Làm thế nào để FPT Retail có lãi trong năm nay, sau 2 năm gia nhập thị trường bán lẻ và chịu lỗ?
Theo kế hoạch kinh doanh trình ĐHCĐ thường niên vào cuối tháng 3, tập đoàn FPT đặt mục tiêu cho FPT Retail tăng trưởng doanh thu 36%, lên gần 4.000 tỷ đồng, trong đó lãi 24 tỷ đồng vào năm 2014. Sau 2 năm thua lỗ, đây là năm đầu tiên FPT đặt mục tiêu lợi nhuận cho mảng bán lẻ. Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh FPT Retail Ngô Quốc Bảo cho biết chuỗi bán lẻ FPT Shop dự kiến sẽ mở thêm 50 cửa hàng trong năm nay, đưa tổng số cửa hàng lên con số 150.
* Đã hết qúy I của năm 2014, tình hình kinh doanh của FPT Retail hiện đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
Năm 2013, doanh thu toàn FPT Retail (gồm cả FPT Shop và F.Studio by FPT) tăng 3 lần so với năm 2012. Trong 3 tháng đầu năm 2014, riêng mảng kinh doanh trực tuyến tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2013. Sau khi chúng tôi là đại lý ủy quyền chính thức của hãng Apple cùng với việc các cửa hàng F.Studio by FPT là điểm tiếp nhận bảo hành chính hãng sản phẩm iPhone, chúng tôi là lựa chọn ưu tiên của khách hàng khi mua sản phẩm Apple tại Việt Nam, với mức doanh thu bán lẻ sản phẩm Apple cao trong các nhà bán lẻ cùng ngành.
* Với một sân chơi đang có quá nhiều đối thủ lớn, đường đến mục tiêu có lãi của FPT Retail chắc hẳn sẽ không dễ dàng và đòi hỏi một chiến lược thực sự khác biệt?
Điểm yếu của FPT Shop là công ty “đến sau” và đang đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống. Cùng với áp lực đáp ứng nhu cầu lớn và ngày càng cao của thị trường thì việc đảm bảo thực hiện hoàn hảo 100% các mục tiêu cùng lúc không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, FPT trong sân chơi bán lẻ gồm sức mạnh nội tại của FPT Retail (mà người tiêu dùng biết đến với chuỗi cửa hàng FPT Shop và F.Studio by FPT), sự kế thừa từ tập đoàn mẹ FPT và những thuận lợi đến từ các đối tác bên ngoài chính là những điểm mạnh của chúng tôi. Riêng tại FPT Shop, tất cả các hoạt động ở mọi bộ phận đều phải hướng về khách hàng, mỗi nhân viên front-office (tiếp xúc trực tiếp với khách hàng) được đào tạo để trở thành một chuyên gia tư vấn và là một người bạn của khách hàng. Chúng tôi nói “người bạn”, có nghĩa là chúng tôi sẵn sàng tư vấn trung thực về điểm mạnh/yếu ở từng dòng sản phẩm và khách hàng là người quyết định, vì chúng tôi (và cả khách hàng) đều biết rằng sản phẩm,dịch vụ nào cũng có ưu và khuyết điểm. Xét ở 1 khía cạnh nào đó, chúng tôi đang mạo hiểm khi theo hướng này vì không nhiều công ty bán lẻ cùng ngành thực hiện. Việc này không chỉ hô khẩu hiệu suông mà chúng tôi có những bộ công cụ đo đạc (KPI), ví dụ ghi nhận lượng khách hàng đến từng cửa hàng và quay lại mua hàng vào lần tiếp theo là 1 trong rất nhiều chỉ tiêu để đánh giá từng nhân viên và cả một shop Về sản phẩm, chiến lược của chúng tôi là phải tốt từ bên trong, với 3 ưu điểm: Khách hàng được thỏa thích trải nghiệm sản phẩm trước khi mua, chăm sóc trọn vòng đời sản phẩm và những ưu đãi – giá trị cộng thêm cho khách hàng đến từ chính FPT cũng như các đối tác liên kết.
* Đâu sẽ là những sản phẩm chủ lực mà FPT Retail tập trung phát triển?
Nếu xếp theo tỷ trọng doanh thu thì ngành hàng chủ lực của FPT Shop gồm có: điện thoại, Apple (Apple xếp độc lập là một ngành chủ lực, dù thương hiệu này có cả điện thoại, máy tính và phụ kiện Apple), máy tính, phụ kiện, dịch vụ, máy cũ. Hiện một số hãng bán laptop lớn đang có chiến lược tập trung vào mảng máy tính bảng nên ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường này.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy tín hiệu sụt giảm ở FPT Shop. Với vai trò của một nhà bán lẻ, chúng tôi phải có nhiều biện pháp để dù có bất kỳ một yếu tố tác động nào thì doanh số một nhóm hàng không suy giảm mà phải tiếp tục tăng trưởng. Nếu có thay đổi thì chỉ là tỉ trọng đóng góp của nhóm hàng đó trong tổng doanh số giảm mà thôi (trong trường hợp tốc độ tăng trưởng của các nhóm hàng khác lớn hơn). Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ huy động toàn bộ lực lượng, từ đội bán hàng đến từng nhân viên, ngành hàng phải chọn được sản phẩm tốt để có ưu thế ở từng thời điểm, tăng cường khuyến mãi… để giữ nhịp độ tăng trưởng.
* Việc mở thêm 50 cửa hàng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu lợi nhuận của FPT Retail?
Xây dựng điểm bán lẻ là khoản đầu tư tốn kém nhất đối với một công ty bán lẻ. Bằng chứng là trong vòng 2 năm qua, chúng ta đã thấy rất nhiều công ty bán lẻ phải đóng cửa, sang nhượng do kết quả kinh doanh không tốt, lại không tối ưu hóa được chi phí đầu tư, tiềm lực tài chính không đủ mạnh. Riêng tại FPT Retail thì yếu tố vốn, mục tiêu lợi nhuận khi mở rộng phát triển hệ thống bán lẻ không phải là vấn đề lớn. Bởi vì nếu kế hoạch kinh doanh không rõ ràng, lợi nhuận không đạt thì FPT và các đối tác đã không mạnh tay tập trung đầu tư vào FPT Shop. Còn về việc mở thêm 50 cửa hàng, tôi chỉ có thể chia sẻ là số tiền đầu tư rất lớn.
* Vậy kế hoạch phát triển các cửa hàng này sẽ được FPT Retail thực hiện theo lộ trình cụ thể như thế nào?
Với những gì đang diễn ra hiện nay, doanh nghiệp nào đủ tiềm lực và có chiến lược đầu tư đúng đắn sẽ là người chiến thắng. Ban lãnh đạo FPT Retail đều có chung một nhận định rằng, đây chính là thời cơ vàng để có thể săn được những mặt bằng tốt với giá cả phù hợp, tạo tiền đề cho sự phát triển theo đúng kế hoạch đề ra. Riêng trong năm 2013 vừa qua, chúng tôi đã mở mới hơn 60 cửa hàng ở những vị trí tốt như: Tràng Tiền Plaza, Royal City Vincom Mega Mall. Trong tháng tới, công ty sẽ nâng cấp toàn diện cửa hàng F.Studio by FPT tại Royal City Vincom Mega Mall ở Hà Nội và Vincom Eden ở TP.HCM.