Gót chân Asin của Harvard

0
785

Trường Kinh doanh Harvard có tiếng là sớm áp dụng công nghệ vào công tác đào tạo khi yêu cầu sinh viên phải mang theo máy tính xách tay ngay từ khoảng năm 1984 và Trường cũng đã đưa được nhiều sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại các hãng công nghệ lớn như Hewlett-Packard Co., Facebook.

Thế nhưng, danh tiếng này có vẻ đang bị lu mờ khi xét đến việc giảng dạy chuyên ngành quản trị trong một thời đại mà mọi thứ đều xoay quanh công nghệ như hiện nay, theo đánh giá của các sinh viên đang theo học Trường Kinh doanh Harvard, cán bộ giảng dạy và các cựu sinh viên.

Sức ép đối với Harvard càng lớn khi các đối thủ như Trường Kinh doanh thuộc Đại học Stanford và Trường Quản trị Sloan của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã khẳng định vị trí là các ngôi trường hàng đầu về công nghệ, theo báo cáo hướng nghiệp hằng năm của các ngôi trường này.

Chắc chắn, Trường Kinh doanh Harvard vẫn là trường được nhiều sinh viên theo học ngành quản trị kinh doanh chọn lựa và Trường chỉ duyệt 12% trong tổng số hồ sơ nộp đơn theo học chương trình MBA 2 năm. Tuy nhiên, một thực tế là Trường đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp với những thay đổi nhanh trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh.

Ngay cả ông Nitin Nohria, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, dù cho biết Trường đã gửi nhiều sinh viên tốt nghiệp đến các công ty công nghệ hàng đầu mỗi năm, nhưng cũng phải thừa nhận rằng “tính công nghệ của trường chúng tôi không bằng”, nếu so với MIT và Stanford.

Các sinh viên đang theo học, cán bộ giảng dạy và các cựu sinh viên thì cho rằng phương pháp giảng dạy dựa theo các tình huống cụ thể (case study) của Trường Kinh doanh Harvard chủ yếu nói đến những vấn đề tiến thoái lưỡng nan mà doanh nghiệp gặp phải từ nhiều năm, thay vì chú trọng đến các thế lực hiện tại đang định hình nên lĩnh vực công nghệ, trong khi đây mới là những điều mà các sinh viên tốt nghiệp kỳ vọng được học hiện nay.

Nick Taranto, tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard vào năm 2010 và hiện là nhà đồng sáng lập kiêm đồng Tổng Giám đốc của Plated Inc. – một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực phân phối thực phẩm trực tuyến, cho biết Trường đã chuẩn bị cho ông kiến thức để điều hành công ty của mình. Nhưng “việc chuẩn bị cho những vấn đề như quản trị sản phẩm trong giai đoạn đầu, khám phá khách hàng, trải nghiệm người sử dụng, thiết kế web… thì tôi chẳng có khái niệm gì cả. Tất cả những kiến thức này là tôi đều phải tự học hỏi, mày mò lấy”, ông thừa nhận.

Một sinh viên tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard năm 2014 (không muốn nêu tên) thì cho biết: “Trường Kinh doanh Harvard đào tạo các sinh viên trở thành CEO (Tổng Giám đốc), CMO (Giám đốc Marketing), nói chung là đào tạo mọi vị trí lãnh đạo chỉ trừ CTO (Giám đốc Công nghệ) hoặc CIO (Giám đốc Hệ thống thông tin)”.

Hầu như không ai kêu gọi phải có các lớp học mang tính chất bắt buộc dành cho các MBA hoặc phải có chương trình đào tạo đặc biệt dành riêng cho các sinh viên có nền tảng về kỹ thuật. Thế nhưng, các sinh viên hiện đang theo học tại Harvard và những người mới tốt nghiệp gần đây đều cho rằng Harvard nên gia tăng mức độ nhận biết về công nghệ vào chương trình giảng dạy, đưa ra các vấn đề cho học viên như phân tích dữ liệu trong marketing hoặc sự bành trướng của Airbnb Inc., một công ty cho thuê phòng trực tuyến, tác động như thế nào đối với các chuỗi khách sạn lớn hiện nay.

Nhận thức được sức ép này, Trường Kinh doanh Harvard đã nỗ lực làm mới các chương trình giảng dạy. Vào năm 2013, ông Nohria đã tung ra chương trình sáng kiến kỹ thuật số Digital Initiative nhằm giúp xây dựng các buổi đàm thoại về cuộc trở mình kỹ thuật số đang diễn ra trong mọi khía cạnh của nền kinh tế. Và gần đây, Trường cũng tuyên bố sẽ bắt đầu tung ra một “phiên bản” chú trọng vào góc độ kinh doanh của khóa học giới thiệu về môn khoa học máy tính dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp. Năm nay, có khoảng 25 sinh viên của Trường Kinh doanh Harvard đã đăng ký học thêm môn này.

Dẫu vậy, một người mới tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard và hiện đang nắm vị trí quản lý về công nghệ tại một công ty ở New York cho biết: “Họ đã bàn bạc từ nhiều năm nay rồi, nhưng chẳng có gì tiến triển cả”, khi nhận xét về nỗ lực mở rộng các chương trình nâng cao tính công nghệ trong giảng dạy của Trường Kinh doanh Harvard.

Theo ông Nohria, vấn đề mà Trường đang gặp phải là vị trí địa lý. Các trường kỹ thuật và kinh doanh của MIT và Stanford nằm gần nhau và tích hợp chặt chẽ với nhau, trong khi ngược lại Trường Kỹ thuật của Harvard lại cách Trường Kinh doanh Harvard gần một dặm ở bên kia Sông Charles (Boston, Massachusetts). Ông cho biết trong vài năm tới, sẽ đưa Trường Kỹ thuật Harvard về gần với Trường Kinh doanh Harvard nhằm tạo cơ hội cho sinh viên được học lập trình và tham gia các khóa học về những cải tiến đột phá trong lĩnh vực khoa học.

Về chương trình giảng dạy dựa vào nghiên cứu các tình huống cụ thể, ông Nohria cho biết cán bộ giảng dạy đang viết mới các tình huống có liên quan đến kỹ thuật số. Dẫu vậy, một số sinh viên lo ngại, chờ đến khi viết xong các tình huống này thì thực tế đã đi khá xa.

Giáo sư Marco Iansiti, đứng đầu bộ phận Quản trị Hoạt động và Công nghệ của Trường Kinh doanh Harvard, ước tính khoảng 2/3 khóa học năm đầu tiên mang tính bắt buộc vẫn còn tập trung vào việc giảng dạy về hoạt động, trong đó có 12 giờ thực hành mô phỏng các hoạt động quản lý tại nhà máy. Mùa thu này, khóa học đã lần đầu tiên đưa crowdsourcing (các giải pháp khai thác nguồn lực từ cộng đồng, từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí và gia tăng giá trị công việc) vào trong giảng dạy. Ông Iansiti cho biết ông rất quan tâm đến việc đưa thêm các nội dung quản trị công nghệ như thế và “giảm nhẹ các nội dung giảng dạy về hoạt động truyền thống”.

Hiện tại, các sinh viên Trường Kinh doanh Harvard vẫn có chỗ đứng tốt trên thị trường việc làm về công nghệ. Thế nhưng, theo Jeremy Shinewald, nhà sáng lập và Chủ tịch hãng tư vấn nhập học mbaMission, khi các sinh viên theo học MBA muốn tìm việc làm trong lĩnh vực công nghệ, họ lại không mặn mà lắm với Trường Kinh doanh Harvard. Ông Shinewald cho biết trong số ít người được duyệt đơn xin nhập học cả vào Trường Kinh doanh Harvard lẫn Stanford thì những người có thiên hướng về công nghệ lại chọn Stanford.

Trong bối cảnh cuộc chuyển mình về công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ, có một xu hướng là nhiều sinh viên đang chọn cách ra ngoài học thêm các khóa học về công nghệ như một cách để chuẩn bị cho tương lai. Giáo sư Iansiti cho biết ông rất vui khi thấy các sinh viên hào hứng về cuộc chuyển giao kỹ thuật số. “Đồng thời nó cũng nhắc nhở tôi rằng liệu tôi đã nỗ lực hết mình để tạo nên sự thay đổi trong chương trình giảng dạy hay chưa”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here