Giám đốc điều hành T&A Ogilvy nói gì về sáng tạo của Viettel?

0
797

Giám đốc điều hành T&A Ogilvy Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, nếu như ở những ngày đầu, trong vai trò là “người thách thức thị trường”, Viettel đã xây dựng được không khí sáng tạo cao thì gần đây, có vẻ “tính sáng tạo”, “tính mạo hiểm” được thay bằng tính an toàn và ổn định.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, là một doanh nghiệp lớn, điều quan trọng với Viettel theo tôi không phải nằm trong việc “gắn mình với hình ảnh là một doanh nghiệp có sự sáng tạo cao” mà nằm trong việc có xây dựng được một “văn hoá doanh nghiệp sáng tạo” hay không. Nếu như ở những ngày đầu, trong vai trò là “người thách thức thị trường”, Viettel đã xây dựng được không khí sáng tạo cao trong chiến lược và chiến thuật thì ở những năm gần đây, có vẻ “tính sáng tạo”, “tính mạo hiểm” đã được thay bằng tính an toàn và ổn định, những thứ không phải là môi trường tốt cho văn hoá sáng tạo.

Trả lời câu hỏi khi Viettel tuyển dụng, thường chọn “người phù hợp” (chứ không nhất thiết phải giỏi nhất), nhưng những người “phù hợp” làm việc với nhau liệu có kích thích được va đập, sáng tạo không (vì sáng tạo cần phải có sự đa dạng)? Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, những loài có thể tiến hoá được không phải là những loài mạnh nhất mà là những loài có khả năng thích ứng cao nhất. Cố nhiên, sự đa dạng trong đoàn đội là cần thiết cho môi trường sáng tạo, nhưng sáng tạo cũng cần những người phù hợp, phù hợp ở đây theo nghĩa là chia sẻ tầm nhìn, hiểu được vai trò của mình trong bức tranh chung và chấp nhận “cái tôi độc sáng” nằm trong một văn hoá sáng tạo chung của Tập đoàn.

Trả lời về vấn đề Viettel đang nỗ lực lẳng nghe khách hàng, điều này sẽ giúp gì trong việc làm cho Viettel sáng tạo hơn? Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Henry Ford có một câu nói nổi tiếng “nếu tôi hỏi người tiêu dùng muốn gì, họ sẽ bảo họ muốn một cỗ xe ngựa chạy nhanh và an toàn nhất nước”. Lắng nghe khách hàng là quan trọng, nhưng ý kiến của khách hàng, đánh giá của khách hàng luôn luôn thay đổi, không phải lúc nào chạy theo ý kiến khách hàng cũng tốt. Sáng tạo cần cái nhìn phóng chiếu vào tương lai, cần sự tưởng tượng… Ví dụ, hãy tưởng tượng một khách hàng tương lai của chúng ta mười năm nữa sẽ nói gì với chúng ta hôm nay, mười năm sau, hai mươi năm sau?”

Văn hoá sáng tạo thường được xây dựng từ cách thức chúng ta vận hành công việc hàng ngày, chứ không phải chỉ những ý tưởng đột phá về sản phẩm, về chiến lược hay chiến thuật.

Để làm cho mỗi nhân viên Viettel có thể trở nên sáng tạo hơn, ông Nguyễn Thanh Sơn nói: “Chúng tôi có một chương trình gọi là “giả sử như…(what if), đó là một chương trình đòi hỏi chúng ta làm mọi việc khác cái cách chúng ta làm hàng ngày. Hãy thử thay đổi mọi thứ chúng ta vẫn quen làm và làm vì quen, ví dụ như giờ đi làm, giờ nghỉ trưa, giờ rời văn phòng, cách thức tiến hành một buổi họp (tại sao ngồi mà lại không đứng), thay đổi vai trò của nhân viên một ngày trong tuần… Văn hoá sáng tạo thường được xây dựng từ cách thức chúng ta vận hành công việc hàng ngày, chứ không phải chỉ những ý tưởng đột phá về sản phẩm, về chiến lược hay chiến thuật. Một khi mọi người có thói quen sáng tạo trong công việc hàng ngày, họ sẽ có thói quen xây dựng những ý tưởng sáng tạo cho sản phẩm, chiến lược, chiến thuật, kế hoạch thực thi”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, về nguyên tắc, văn hoá sáng tạo là cả một quá trình, và cần thời gian để hình thành. Tuy vậy, văn hoá công ty sẽ được hình thành khi có các yếu tố sau: Thứ nhất, người ta thấy được sự khẩn thiết của điều đó (sense of urgency), hay nói một cách khác, khi người ta “đói khát” điều đó hay nếu không thay đổi người ta có nguy cơ thất bại. Thứ hai, công ty có lãnh đạo làm đầu tàu và lan toả ảnh hưởng. Thứ ba, công ty có môi trường dân chủ và chấp nhận khác biệt, chấp nhận thử nghiệm, chấp nhận thất bại. Thứ tư hình thành một “văn hoá học tập liên tục”. Và cuối cùng, công ty có các công cụ để nhân viên thực hành sáng tạo và áp dụng sáng tạo vào vận hành.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here