Google đã cạn ý tưởng?

0
772

Ra mắt hàng loạt thiết bị phần cứng mới, có vẻ Google chưa thoát khỏi cái bóng của nhiều đối thủ khác trong đó có Microsoft, Apple, Amazon…

Google vừa công bố Pixel – mẫu smartphone mới do hãng thiết kế từ đầu, cùng với kính thực tế ảo Daydream View, trợ lý ảo Google Home cạnh tranh với đối thủ Amazon Echo, và hệ thống Wi-Fi tại gia Google WiFi.

Tất cả các sản phẩm mới trên đều có bóng dáng của người đi trước. Chẳng hạn kính thực tế ảo đã có Samsung, Facebook và nhiều hãng khác trình làng, smartphone phổ biến, còn trợ lý ảo thì đã có Amazon và Apple.

Không giống các phần cứng trước đây của Google, lần này tất cả sản phẩm ra mắt đều thuộc một bộ phận duy nhất do cựu chủ tịch Motorola, Rick Osterloh, lãnh đạo và có sự sâu chuỗi với nhau nhiều hơn.

Chẳng hạn, trợ lý thông minh Google Assistant có mặt trên cả Google Home và điện thoại Pixel. Tuy nhiên, cách thức kích hoạt lại khác một chút. Với Google Home, bạn phải nói “Okay Google”, còn Pixel chỉ cần nhấn và giữ phím home là xong.

Pixel cũng là chiếc smartphone đầu tiên cho tới nay tương thích với kính thực tế ảo Daydream.

Có những nhận định cho rằng bộ sản phẩm mới của Google sẽ thách thức vị trí thống trị của nhiều tên tuổi lớn hiện nay như Apple, Amazon, Samsung. Nhưng thực tế thì sao?

Sản phẩm không mới

Pixel trông chẳng khác gì iPhone. Google Home không khác Amazon Echo là bao. Còn Daydream View là dạng kính VR rẻ tiền, khó đạt độ tinh vi và phức tạp như Oculus của Facebook, PlayStation VR của Sony.

Trong khi đó, Google WiFi giống với Eero và nhiều sản phẩm đến từ các công ty khởi nghiệp khác. Những hãng này từng hứa hẹn đơn giản hóa kết nối Wi-Fi tại gia cách đây hàng thập kỷ.

Chẳng hạn thiết bị Cisco Valet, router Wi-Fi của Microsoft – tất cả đều được thiết kế cho mục đích tương tự mà Google WiFi hướng tới.

Về điện thoại, Google không tự đứng ra sản xuất. Hãng chỉ thiết kế và đưa vào đó một số tùy biến riêng của mình. Công đoạn sản xuất được giao cho đối tác HTC.

Ở đây, người ta có dịp xem lại “vở kịch” Google đã từng diễn trước đây. Vì nếu hãng này thực sự nghiêm túc trong kinh doanh phần cứng theo cách đột phá nào đó thì đã không phải chi hơn 12 tỷ USD mua Motorola Mobility năm 2011 rồi chỉ chưa tới 3 năm sau đã bán lại cho Lenovo với giá chỉ 2,91 tỷ USD.

Rồi còn chuyện Google không có chuỗi cửa hàng bán lẻ. Khách hàng sẽ dùng thử sản phẩm kiểu gì đây? Khi Microsoft nhảy vào mảng phần cứng, hãng này đã phải mở hàng loạt cửa hàng bán lẻ. Amazon cũng làm tương tự khi mở tới 100 ki-ốt trong các trung tâm mua sắm lớn.

Với Google, chiến lược sẽ là bán trực tuyến và thông qua đối tác. Các thiết bị mới của Google sẽ được bán tại Walmart và Best Buy cùng nhiều sản phẩm điện tử tới từ các thương hiệu khác.

Google sẽ phải vận hành dịch vụ hỗ trợ trợ tuyến, giống như kiểu Genius Bar của Apple. Và một lần nữa, mô hình này chẳng có gì mới, chỉ là bắt chước cái đã có rồi.

Vấn đề tiếp theo là tài chính. Trước đây, Google không tính doanh số phần cứng vào mảng tài chính. Còn bây giờ, nếu Google coi đây là cuộc chơi thực sự, chi phí – lợi nhuận sẽ là vấn đề Google phải cân đo đong đếm.

Phần cứng không phải thế mạnh của Google

Tiếp theo chính là thái độ của người đứng đầu Google. Tại sự kiện ra mắt loạt thiết bị mới, CEO Google Sundar Pichai có vẻ không được hào hứng cho lắm, khác hẳn với vẻ nhiệt huyết và tràn đầy sinh lực tại Google I/O, sự kiện hàng năm của Google dành cho các nhà phát triển phần mềm.

Pichai xuất thân là nhà phát triển phần mềm. Ông có thể diễn thuyết không mệt mỏi trong những sự kiện liên quan tới phần mềm, chẳng hạn cơ chế học máy của Google giúp dịch từ tiếng Anh sang tiếng Trung.

Trong khi đó, “sếp” mảng phần cứng Google, Osterloh, liên tục khẳng định rằng công ty này sẽ chú trọng về phần cứng, ít nhất là ở thời điểm này, và đây sẽ là cuộc đua dài hơi chứ không phải ngày một ngày hai.

Thế nhưng, cái tốt nhất của sản phẩm phần cứng Google lại không nằm ở phần cứng. Nó là phần mềm và các dịch vụ chạy ngầm phía dưới. Đó chính là bộ não của trợ lý ảo Google Assistant, khả năng lưu trữ ảnh không giới hạn của chiếc điện thoại Pixel nhờ vào dịch vụ đám mây của Google, và nền tảng thực tế ảo Daydream mà bên thứ ba có thể sử dụng để tạo các nội dung 3D.

Tới đây, có thể thấy rằng Google không hoàn toàn theo chân Apple. Có vẻ giống như Google theo sau Microsoft thì đúng hơn. Năm 2010, Microsoft bắt đầu làm phần cứng để chứng minh rằng Windows 8 có thể thoải mái chạy trên các thiết bị màn hình cảm ứng.

Microsoft đã có bước tiếp cận nghiêm túc với phần cứng. Hãng này có nhiều nhà thiết kế giỏi với nhiều sản phẩm phần cứng xuất sắc khiến Apple cảm thấy nóng mặt buộc phải đáp lại nếu không muốn tụt hậu.

Đó là chiến lược phần cứng trong dịch vụ hàng loạt sản phẩm khác của Microsoft, chứ không đơn thuần chỉ phát triển sản phẩm riêng rẽ.

Và đây chính là con đường mà Google đang đi. Chỉ có điều, thành công hay thất bại, mọi thứ vẫn còn ở phía trước.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here