Facebook muốn yêu cầu người dùng xác định mức độ đáng tin của các nguồn tin tức bằng cách khảo sát họ với 2 câu hỏi mà Mashable cho là “vô ích”.
4 ngày sau khi công bố sẽ thay đổi cơ chế hiển thị trên News Feed với các “nội dung chất lượng cao”, CEO Facebook tiếp tục tuyên chiến với nạn tin tức giả mạo (fake news). Hãng cho biết sẽ yêu cầu người dùng tự xác định nguồn tin mà mình cảm thấy tin cậy trên mạng xã hội này. Những nguồn tin bị cho là kém xác tín sẽ bị loại bỏ khỏi cơ chế hiển thị từ họ.
Hôm nay (24/1), người ta đã biết cách Facebook thực hiện khảo sát như thế nào. Đáng tiếc, nó có vẻ không đáng tin cậy, theo Mashable. Họ gọi phần khảo sát với 2 câu hỏi này là “rác rưởi”.
Cách thức tạo khảo sát để nhờ người dùng đánh giá độ tin cậy các nguồn tin của Facebook bị nhiều trang tin lớn phản đối. Ảnh: Buzzfeed.
Được phát hiện bởi BuzzFeed News (sau đó đại diện Facebook xác nhận), bản khảo sát này chỉ bao gồm 2 câu hỏi đơn giản với nội dung:
- Bạn có nhận ra những website này không? (Có/ Không)
- Bạn tin tưởng mỗi tên miền đó ra sao? (Hoàn toàn/ Nhiều/ Đôi khi/ Hiếm khi/ Hoàn toàn không)
2 câu hỏi này sẽ sớm được gửi đến người dùng Facebook trên toàn thế giới. “Đó là thứ giúp chúng ta thoát khỏi sự sai lệch thông tin”, Mashable viết.
Điều quan trọng là không phải ai cũng có cơ hội trả lời nó. Facebook dự định khảo sát ngẫu nhiên và tin rằng phương pháp của họ đủ chính xác để coi nó là phổ cập.
“Xác tín một nguồn tin phức tạp hơn thế nhiều”, phóng viên Sarah Frier của Bloomberg chia sẻ trên Twitter. “Bài báo đó có đến từ nguồn tin đáng tin cậy không? Những trang khác có đưa nó không? Nó là tin tức hay bài phân tích”, phóng viên này đặt câu hỏi khi biết về phương thức khảo sát của Facebook.
Nói với Business Insider, Facebook cho biết việc họ lựa chọn ngẫu nhiên người dùng thực hiện khảo sát là để tránh một nhóm người xấu liên kết lại, tung ra kết quả khảo sát không chính xác.
Trên Twitter, Adam Mosseri, Giám đốc phụ trách News Feed của Facebook, cho hay công ty của ông cũng sẽ theo dõi những gì người dùng đọc và sử dụng nó như một phương pháp đánh giá câu trả lời của họ.
Tuy nhiên, cách xác định của Facebook gây nhiều tranh cãi khi họ coi mỗi đơn vị xuất bản là một thực thể, không tách biệt. Lấy BuzzFeed là một ví dụ. Họ xuất bản mọi nội dung, từ những cuộc điều tra sâu về vụ ám sát trên đất Anh hay Nga cho đến những câu đố như “Điều gì bạn thích ở bộ phim Zodiac”. Một trong số đó là tin tức đáng tin cậy, cái còn lại chỉ để giải trí. Tuy nhiên, người dùng không thể đánh giá tách biệt.
Trong một bài đăng hồi tháng trước, CEO Facebook Mark Zuckerberg nói công ty cảm thấy “không thoải mái” khi phải đánh giá độ tin cậy của các nguồn tin. Do đó, họ quyết định để cộng đồng tự đánh giá.