chủ cuộc chơi.