Foxconn chi hàng trăm triệu USD để hồi sinh Nokia

0
663

Cuộc hồi sinh đầy ngoạn mục của Nokia đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía người dùng, tạo sự hứng khởi tại một số thị trường, ẵm nhiều giải thưởng danh giá và đưa thương hiệu vốn rất được yêu thích trên toàn cầu này có doanh số đáng mơ ước trong năm 2018.

Vấn đề duy nhất mà người ta để ý thấy trong lần trỗi dậy này là những smartphone và điện thoại cơ bản (feature phone) mang thương hiệu Nokia đã và đang tiêu tốn những chủ sở hữu mới của thương hiệu này một lượng tiền đáng ngạc nhiên, ngay cả khi họ tạo được doanh số bán ra cực kỳ ấn tượng.

Tất nhiên, sẽ thật là phi thực tế nếu nghĩ chỉ cần mua cái tên Nokia và gắn nó vào hàng tá điện thoại mới là đã có thể trồng được một cái cây với lá làm từ tiền. Nhưng những số liệu thực tế lại tàn nhẫn hơn nhiều so với dự đoán.

Trước tiên, nên biết rằng, đằng sau sự hồi sinh của thương hiệu Nokia là hai công ty: HMD Global Oyj – một công ty Phần Lan sở hữu các nhân viên kỳ cựu trước đây của Nokia, và FIH Mobile (một phân nhánh của Foxconn) – sở hữu mảng sản xuất điện thoại cơ bản của Nokia. FIH cũng sở hữu một phần nhỏ trong HMD, và cùng nhau, liên minh này đã đổ một lượng vốn đáng kể để hồi sinh thương hiệu Nokia vĩ đại ngày xưa.

Trong năm 2017, FIH đạt được doanh thu kỷ lục, nhưng xét về lợi nhuận, đây là năm thấp kỷ lục của hãng sản xuất smartphone này. Tại châu Âu, doanh thu của FIH tăng mạnh, gần gấp 10 lần năm 2016, đạt mức gần 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, lợi nhuận năm 2017 giảm đến 160 triệu USD so với năm 2016, một con số không hề nhỏ. Cần phải nói rõ rằng mọi hoạt động của FIH tại châu Âu đều liên quan đến Nokia!

Hãng tin Bloomberg phỏng đoán rằng tại châu Á, FIH cũng hứng chịu tình hình thất thu tương tự, nhưng ít ra còn được gỡ gạc ít nhiều khi tại khu vực này, FIH còn đảm nhiệm việc lắp ráp smartphone cho Xiaomi và Huawei – hai hãng đã có một năm bùng nổ về mặt doanh số (và smartphone của họ trớ trêu thay cũng là đối thủ cạnh tranh của Nokia).

Những số liệu phức tạp về doanh thu và lợi nhuận thuần của FIH Mobile cho thấy sự đắt đỏ của thương hiệu Nokia. Như đã nói ở trên, doanh số bán ra của các điện thoại Nokia do HMD và FIH sản xuất không hề kém: trong năm 2017, đã có đến 8,7 triệu smartphone Nokia được bán ra; số lượng điện thoại cơ bản còn lớn hơn, lên đến 59,2 triệu máy, trong đó chỉ riêng quý 4/2017 đã là 20,7 triệu máy.

Vậy chúng ta rút ra được gì từ cuộc hồi sinh tốn kém của Nokia? Rõ ràng việc mua lại quyền sở hữu một thương hiệu nổi tiếng cũng chẳng đảm bảo được điều gì. Hồi sinh một thương hiệu là một việc cực kỳ khó khăn và đắt đỏ. Dù lịch sử thương hiệu và khả năng nhận diện của người dùng có thể giúp sản phẩm của bạn được chú ý hơn bởi giới truyền thông, nhưng nó không đảm bảo doanh số bán ra của sản phẩm đó. Cũng cần nói rằng, chúng ta chưa thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của FIH và HMD, không có nghĩa chúng ta sẽ vĩnh viễn không thấy.

Hãy hỏi Microsoft về kết quả của việc hồi sinh thương hiệu Nokia – lần hồi sinh đầu tiên của thương hiệu Phần Lan này. Đó là vào năm 2013, khi Microsoft bỏ ra 7,2 tỷ USD để có thể tự tay mình phát triển dòng sản phẩm Lumia lúc đó đang cực kỳ đắt hàng, cùng một số dòng feature phone khác như Asha chẳng hạn.

Người ta ước tính rằng Microsoft cuối cùng đã lỗ đến 8 tỷ USD, và rồi phải chấp nhận từ bỏ Windows Phone (dù vậy, hãng cũng thu được một số tiền rất lớn từ việc bán bằng sáng chế cho Samsung). Thương hiệu Nokia cũng chính là chất xúc tác khiến Steve Ballmer – CEO Microsoft lúc đó – mất chức, và sự lên ngôi của CEO hiện tại Satya Nadella – người đã lèo lái con thuyền Microsoft đứng vững giữa sóng dữ (hay nói rằng ông đã giúp Microsoft… quay đầu 180 độ về phía bờ thì cũng không sai).

Chúng ta cũng đang chứng kiến BlackBerry trải qua một quá trình tương tự, khi công ty BlackBerry nguyên gốc ngừng sản xuất các thiết bị của chính mình và chuyển sang làm phần mềm.

Hiện các thiết bị BlackBerry đang được sản xuất bởi nhà sản xuất Trung Quốc TCL, và số lượng máy bán ra trong năm 2017 vô cùng nghèo nàn: chưa đến 1 triệu. So với năm 2013, chỉ trong Quý 2 đã có đến 6,8 triệu máy được bán ra, và bạn có thể thấy cạnh tranh với những ông lớn khó khăn đến chừng nào.

Nokia được đón nhận nồng nhiệt tại thị trường Ấn Độ, cùng với châu Âu – nơi doanh số smartphone lẫn điện thoại cơ bản đều rất khả quan. Bước tiếp theo của Nokia, với vũ khí là 5 mẫu điện thoại đã được giới thiệu tại MWC 2018, sẽ là mang mẫu flagship Nokia 8 Sirocco, mẫu tầm trung Nokia 6, và mẫu “quả chuối” Nokia 8110 4G vào thị trường Mỹ. Nokia sẽ không hợp tác với các nhà mạng – một bước đi có khả năng khiến doanh số bán ra của các thiết bị bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong bối cảnh chiếc Nokia 6 sẽ chính thức được bán ra vào tháng 5 tới. Đó sẽ là một sự thử nghiệm đắt giá, nguy cơ cao, trên một thị trường smartphone phân khúc tầm trung vốn đã quá đông đúc, và lại không được nhà mạng hỗ trợ nhằm tăng doanh số. Chưa kể, liệu có ai đảm bảo rằng người Mỹ sẽ chào đón Nokia như người châu Âu?

Sự trở lại của Nokia, ngạc nhiên thay, đang khiến Foxconn thất thoát một lượng kha khá tiền bạc dù đã đạt được những thành công nhất định. Nhưng với Foxconn đằng sau lèo lái, HMD sẽ cứ vui khi thấy doanh thu tăng trước, còn lợi nhuận, để sau cũng được!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here